Bến đò Nhạn Loan: Khúc tráng bi trong sử Việt

Khúc Hà Linh 08/10/2020 10:00

Một bến đò gắn liền với câu chuyện tình của một thân vương đời Trần, khí phách anh hùng, tài năng đầy bi tráng. Bến đò ấy được nằm trong lịch sử “Chí Linh bát cổ”. Và nhân vật ấy là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư thế kỷ 13.

Một góc bến Nhạn Loan.

Khúc bi tráng ở một bến đò

Ở bến đò Nhạn Loan (một địa danh trên sông Kinh Thầy, nay thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) có một câu chuyện đầy bi tráng. Nhân vật chính là Trần Khánh Dư, con trai Thượng tướng Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt. Trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Khánh Dư lập công to, vua Trần Thái Tông khen có tài thao lược đã nhận làm con nuôi, gọi là “Thiên tử nghĩa nam”. Sau được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân, tước Nhân Huệ vương.

Thời kỳ làm việc trong triều đình, Trần Khánh Dư nổi tiếng là một thân vương tài hoa, thông tuệ nhưng nhiều tật, tính tình phóng túng, lãng mạn… Đến nỗi đã gian thông với công chúa Thiên Thụy, con gái vua Trần Thánh Tông, vợ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (cũng là con dâu Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn).

Việc bị vỡ lở. Theo luật, Khánh Dư bị xử tội đánh cho đến chết. Nhưng vì quá yêu người con nuôi này, nên vua Trần lại ngầm hạ lệnh cho lính đánh chúc đầu gông xuống đất. Đánh đến 100 gậy, mà Trần Khánh Dư vẫn sống. Luật thời nhà Trần bấy giờ, nếu đã đánh qua 100 gậy mà không chết, nghĩa là trời tha chết. Nhà vua vẫn phải cách chức Trần Khánh Dư đuổi về làm thứ dân, tịch thu hết gia sản. Cũng may người cha là Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt còn có thái ấp riêng ở Chí Linh, nên Khánh Dư phải lui về đất của cha sinh sống, độ thân.

Hàng ngày vào rừng kiếm củi đốt than, ra sông chài lưới mưu sinh.

Một ngày tháng 10 năm Nhâm Ngọ 1282, Khánh Dư chở thuyền than qua bến Nhạn Loan. Đúng vào dịp triều đình tổ chức hội nghị Bình Than, để bàn kế sách đánh giặc. Khi thuyền rồng đi qua, vua nhìn thấy giữa sông có một người mặc áo ngắn, đội nón lá, chèo thuyền lá bơi nhanh vun vút tựa tên bay, thì lạ lắm hỏi tả hữu rằng “người kia là ai”. Sau mới biết là Trần Khánh Dư đang khổ sở kiếm sống trên đoạn sông này. Vua Trần xuống chiếu tha tội, ban áo ngự, vị thứ ngồi dưới các vương trên các công hầu, cùng bàn việc chống giặc. Ông được phục chức, được cử làm Phó tướng, trấn giữ Vân Đồn (Quảng Ninh bây giờ). Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba, Trần Khánh Dư có công lớn, đã đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của quân Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy vào tháng 12 năm 1287, góp phần làm xoay chuyển tình thế chiến tranh.

Không chỉ giỏi võ, Trần Khánh Dư còn am tường văn chương, kinh sử. Ông là người viết lời tựa cho cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép lại lời tựa ấy.

“Người giỏi cầm quân thì không cần bày trận, người giỏi bày trận thì không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết...

...Cho nên Quốc công ta (chỉ Trần Quốc Tuấn- K.H.L chú) mới hiệu đính, biên tập đồ pháp của các nhà, soạn thành một sách, tuy ghi cả những việc nhỏ nhặt, nhưng người dùng thì nên bỏ bớt chỗ rườm rà, tóm lược lấy chất thực”.

Là thân vương nhưng ông là người thực tế, coi trọng nghề buôn bán giao thương, gần gũi với dân sinh và đời sống xã hội. Ông khác với nhiều quan lại chỉ sống nhờ bổng lộc do chức tước, không quan tâm đến sản xuất. Có lẽ vì thế khi gặp hoạn nạn, ông biết chịu đựng, tha thiết sống, biết vào rừng lấy củi đốt than, ra sông quăng chài, làm nón buôn bán mưu sinh…

Năm 83 tuổi, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư xin về trí sĩ, tại vùng ấp ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, lộ Lý Nhân (Hà Nam). Một lần, ông đi chơi đến Tam Điệp, Trường Yên (Ninh Bình), qua vùng đất thấy đồng cỏ bát ngát, sông nước hữu tình, ông bèn sai gia nhân đến khai khẩn, lập thành làng mới. Trong buổi đầu khai hoang lập ấp, ông đã bỏ tiền nhà ra giúp vốn cho dân, ông còn hướng dẫn chúng dân trồng cây và làm nghề dệt cói. Năm 1340, ông mất. Nhân dân trong vùng lập đền thờ ông ở trại An Trung, trên nền nhà xưa ông đã ở. Trong đền có bức đại tự: “Ẩm hà tư nguyên" (Uống nước nhớ nguồn) và những đôi câu đối nội dung ghi đại ân đại đức của ông. Người đời sau phẩm bình: Nước ta nghề buôn bán có từ thời Lý, nhưng đạt tới chuyên nghiệp phải tới đời Trần. Và thủy tổ của ngành doanh nhân có thể là Trần Khánh Dư…

Không rõ Trần Khánh Dư sống ở Chí Linh bao lâu, nhưng tên tuổi ông thì mãi mãi gắn liền với mảnh đất này. Nơi đây có một đền Gốm thờ Trần Khánh Dư, và một xã Nhân Huệ mang tước vương của ông, đến nay vẫn hiện diện trên bản đồ quốc gia.

