Bến cá xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) được kỳ vọng sẽ tiếp nhận và sơ chế cho 5.400 tấn hải sản/năm; cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá; nơi tránh trú bão cho hàng trăm tàu thuyền. Tuy nhiên, sau 7 năm đưa vào sử dụng, bến cá rơi vào tình trạng “thoi thóp” do luồng lạch bị bồi lắng nghiêm trọng.
Bồi lắng nghiêm trọng
8 giờ sáng ngày 9/5, chúng tôi có mặt tại bến cá xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Cả một vùng âu thuyền, nối từ cửa Lạch Hới vào đến hết phạm vi bến cá đều cạn trơ đáy. Trên bến, lác đác vài con tàu công suất nhỏ nằm nghiêng ngả giữa hoang tàn. Sau ít năm đưa vào vận hành, nay bến không một bóng người quản lý, bảo vệ. Các hạng mục như: trạm bơm, nhà điều hành đã bắt đầu rơi vào cảnh cảnh đổ nát, gỉ sét, mất mát. Lối đi vào cổng chính ngập trong rác và cỏ dại mọc um tùm… Nhìn vào đây, không ai có thể tưởng tượng rằng: Đây là một dự án đã từng được đầu tư lên đến 43 tỷ đồng và chỉ mới đưa vào hoạt động được 7 năm.
Ông Lường Văn Toan – một người dân trú tại thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ cho biết: Tình trạng cửa lạnh và vùng âu thuyền bị bồi lắng diễn ra trong suốt nhiều năm nay, khiến hoạt động nghề cá của bà con ngư dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Trước kia, các tàu thuyền công suất lớn đều vào ra dễ dàng, kéo theo các dịch vụ nghề cá ở đây diễn ra khá tấp nập. Tuy nhiên, từ khi âu thuyền, bến cá bị bồi cạn, các tàu lớn không thể hoạt động, tàu nhỏ thì phải chờ con nước lên mới có thể đi lại được khiến nhiều tàu bạn phải dời đi và không trở lại… Điều này kéo theo hệ lụy là bến cá mới được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng rơi vào thảm cảnh “dở sống, dở chết” như hiện nay.
“Thường thì chúng tôi sau khi về bến nghỉ ngơi phải chờ đến ngày con nước lên mới có thể tiếp tục ra khơi. Thậm chí, vào vụ khai thác, khi thuyền đầy cá về bến đúng ngày nước ròng, ngư dân phải cho thuyền đậu từ ngoài xa và sau đó dùng thuyền nhỏ tăng bo đưa cá vào đất liền và vận chuyển nhu yếu phẩm từ bờ ra lại thuyền. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều tàu cá của ngư dân không thể kham được, đành phải bỏ Hoằng Phụ sang bến khác, thậm chí là bỏ nghề”- ông Toan bày tỏ.
Chờ dự án quy mô
Tìm hiểu từ phía chính quyền địa phương, được biết: Bến cá Hoằng Phụ thuộc tiểu dự án: Nâng cấp bến cá Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thuộc dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, tỉnh Thanh Hóa, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Được phê duyệt đầu tư vào năm 2012 với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ, sơ chế, bảo quản và làm dịch vụ cho khoảng 5.400 tấn thủy sản/năm, cung cấp các dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt kết hợp neo đậu, tránh trú bão cho tầu thuyền nghề cá ven bờ. Dự án có quy mô: Đầu tư nâng cấp, mở rộng bến cá, đào mở rộng khu nước bến, đắp đất, kè bờ bao xung quanh khu nước trước bến, nạo vét luồng tầu ra vào bến và san lấp mặt bằng khu dịch vụ. Xây dựng nhà điều hành, các công trình phụ trợ, hệ thống cọc neo đầu tầu thuyền, hệ thống điện, cấp thoát nước, bể xử lý nước thải và hệ thống báo hiệu thông tin liên lạc… Tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng, do Sở NNPTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Năm 2016 dự án được điều chỉnh một số hạng mục và tổng mức đầu tư còn hơn 43 tỷ đồng.
Với những gì đang diễn ra, có thể khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Dự án bến cá Hoằng Phụ đã không phát huy được giá trị như kỳ vọng ban đầu. Mục tiêu đặt ra, gần như thất bại hoàn toàn.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về thực trạng của bến cá, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Từ khoảng năm 2012 – 2013, khi cửa lạch, âu thuyền chưa bị bồi lắng, mỗi ngày bến cá đón hàng trăm lượt tàu cá vào ra, kéo theo các dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương phát triển mạnh mẽ. Và, chính quyền đã có ý định trích quỹ đất khoảng 6ha để hình thành khu cụm công nghiệp bến cá và có dự án xây dựng bến cá quy mô như hiện nay. Tuy nhiên, chỉ sau ít năm, do dòng chảy thay đổi, bến cá bị bồi lắng nghiêm trọng. Năm 2018, để hỗ trợ cho ngư dân bám biển, xã đã chủ động lập tiểu dự án nạo vét luồng lạch nhưng do quy mô nhỏ nên chỉ sau vài năm, mọi thứ đâu lại vào đó.
“Nếu như năm 2018, địa phương có khoảng 130 phương tiện tàu, thuyền khai thác hải sản thì đến nay, con số này đã giảm xuống hơn một nửa. Nguyên nhân chính là như tôi vừa nói ở trên. Do địa phương không đủ tầm, đủ sức nên hiện tại, điều mà chúng tôi mong mỏi nhất là được Nhà nước quan tâm đầu tư một dự án nạo vét quy mô lớn để thông luồng cho bến cá, âu thuyền Hoằng Phụ. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy hết công năng của dự án bến cá trước đó và giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế”- ông Bình nói.