Từ lâu, tranh cổ động đã trở nên nổi tiếng ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ cách mạng và góp tiếng nói trực tiếp vào các sự kiện cần tuyên truyền, vận động nhân dân. Có thể nói, tranh cổ động đã đồng hành cùng nhiều sự kiện quan trọng của đất nước.
Bức tranh cổ động “30 năm mới được gặp nhau trong ngày vui đại thắng”- tác giả Đỗ Như Điềm.
Âm thầm nhưng bền bỉ
Mới đây, Bộ VHTTDL đã trao giải thưởng cho tập thể và các tác giả có tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020). Cuộc thi đã nhận được 375 tranh của 212 tác giả thuộc 45 tỉnh, thành phố. Kết quả đã tìm ra được các tác phẩm xứng đáng để trao giải thưởng, trong đó, một giải Nhất được trao cho tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung -Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam với tác phẩm “Người đi tìm hình của nước”, ngoài ra còn có 2 giải Nhì, 3 giải Ba…
Tranh cổ động xuất hiện ở Việt Nam từ khi nào? Chúng ta đều biết, trước kia, hình thức tuyên truyền thông qua các tờ tin, thậm chí truyền đơn cũng đã xuất hiện. Sau này, khi tranh cổ động xuất hiện, đã góp thêm tiếng nói sắc sảo, mạnh mẽ hơn. Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, tranh cổ động Việt Nam xuất hiện sau khi chính quyền cách mạng ra đời và đã nhanh chóng trở thành thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam, phục vụ kịp thời công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. “Các họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn là những chiến sĩ tuyên truyền, cổ động phản ánh những sự kiện, những vấn đề thời sự của đời sống xã hội”- họa sĩ Vi Kiến Thành nhấn mạnh. Ông Thành cũng dẫn chứng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tranh cổ động trở thành loại hình nghệ thuật được hầu hết các họa sĩ tham gia sáng tác. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động luôn bám sát các chiến dịch của bộ đội ta, công tác binh vận, tình quân dân, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Nổi bật nhất là những tác phẩm tranh cổ động của các họa sĩ danh tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến…. Trong kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động tập trung vào các chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, tiền tuyến lớn miền Nam, chống chiến tranh phá hoại, các đề tài về giao thông, vận tải, về đường Trường Sơn, về công, nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, học tập văn hóa góp phần cổ vũ khí thế cách mạng, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước.
Sau năm 1975, tranh cổ động vẫn tiếp tục phát triển và lan tỏa đến tất cả các địa phương, với lực lượng sáng tác từ cơ sở, tiếp tục làm công tác cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của từng địa phương.
Sau đó, bằng tài năng và sự sáng tạo của các họa sĩ Việt Nam, tranh cổ động Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Mặc dù được sáng tác thủ công, với công cụ thô sơ, thậm chí trên nền giấy không mấy chất lượng, nhưng với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, lối biểu đạt rõ ràng mang đậm tính hình tượng và sự thừa hưởng của màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, các họa sĩ đã đưa nghệ thuật tranh cổ động Việt Nam lên tầm cao mới.
So với các lĩnh vực mỹ thuật khác, tranh cổ động khá âm thầm, các họa sĩ vẽ tranh cổ động cũng sống lặng lẽ hơn, nhưng luôn có một mạch ngầm không ngưng nghỉ. Nhiều người còn nhớ, trong những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, nhiều bức tranh cổ động đã ra đời chuyển tải những thông điệp mạnh mẽ tới quần chúng nhân dân.
Góp mặt trong nhiều sự kiện quan trọng
Tranh cổ động là một thể loại của nghệ thuật đồ họa, với sự kết kết hợp cô đọng, súc tích giữa màu sắc, hình khối và ngôn ngữ chữ viết. Ngôn ngữ ngắn gọn, dễ hiểu của tranh cổ động đã tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác của người xem, chuyển đến mọi người những thông điệp dễ nhớ, dễ thực hiện.
Bước sang thế kỷ 21, tranh cổ động vẫn có một ví trí riêng, góp tiếng nói kịp thời và sắc sảo trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Có thể kể tới các sự kiện quan trọng như “Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, “Chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam”, hay các dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Đảng 3/2 và các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, của các bộ, ngành thì cũng không thể thiếu những bức tranh cổ động. Đặc biệt, để kịp thời tuyên truyền về chủ quyền đất nước, nhiều bức tranh cổ động đã được ra đời trong những năm qua đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam trong vấn đề lãnh thổ, lãnh hải. Những bức tranh cổ động “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Biển đảo là máu thịt của Tổ quốc”… đã trở nên rất gần gũi với người dân ở mọi miền đất nước.
Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, các họa sĩ vẽ tranh cổ động đã vào cuộc khá sớm. 14 bức tranh cổ động của các họa sĩ như Nguyễn Tuấn Khởi, Nguyễn Thị Mỹ Dung, Lưu Yên Thế, Trần Duy Trúc, Lê Thuận Long… được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đã được treo nơi công cộng góp phần tuyên truyền tới người dân.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam trong việc tuyên truyền những sự kiện, vấn đề thời sự của đất nước. Theo ông Đoàn, trong bối cảnh cả nước căng mình đẩy lùi đại dịch Covid-19, những tác phẩm này có tác dụng khơi dậy lòng tự hào dân tộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của nhân dân. “Những bức tranh cổ động mới ra đời trong thời gian gần đây với thông điệp đẩy lùi đại dịch Covid-19 đã tiếp nối ý nghĩa của dòng tranh đặc biệt này trong việc cổ vũ tinh thần đoàn kết, kết nối sức mạnh cộng đồng trong những thời điểm khó khăn”- ông Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Có thể nói tranh cổ động đã trở thành một thể loại tranh đồ họa đặc sắc, độc đáo của mỹ thuật Việt Nam, đồng hành cùng các sự kiện của dân tộc. Nhiều ý kiến cũng thống nhất khi cho rằng, các họa sĩ tranh cổ động Việt Nam nhiều thế hệ đã có những sáng tạo độc đáo trong ngôn ngữ đồ họa, vì vậy, tranh cổ động Việt Nam đã vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành nghệ thuật đồ họa độc đáo có phong cách riêng của Việt Nam, tồn tại và phát triển lâu dài cho đến hôm nay là hiếm có và độc đáo trên thế giới.
Bộ VHTTDL vừa phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động trực tuyến tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2020) và Quốc khánh 2/9. Cuộc thi dành cho tất cả các họa sĩ chuyên nghiệp, họa sĩ không chuyên, công dân Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Thời gian nhận tác phẩm dự thi đến hết ngày 22/6/2020.