Tối 13/3, tại Quảng trường 10/3 thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra lễ bế mạc Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.
Ban tổ chức trao Bằng khen cho các đơn vị góp phần vào thành công của Lễ hội.
Đến dự lễ bế mạc có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cùng đông đảo người dân thành phố Buôn Ma Thuột.
Sau gần một tuần tổ chức (từ ngày 8/3 đến 13/3/2017), Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 với nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc đã thật sự trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Bên cạnh việc tiếp tục quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê của Tây Nguyên, của Việt Nam nói chung, Lễ hội còn góp phần định vị thương hiệu địa phương, xây dựng hình ảnh mới về một Đắk Lắk với khát vọng vươn lên, dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, sự đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, cũng như định hình thế mạnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, về môi trường sinh thái, du lịch, năng lượng tái tạo…
Lễ hội lần này đã thu hút khoảng 25.000 lượt du khách, trong đó có 3.000 du khách quốc tế. Với chủ trương xã hội hóa, Lễ hội đã nhận được sự ủng hộ, đồng hành tham gia của nhiều doanh nghiệp; kinh phí được sử dụng tiết kiệm, không dùng ngân sách địa phương, 12 hoạt động chính của Lễ hội đều có ý tưởng độc đáo, tạo được dấu ấn đặc sắc.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại” tại Lễ bế mạc.
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4, đã có 25 dự án của các tỉnh Tây Nguyên được trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 88.222 tỷ đồng; các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 36 dự án với tổng số vốn là gần 30.000 tỷ đồng. Hội thảo chuyên ngành cà phê đã thu hút 200 đại biểu tham dự, với nhiều tham luận có giá trị, thảo luận về các giải pháp phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Chương trình Đêm hội vào mùa chủ đề “Cho Tây Nguyên thêm xanh” đã vinh danh 30 nông dân tiêu biểu và 10 nhà khoa học, quản lý, với sự tham gia của 1200 nông dân của 10 tỉnh trồng cà phê trên cả nước. Lễ hội đường phố, Lễ hội đua Voi và thuyền độc mộc vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo không khí sôi động, hấp dẫn. Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với 6 hoạt động chính, đã thu hút gần 600 nghệ nhân, nghệ sỹ trong và ngoài nước tham gia, mang lại nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao về văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế...
Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk cho các đoàn nghệ thuật và các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều thành tích góp phần vào thành công của Lễ hội năm nay.
Ngay sau lễ bế mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Buôn Ma Thuột hẹn ngày gặp lại”…