Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ Trung ương thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, về bối cảnh tình hình, quan điểm phát triển, mục tiêu, giải pháp...
Sau ba ngày (18 -20/9) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc chiều 20/9.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Hội nghị. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên bế mạc.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương tinh thần làm việc khoa học, thẳng thắn, trách nhiệm, hiệu quả, đổi mới của Trung ương. Công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chất lượng của các Tiểu ban, của Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan. Hội nghị Trung ương rút ngắn thời gian nhưng bảo đảm chất lượng.
Hội nghị thống nhất xác định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp thực hiện hiệu quả nhất, tập trung mọi nguồn lực, biện pháp, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đề ra.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ Trung ương thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, về bối cảnh tình hình, quan điểm phát triển, mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Với những kết quả đạt được từ năm 2021 đến nay và dự kiến phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, chúng ta sẽ phấn đấu đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2021-2025 do Đại hội XIII đề ra; thực tế đến nay vẫn còn khó khăn, thách thức nhất là việc thực hiện chỉ tiêu GDP - chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng và việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Trung ương yêu cầu cả hệ thống chính trị, trước hết là Chính phủ, người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương phải thực sự quyết tâm, quyết làm, có các giải pháp quyết liệt, dứt điểm, tăng tốc để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 được Trung ương thông qua; đạt cho được các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu GDP và tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong những năm tiếp theo; cần chú trọng tập trung cao nhất các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng cao của nền kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân, đặc biệt là đối với các địa phương chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 3.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và không ngừng nâng cao vị thế và đóng góp của Việt Nam vào hòa bình, ổn định phát triển của khu vực và thế giới.
Về văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Trung ương yêu cầu phải tiếp tục tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo. Đối với Báo cáo chính trị, cần phải đạt tầm mức công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan, xu thế vận động mới của thời đại và thực tiễn đất nước; kết tinh toàn bộ tinh hoa, giá trị của quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai; không quá dài, chỉ rõ những định hướng lớn để các cấp ủy, mọi đảng viên thấm nhuần và thực hiện; thật sự là “ngọn đuốc soi đường” dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào kỷ nguyên mới, sớm đạt các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Báo cáo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng phải thể hiện rõ những luận điểm khái quát trong Báo cáo chính trị; Tổng kết 40 năm đổi mới phải phản ánh đầy đủ thực tiễn đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, củng cố luận cứ vững chắc để định ra phương pháp cho Cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
Trung ương thống nhất xác định 5 nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện Văn kiện đó là: Về đột phá chiến lược, thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức cán bộ; đồng bộ và đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội là ưu tiên cao nhất.
Về phương hướng, giải pháp chiến lược, có 8 vấn đề đó là: Tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo).
Kiên định phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên; tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất.
Giữ vững độc lập, tự chủ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang tinh-gọn-mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần tự lực, tự cường.
Kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định lập trường, quan điểm và thực hành nghệ thuật ngoại giao thời đại mới thể hiện cốt cách con người Việt Nam “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “hòa hiếu”, “lấy chí nhân thay cường bạo”; tăng cường đóng góp thiết thực của Việt Nam trong duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phát triển văn hóa, con người; kiên định lập trường, quan điểm và thực hành “Dân là gốc", “Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới”; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của mọi người dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với phương châm dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường, sáng tạo hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các địa phương.
Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, không làm ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội.
Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.
Về một số vấn đề mới từ thực tiễn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục khẩn trương tổng kết, làm rõ để xác định trong Văn kiện, như: quản trị quốc gia và quản trị địa phương; sự đồng bộ giữa cơ chế điều hành, quản lý, quản trị phát triển trong nền kinh tế thị trường; mối quan hệ giữa tư duy quản lý và tư duy phát triển; nội hàm, cách thức, con đường để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nội hàm, mục tiêu, giải pháp thực hiện thành công đổi mới sáng tạo, công nghệ số trong kỷ nguyên mới; cách thức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm hiệu quả, chống lãng phí; đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng Luật, cơ quan làm luật; vấn đề đúng vai, thuộc bài trong thực hiện “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; chính sách xã hội đi đôi với phát triển xã hội; nội hàm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, khắc phục các hạn chế đã nêu trong các báo cáo chính trị, kinh tế-xã hội (về thể chế và pháp luật; vận hành bộ máy; huy động, sử dụng, phân bổ nguồn lực; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, liên kết vùng, công nghiệp văn hóa, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, ô nhiễm môi trường; về hiệu quả sản xuất).
Về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, Trung ương nhất trí cao trong trong giai đoạn mới, tiếp tục tập trung vào các nhóm giải pháp xây dựng Đảng, đó là: Tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới.
Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; làm cho mỗi nghị quyết mới ban hành phải giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, mang tính dẫn dắt, mở đường và được thực hiện hiệu quả trên thực tế cho nhân tố mới phát triển.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trong Đảng; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương thức, nguyên tắc, đường lối công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Đảng.
Trung ương thống nhất đánh giá việc bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng là vấn đề rất lớn, hệ trọng, cần được chuẩn bị hết sức thận trọng, khoa học, nghiên cứu bài bản, kỹ lưỡng và tiến hành đồng thời với việc nghiên cứu, bổ sung, phát triển Cương lĩnh của Đảng khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập. Cơ bản các nội dung của Điều lệ Đảng hiện hành phù hợp với thực tiễn; các quy định, hướng dẫn của Trung ương cụ thể, thuận lợi trong thi hành, bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong tình hình mới.
Các vướng mắc, bất cập trong thi hành Điều lệ Đảng có thể được giải quyết, khắc phục thông qua việc bổ sung, sửa đổi các văn bản, quy định hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trung ương thống nhất chủ trương chưa bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIV; trên cơ sở tổng kết công tác thi hành Điều lệ Đảng, đề nghị Đại hội XIV giao Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành Điều lệ Đảng ngay từ đầu nhiệm kỳ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng vào thời điểm phù hợp.
Trung ương tán thành các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng; thống nhất giao Bộ Chính trị chỉ đạo tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh để kịp thời ban hành.
Về phương hướng công tác nhân sự, Trung ương thống nhất với Tờ trình, Báo cáo tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và xây dựng phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, giao Tiểu ban Nhân sự nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn chỉnh Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV để ban hành theo quy định.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Trung ương thống nhất cao, cơ bản đồng tình với báo cáo kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách nhà nước năm 2024 và định hướng phát triển kinh tế-xã hội 2025. Trung ương thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, xác định đây là nhiệm vụ chính trị và ưu tiên nguồn lực đầu tư thực hiện sớm; thống nhất chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và một số vấn đề quan trọng khác.