Sau 8 ngày tranh tài, tối ngày 4/12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cà Mau đã diễn ra Lễ Bế mạc “Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc - 2020”.
Thay mặt Hội đồng Giám khảo, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, NSƯT Lê Chức đánh giá, về đề tài các thí sinh lựa chọn đó là một “bức tranh toàn cảnh” đa dạng và phong phú được chọn từ chất liệu để sáng tạo nên các danh nhân lịch sử mang số mệnh đế vương, các danh tướng, mệnh phụ xưa và anh hùng kiên trung cách mạng liệt nữ hôm nay.
Bên cạnh đó là khai thác từ những điển tích, từ văn học và từ thực tế của cuộc sống đương thời (vừa tràn đầy yêu thương- tha thứ, vừa là cảnh báo của các tệ nạn, của quyền lực và lòng tham quá mức mà mất đi phẩm cách con người). Và còn đó - là đề tài về chiến tranh cách mạng (chống Pháp và chống Mỹ); có cả việc sử dụng chất liệu, đề tài văn học và sân khấu của nước ngoài.
Chọn những nhân vật có tầm vóc đó cho sáng tạo và thể hiện đột phá tâm tính, truyền cảm, lay động...
Trong nhiều bài thi là một sự “tự thách đố” của mỗi diễn viên, thí sinh. Và nhiều thí sinh ở độ trẻ tuổi đã vươn đến, vượt lên và thể hiện, truyền cảm một cách già dặn trong nhận thức để phản tỉnh với bản thân và đến với người xem.
Các đạo diễn và thầy hướng dẫn đã cùng diễn viên - thí sinh sáng tạo nên nhân vật sao cho chân thật, mãnh liệt, thật thuyết phục với tính cách “điển hình” trong một hạn hẹp của thời gian quy định cho bài thi (không quá 25 phút cho một thí sinh và không quá 35 phút cho hai diễn viên thi). Áp lực và tính hiệu quả của sân khấu từ nội dung, đến nguồn lực sáng tạo hình tượng nhân vật của diễn viên mới đủ được các yếu tố thi là Thanh, Sắc, Thục, Tinh, Khí, Thần mà mục đích cuối cùng là truyền cảm!
Tuy nhiên, NSƯT Lê Chức cũng chỉ ra điểm hạn chế của cuộc thi đó là, mỗi thí sinh là một cá nhân riêng biệt với vóc dáng, giọng ca, kỹ thuật biểu diễn... trong đó có cả yêu cầu về kiến thức hiểu biết với nhân vật - vai thi của mình. Khoảng cách về tuổi đến trí - lực, vóc dáng của các nhân vật có trường hợp còn chưa thật sự hài hòa nhau.
Từ đó mà thiếu sự thể hiện được “chiều sâu tâm trạng” nhân vật. Thay vào đó là sự “phải làm ra”, “phải diễn ra” nhân vật bằng hình thức bên ngoài với tạo hình luôn chuyển động cùng với sự la hét, tiếng cười lớn... mà thiếu sự tiết chế để lắng đọng những “nỗi niềm riêng”…
Ông cũng thay mặt Hội đồng Giám khảo có một số đề xuất như Bộ VHTTDL có những lớp hoặc đầu tư cho việc mở các lớp tập huấn chuyên môn cho các diễn viên trẻ về: Ca - Vũ đạo - Năng lực để khắc phụ những hạn chế, thâm chí đó còn có thể là sự non nớt về nghề. Bên cạnh đó, từng đơn vị nên cố gắng tổ chức cho các diễn viên được ở lại xem các bài thi của nhau để cùng biết về chất lượng của mỗi bài.
“Biết mình và biết bạn, học hỏi lẫn nhau, tự đánh giá để tránh đi những ý kiến không chuẩn xác, thậm chí tạo thành dư luận không đúng với thực tế, nhất là khi giải thưởng không đến với bản thân” NSƯT Lê Chức nói.
Kết quả, BTC đã trao các giải thưởng gồm 6 HCV cho Nguyễn Thị Luận (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Nguyễn Hoài Thanh (Nhà hát Thế giới trẻ, Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Thị Thủy (Nhà hát Cải lương Việt Nam); Nguyễn Thị Kỷ (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp); Nguyễn Thị Thu Mỹ (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An) Nguyễn Phước Dư (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai).
Ngoài ra BTC còn trao 18 HCB; 2 giải Khen thưởng khác bao gồm 1 Diễn viên trẻ nhất trao cho Lê Hồng Giang (Đoàn Cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau) và 1 Nữ diễn viên triển vọng trao cho Đỗ Thị Ngọc Gấm (Nhà hát Thế giới trẻ, Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh TP Hồ Chí Minh).