Bây giờ ở khu đất mà Trần Khánh Dư sinh sống có một làng Triền hay Triền Dương, và tên gọi khác là Lý Dương. Làng Triền có bến sông gọi là bến Triền. Bến Triền này là nơi Trần Khánh Dư thường lui tới đây để chài cá và mang than đến bán cho thương khách. Chính bến Triền này, mãi hơn ba trăm năm sau vẫn còn được nhắc lại trong câu chuyện về Thám hoa Nguyễn Minh Triết, thời Lê - Mạc thế kỷ 17.

Đền Gốm thờ Trần Khánh Dư ở Chí Linh.

Truyền thuyết trên bến Nhạn Loan

Cứ tưởng địa danh Nhạn Loan có khoảng gần 800 năm, nhưng nó có sớm hơn rất nhiều.

Sách “Chí Linh phong vật chí” do gia đình họ Đào Ngọc, người xã An Lạc phụng sao năm Bính Tý - Bảo Đại 11 tháng 3 nhuận, hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Hải Dương, có chép bài thơ chữ Hán:

Triền Dương giang miếu cổ anh linh
Quy trảo nga mao di cố lộ
Lang Gián, Đông Hồ tích hiển linh.
(Miếu cổ sông Triền Dương linh thiêng lâu đời
Móng rùa, lông ngỗng để lại dấu con đường cũ
Xứ Đông Hồ, Lang Gián xưa vẫn còn thiêng).

Sách này chú thích rằng: Miếu xã Triền Dương gọi là miếu Nỏ thần, là miếu có ghi trong sử nước ta. Ngày xưa vua An Dương Vương sai làm nỏ thần bằng móng rùa vàng, khơi ngòi lập đền mà thờ. Hàng năm người làng hát xướng rộn rịp, chuẩn bị thuyền bè, chiêng trống, thao diễn qua sông, sau đó mới đón về trong dinh.

Có điều chú ý là, không chỉ một lần nhắc tới “móng rùa lông ngỗng” trong khu vực Triền Dương, mà trong một bài thơ khác với tiêu đề “Nhạn Loan cổ độ” của Nguyễn Tri Hoa cũng nhắc đến.

Vẫn theo Chí Linh phong vật chí, Nguyễn Tri Hoa người làng Hộ Xá, đỗ hương cống (tức cử nhân), làm thơ bát cổ khắc bia đá để ở bên tả đền thờ tiên hiền, phía trước phủ lỵ. Nguyên văn bài thơ như sau:

Nhạn Loan cổ độ
Quy trảo nga mao vân thủy lộ
Tướng quân thán phiệt thành danh độ
Ngư lang thuỳ điếu địch ca nhàn
Chu tử tế nhân thoa lạp cổ
Giang trung quang cảnh thường như thử
Minh nguyệt thanh thu kim kỷ độ
Khách thuyền nhàn phiếm cổ giang thu
Truy ký tiên triều nhất kỳ ngộ.

Dịch thơ:

Bến đò cũ Nhạn Loan
Móng rùa lông ngỗng chuyện khôn bàn
Danh tiếng còn truyền bến Nhạn Loan
Chú lái chở đò tơi nón rách
Ông chài câu cá sáo ca vang
Cảnh xưa sông nước coi như hệt
Thu trước gió trăng thú vẫn nhàn
Thuyền khách dạo chơi trên bến cũ
Duyên may gặp gỡ buổi lầm than.

(Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản dịch)

Tượng Trần Khánh Dư trong nội điện đền Gốm.

Chỉ xét hai câu thơ đầu đã thấy nói tới chuyện “lông ngỗng, móng rùa” trong chuyện Trọng Thuỷ, Mỵ Châu và vua An Dương Vương xung quanh chiếc nỏ thần. Lại còn liên quan tới Trần Khánh Dư qua chi tiết “Tướng quân thán phiệt” chỉ bè chở than của tướng quân Trần Khánh Dư làm cho bến đò thành danh tiếng...

Có thể trên đường vua An Dương Vương chạy trốn giặc, đã cùng con gái qua bến sông này. Dọc đường Mỵ Châu rắc lông ngỗng cho chồng đi tìm, nên đời sau truyền lại và có những bài thơ như thế.
Thương tiếc mối tình thuỷ chung đầy bi tráng, dân Việt đã lập miếu thờ, nay chỉ còn trong hoài niệm.
Ở Chí Linh xưa có một thành ngữ nói về 8 di tích được mệnh danh “Chí Linh bát cổ”. Trong đó có một “Nhạn Loan cổ độ” tức bến đò cổ Nhạn Loan, trên bờ sông Kinh Thầy.

Cái bến đò nhỏ ấy ngót bẩy trăm năm qua, man mác sóng reo như nhắc nhớ cuộc đời và câu chuyện tình đầy bi tráng của Trần Khánh Dư, một thân vương lắm tài nhiều tật, để lại cho lịch sử dân Việt nhiều bài học về thế thái nhân tình…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bến đò Nhạn Loan: Khúc tráng bi trong sử Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO