Chiều ngày 27/11, sau hơn 1 tháng làm việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự phiên bế mạc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng,
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII. Ảnh: Hoàng Long.
Trước lễ bế mạc, QH đã thảo luận và thông qua một số luật và quyết định quan trọng.
Nộp ¾ tài sản tham nhũng sẽ thoát án tử
Trong buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực tư pháp như: Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo đó Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Trong khi đó, điểm nhấn của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định, bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch.
Tuy nhiên, Luật cũng quy định: Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Đồng thời, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án với các trường hợp như: phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người từ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Không thể để giá thuốc mập mờ
Trong buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi). Chỉ rõ với 2.000 công ty phân phối thuốc không chỉ làm rối thị trường phân phối mà còn làm tăng giá thuốc, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, Luật phải quy hoạch mạng lưới lưu thông phân phối thuốc hạn chế số lượng để chuyên nghiệp hơn. Trước tình trạng “cho thuê chứng chỉ trá hình” vẫn đang diễn ra, bà Lan đề nghị phải quy định về trách nhiệm của người chịu trách nhiệm chuyên môn của các cơ sở bán thuốc. Đồng thời, công bố danh sách những người được cấp bằng dược sỹ hàng năm để tránh nạn bằng giả, gây khó khăn cho công tác quản lý địa bàn. Bởi theo bà Lan, mỗi lần có bằng dược sỹ giả lại phải chuyển sang công an, rồi thường “rơi vào quên lãng”.
“Không thể để người dân phải dùng giá thuốc thế nào cũng phải chịu, không để giá thuốc mập mờ, khuyến mại nhiều quá”- ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) lưu ý. ĐB đưa ra dẫn chứng: Theo WHO, 88% người dân ở đô thị và 91% người dân ở nông thôn mua thuốc không có đơn, 76% bác sỹ kê đơn không phù hợp khiến Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới, lên đến 83% trường hợp điều trị kháng thuốc. Đây là hậu quả của việc không thực hiện quy định bán thuốc theo đơn nhưng không có kiểm tra, giám sát. Và nếu xử phạt cũng không đủ sức răn đe. Chính vì thế ông Tiên đề nghị dự thảo Luật phải khắc phục được tình trạng này.
Không cung cấp thông tin liên quan đến bí mật đời tư, gia đình Ngày 27/11, ĐBQH thảo luận về dự án Luật Tiếp cận thông tin. ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, muốn minh bạch phải công khai thông tin, cơ quan nhà trước có trách nhiệm cung cấp thông tin. “Về trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác thì việc quy định như trong dự thảo là chờ đến khi gây hậu quả, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội thì mới cung cấp thông tin là quá chậm. Vì thế khi phát hiện thông tin sai lệch, cần chủ động cung cấp thông tin ngay để ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng chứ không chờ đến khi thông tin gây hậu quả, làm ảnh hưởng đến xã hội rồi mới cung cấp”-theo ĐB Phương. Còn theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), “Các cơ quan nhà nước sử dụng ngân sách phải có nghĩa vụ công cấp thông tin cho người dân. Và nên công khai thông tin qua mạng, báo chí, truyền thông để giảm thiểu cung cấp thông tin trực tiếp”. Trong khi đó, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đưa ra phân tích: Hiến pháp đã quy định quyền bí mật đời tư của công dân, bí mật gia đình, quyền nhân thân không ai được quyền xâm phạm khi chưa được phép của người đó, kể cả với trẻ em. Do đó theo bà Minh, việc cấm sử dụng, cung cấp thông tin vi phạm bí mật đời tư, vi phạm cá nhân, gia đình, ảnh hưởng đến sự sống còn, sự phát triển của trẻ em thì pháp luật phải nghiêm cấm. V. THẮNG |