Bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Quyết tâm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn

H.Vũ 18/11/2020 08:00

Chiều 17/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã chính thức bế mạc. Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Quang cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội chốt ngày bầu cử là 23/5/2021

Với 96,47% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trước đó, theo ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu: Căn cứ quy định của pháp luật về bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong điều kiện bình thường, dự kiến là chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Cũng trong buổi chiều, với 91,91% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường trình Quốc hội thông qua, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết: Về lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, cần có lộ trình phù hợp để đảm bảo tính khả thi, nếu quy định sớm hơn thì nhiều địa phương chưa có điều kiện thực hiện. Do đó, đề nghị các vị ĐBQH cho phép lộ trình thực hiện việc phân loại và giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với 95,44% ĐBQH tán thành.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu: Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/ 2017 của Quốc hội. Tổng kết Đề án thí điểm thi tuyển vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, Sở, phòng để nghiên cứu, thể chế hóa vào quy định của pháp luật. Giải quyết hiệu quả, dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành. Tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung thanh tra những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, được dư luận xã hội quan tâm.

Nghị quyết cũng yêu cầu, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành giá điện, bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường. Trong năm 2021, phê duyệt và triển khai Quy hoạch điện VIII. Đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, mua bán người, xâm hại trẻ em, làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức. Có giải pháp bảo vệ người tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo.

Một kỳ họp thẳng thắn, trách nhiệm

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Sau 2 đợt làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với việc thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 4 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác. Kỳ họp đã tiếp tục khẳng định rõ tinh thần đoàn kết dân tộc, nghị lực, quyết tâm cao để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.

“Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kinh tế-xã hội và ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền quốc gia, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nhìn nhận về kết quả kỳ họp, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Điểm sáng nhất của kỳ họp Quốc hội này là số lượng ngày họp giảm đi nhưng nhiệm vụ tăng lên, đây là kỳ họp áp chót của Quốc hội khóa XIV. Trong phần thảo luận về kinh tế-xã hội, phần chất vấn và trả lời chất vấn, các Bộ trưởng đã rất thẳng thắn, tranh luận đầy tính thuyết phục và cách thức như vậy khiến phiên họp đem lại được chất lượng. Trong kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tất cả các ý kiến của ĐBQH đều rất ngắn gọn, trọng tâm, cụ thể và các bộ trưởng cũng trả lời rất thẳng thắn, xử lý được kiến nghị của cử tri.

Theo ông Lợi, thông qua phiên giải trình đó, không chỉ ĐBQH mà nhân dân nghe cũng thấy được bức tranh tổng thể của quá trình điều hành, vận hành của các bộ trưởng. Đặc biệt, bài tổng kết của Thủ tướng rất tâm huyết, kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, bão lụt để cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuẩn bị cho bước phát triển của giai đoạn thực hiện tiếp tục Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội), tuy thời gian họp ngắn nhưng nội dung của kỳ họp rất cô đọng, chất lượng, thực sự là kỳ họp sôi động cho đến ngày cuối cùng.

Chiều cùng ngày, tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trả lời về việc có 3 dự án luật gặp phải sự phản biện mạnh mẽ của ĐBQH tại kỳ họp lần này, trong đó có việc không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cũng như không cần thiết ban hành dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “bước tiến hay lùi”? - Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Các luật trên có nội dung liên quan đến vấn đề an ninh trật tự và bảo đảm an toàn giao thông. Cả Chính phủ và Quốc hội đều mong muốn đảm bảo an toàn giao thông nên đã đưa các luật trên vào chương trình để Quốc hội cho ý kiến. Về quy trình là đúng. Tuy nhiên khi đưa ra xin ý kiến tại Quốc hội do còn nhiều ý kiến từ ĐBQH nên Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH. Kết quả xin ý kiến đó đã được chuyển cho Chính phủ để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật, chuẩn bị cho kỳ họp lần tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Quyết tâm đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn