Suốt một năm qua, cậu bé 13 tuổi liên tục bị chảy máu mũi, lượng nhiều khó kiểm soát gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện khối u xơ vòm mũi họng rất nguy hiểm.
Chảy máu mũi kéo dài cả năm
Đó là trường hợp của bé D.T.V. (13 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM. Thời điểm nhập viện, bệnh nhi bị chảy máu mũi khó cầm, đã thăm khám, điều trị nhiều nơi nhưng không mang lại kết quả nên gia đình chuyển lên tuyến trên.
Khai thác bệnh sử từ người nhà được biết, khoảng 1 năm qua, cậu bé liên tục bị chảy máu mũi, ban đầu chỉ chảy với lượng ít nhưng gần đây, tình trạng chảy máu diễn ra thường xuyên hơn, mỗi lần chảy máu kéo dài khoảng 30 phút, lượng máu mất rất nhiều.
Tình trạng bị chảy máu thường xuyên đến mức, cậu bé cũng quen dần. Tuy nhiên, khi những cơn đau đầu, ù tai, hoa mắt xuất hiện khiến bệnh nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gia đình đã quyết định chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM kiểm tra.
BS Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng cho biết, qua thăm khám ban đầu ghi nhận, bệnh nhi bị chảy máu vùng mũi bên trái. Sau khi vệ sinh, hút sạch lớp máu và dịch tiết, bác sĩ phát hiện một khối u trắng đục bên mũi trái. Bệnh nhi được đặt dụng cụ chuyên dụng cầm máu, các kết quả chẩn đoán xác định bé bị u xơ mũi họng.
Trên hình ảnh camera nội soi phát hiện mũi trái có khối u bít hoàn toàn, khối u lan qua bên mũi phải của bệnh nhi. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã can thiệp nội mạch gây tắc mạch máu khối u thả bằng phương pháp thả coil, tắc hoàn toàn mạch máu nuôi khối u. Một tuần lễ sau khi tình trạng tắc mạch đã kiểm soát tốt, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi bóc tách khối u.
"Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi ghi nhận, khối u rất chắc dài khoảng 12cm. Mặc dù đã được tắc mạch nhưng bên trong khối u như một bể máu, chảy liên tục gây rất nhiều khó khăn cho ê kíp mổ. Với sự hỗ trợ của các thiết bị y khoa hiện đại, ê kíp phẫu thuật đã từng bước bóc tách, lấy triệt để khối u có hình dạng như chiếc càng cua nằm trong hốc mũi trái của bệnh nhi" - Bác sĩ Tuấn Như cho biết.
Đột phá trong phẫu thuật u xơ vòm mũi họng
Phân tích chuyên môn của bác sĩ chỉ ra, đây là khối u ít gặp chiếm khoảng 0,5% khối u vùng đầu mặt cổ. Tuy là khối u lành tính nhưng bản chất của nó như khối u ung thư vì có nhiều nhánh bám vào các bộ phận khác gây xâm lấn khiến bệnh nhân bị chảy máu dữ dội. Khoảng 15% các trường hợp nặng, khối u bám vào nội sọ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tái phát cao lên tới 24% nếu không được loại trừ hoàn toàn.
Trung bình mỗi năm, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bị u xơ vòm mũi. Đến nay y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân hình thành khối u trên, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khối u có thể liên quan đến nội tiết tố, thường xảy ra ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ trong giai đoạn dậy thì. Khối u khởi đầu là tình trạng chảy máu mũi nhưng triệu chứng này thường bị bỏ qua vì chảy máu có nhiều nguyên nhân do tác động ngoại lực, bệnh lý viêm nhiễm hoặc trẻ hay ngoáy mũi gây tổn thương mạch máu.
Tuy nhiên, khi bệnh diễn tiến nặng, khối u gây chảy máu mũi rất nhiều, thời gian chảy máu kéo dài từ 15 đến 30 phút và rất khó cầm máu. Đây là bệnh lý bắt buộc phải phẫu thuật nếu phẫu thuật sớm máu mất ít, bệnh nhân cũng ít bị sang chấn, nếu để lâu khối u phát triển theo dạng càng cua mỗi ngày một ăn rộng hơn, nguy cơ xâm lấn, biến chứng, ảnh hưởng đến thị lực, thính lực và chức năng hô hấp…
Trước năm 2019 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, những bệnh nhi bị khối u xơ vòm mũi, các bác sĩ thường mổ hở. Với phương pháp này, người bệnh sẽ phải mở nướu hàm trên sau đó, bác sĩ lật toàn bộ cơ da vùng mặt để phẫu thuật loại bỏ khối u. Hoặc bác sĩ sẽ xẻ dọc từ mí mắt đến môi của hàm trên sau đó lật cơ da nửa vùng mặt để bóc tách khối u.
Tuy nhiên phương pháp này thường gây chảy máu rất khủng khiếp, bênh nhất mất trung bình khoảng 1,5 lít máu trong cuộc mổ. Hậu phẫu cũng khó khăn vì nguy cơ nhiễm trùng, và các di chứng để lại sẹo trên khuôn mặt.
Từ năm 2019 đến nay, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đã thực hiện phương pháp can thiệp nội mạch gây tắc hoàn toàn mạch máu nuôi khối u sau đó tiếp cận bóc tách khối u bằng phương pháp nội soi. Bệnh nhân sẽ được can thiệp, loại bỏ triệu để khối u và mất ít máu (khoảng 400ml), ít xâm lấn, thời gian bình phục nhanh, gần như không bị tái phát sau phẫu thuật. Bác sĩ Tuấn Như đánh giá, phương pháp trên là bước đột phá trong can thiệp, điều trị cho bệnh nhân không may bị u xơ vòm mũi họng.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh, khi thấy trẻ có những biểu hiện chảy máu mũi với tần suất diễn ra thường xuyên, chảy máu lượng nhiều, thời gian chảy máu kéo dài trên 15 phút cần nghĩ ngay đến bệnh lý u xơ vòm mũi họng, kịp thời đưa tới các bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.