Sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều ngày 8/8, Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, khoá IX mở rộng, nhiệm kỳ 2019-2024 đã bế mạc. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã tiếp thu ý kiến và gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác Mặt trận trong thời gian tới.
Trân trọng tiếp thu những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết sát thực tiễn của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo văn bản để làm căn cứ để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Nhấn mạnh Đoàn Chủ tịch nhất trí với dự thảo báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022, nhất là 5 kết quả nổi bật và 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua phục hồi phát triển kinh tế để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội của đất nước năm 2022.
“Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, cán bộ Mặt trận ở cơ sở cần tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tiêm phòng vaccine theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không lơ là chủ quan mất cảnh giác trước diễn biến phức tạp của đại dịch”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, hệ thống Mặt trận cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thật tốt các hoạt động trong Tháng cao điểm vì người nghèo; xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11) theo hướng thiết thực, hiệu quả và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó góp phần củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, các tổ chức thành viên và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch để vận động chăm lo Tết Nguyên đán cho đoàn viên, hội viên và một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cũng lưu ý, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tổ chức thật tốt việc xây dựng kế hoạch năm 2023, đề xuất những nội dung cần hiệp thương phối hợp thống nhất hành động, nhất là đề xuất những nội dung triển khai các chương trình giám sát, phản biện xã hội.
“Đề nghị trước 30/8, Mặt trận 63 tỉnh, thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội gửi đề xuất về Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam để tập hợp và sẽ hiệp thương thống nhất thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Về dự thảo Đề án “Quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, ý kiến các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng đề án và sẽ trình Bộ Chính trị đưa vào kế hoạch năm 2022. Các ý kiến nhấn mạnh quá trình hoàn thiện Đề án phải đảm bảo nguyên tắc vừa có tính kế thừa, vừa có tính đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác Mặt trận trong tình hình mới, đồng thời khắc phục triệt để những bất cập, chưa phù hợp trong giai đoạn vừa qua.
“Quá trình chuẩn bị đề án đã bám sát cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, chức năng nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Đề án đã phân tích đánh giá hiện trạng, kế thừa đổi mới cơ quan MTTQ Việt Nam nhằm tham mưu giúp việc hiệu quả Đảng đoàn, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Về tên gọi nhiệm vụ cụ thể của các ban chuyên môn còn có ý kiến khác nhau, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định, Ban Thường trực sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để có sự đồng thuận cao nhất. Cùng với đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng nghiên cứu để có cơ sở pháp lý và điều kiện đảm bảo để Hội đồng tư vấn hoạt động.
“Dự kiến, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 2 cuộc hội thảo để lấy ý kiến của các vị nguyên Ủy viên Thường trực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, việc xây dựng Đề án trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm, được văn kiện Đại hội XIII chỉ rất rõ là đổi mới nội dung, phương thức và lần đầu tiên ghi là đổi mới tổ chức của MTTQ Việt Nam. Nhưng đề án cũng đối mặt với khó khăn là tinh giảm bộ máy biên chế; trình độ năng lực công tác của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương còn khiêm tốn, hạn chế. Bởi vậy, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm tập hợp phản ánh bằng văn bản và sẽ trình Bộ Chính trị và Bộ Chính trị quyết định.
Đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh trong Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã thực hiện đúng quy trình, quy định, các vị trong Ban Thường trực đều có tín nhiệm cao, đây là nguồn động viên để những người đương nhiệm cố gắng hơn nữa. Ban Thường trực sẽ chỉ đạo, hoàn thiện hồ sơ gửi báo cáo cấp trên theo quy định.
Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ và đoàn kết, đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, khoá IX mở rộng.