Bên dòng Cổ Chiên

ĐOÀN XÁ 26/02/2023 07:48

Sở hữu gần 2.000 lò gạch có tuổi đời hàng trăm năm, làng nghề nung gạch gốm đỏ mỹ nghệ ở huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) từ lâu được coi là “vương quốc gạch gốm” lớn nhất khu vực phía Nam. Với giá trị kiến trúc, văn hóa, những lò gạch gốm này đang được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam xây dựng hồ sơ bảo tồn để đưa vào danh sách các Di sản thế giới đương đại.

Những lò gạch gốm ven kênh Thầy Cai nhìn từ trên cao.

Làng trăm tuổi

Mặc dù một số lò đã ngưng hoặc chuyển hình thức hoạt động vật liệu nung nhưng những lò gạch gốm nằm san sát bên dòng sông Cổ Chiên vẫn là điều đặc biệt nhất mà tiền nhân từ thời mở cõi xây dựng còn lưu giữ lại ở vùng đất này.

Chúng tôi đã nhiều lần tới thăm thú những lò gạch gốm Mang Thít, so với những lò nung gạch gốm ở Lái Thiêu hay Biên Hòa thì các lò gạch gốm ở đây có kiến trúc độc đáo và mang tính thẩm mỹ hơn, dù người ta tạo ra nó chỉ vì mục đích sản xuất. Hầu hết chúng đều có hình thấp tròn, thon đều đặn ở phía trên với chiều cao khoảng 15-20 mét.

Nhưng điều thú vị là chúng nằm ven những dòng sông, kênh tạo ra một quần thể kiến trúc hài hòa, lãng mạn và đẹp đẽ. Nhờ vị trí xây dựng này mà từ xưa tới nay, nghề nung gạch gốm phát triển tốt, bởi dễ dàng tiếp nhận nguyên vật liệu và sản phẩm bằng đường thủy, phương tiện thông dụng nhất của dải đất miền Tây Nam bộ thời gian trước.

Hiện nay, các tuyến đường trải nhựa đi qua những lò nung đã giúp ích cho cả phương tiện đường bộ. Tuy nhiên, cũng như hàng trăm năm trước, nghề nung gạch gốm vẫn sử dụng nhiều sức lực của con người hơn bất kỳ nghề nào khác. Từ khâu vận chuyển, nặn đất cho tới lúc đưa vào lò nung, dù nguyên liệu nung đã thay đổi rất nhiều trong hơn 10 năm qua. Ông Nguyễn Văn Vạn, 61 tuổi, chủ một lò gạch ở thị trấn Cái Nhum (huyện Mang Thít) cho biết gia đình ông có tới 5 đời làm nghề gạch. “Từ thời ông cố nội tôi đã làm lò nung rồi.

Trước kia chủ yếu nung gạch đỏ rồi đem về bán dưới Cà Mau vì gia đình có mấy người họ hàng làm chủ cửa hàng dưới xứ U Minh. Có tháng chở tới 4 - 5 ghe xuôi về Cà Mau bỏ mối nhưng hiện nay cả tháng chỉ còn một chuyến hàng. Người dân ở đây không ai biết chính xác nghề nung có từ bao giờ. Nghe nói mấy trăm năm trước chỉ có mấy lò ở trên phía Phước An, Cái Kè gần thành phố thôi. Sau dần các lò gạch dịch chuyển xuôi về phía kênh Thầy Cai, kênh Mang Thít, Cổ Chiên như bây giờ”, ông Vạn kể.

Cũng theo người thợ gốm này, trước kia gia đình ông có 3 lò nung nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất một lò. “Ngày xưa gia đình làm cả gạch đỏ và gốm đỏ nhưng gốm mấy năm nay khó bán lắm, không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Mình nung gạch đỏ bán về mạn dưới Cầu Kè, Cầu Ngang cho bà con dưới đó thôi. Những lò nung này cũng đã gần nửa thế kỷ rồi đó. Bây giờ chính quyền yêu cầu giữ gìn nghề nung, không sử dụng nhưng cũng không được phá bỏ. Thôi thì mình cũng để đó”, ông Vạn vừa chia sẻ vừa chỉ tay ra phía lò gạch đã ngả sang màu nâu, bắt đầu nứt ra vài mảng vì cây xanh đâm rễ mọc lên.

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, nghề nung gạch gốm ở Mang Thít bắt đầu từ những nông dân trong vùng với quy mô nhỏ lẻ. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi nằm ven bờ sông, kênh để ghe thuyền mang nguyên vật liệu tới và vận chuyển sản phẩm đi dễ dàng. Những lò gạch gốm cứ thế lớn dần lên và thời kỳ hưng thịnh nhất cách đây khoảng gần nửa thế kỷ với khoảng gần 3.000 lò nằm rải rác trong đoạn sông dài chừng hơn 20 cây số.

Tuy nhiên, thời kỳ này kéo dài không lâu, với nguyên nhân là việc nung gốm bằng nguyên liệu truyền thống (trấu, than, củi...) gây khói bụi, ô nhiễm môi trường.

Những năm tiếp theo, chỉ còn khoảng một phần ba trong gần 3.000 lò nung tiếp tục hoạt động và duy trì tới nay. Điều kỳ diệu nhất là những lò nung không còn hoạt động vẫn được giữ lại vì nhiều lý do, chủ yếu là do tiền công phá dỡ tốn kém. Và ngày nay, điều ấy vô tình làm lên một trong những di sản rất lộng lẫy của người dân bởi chính quyền tỉnh Vĩnh Long hiện đã cấm tháo dỡ toàn bộ các lò gạch này, dù chúng có hoạt động hay không.

Sản xuất gốm đỏ ở Mang Thít.

Giàu tiềm năng du lịch

Nếu những sản phẩm của hệ thống lò gạch gốm nơi đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận sản phẩm độc quyền mang tên “Gốm đỏ Vĩnh Long” thì những lò gạch cũng đang trên đường được UNESCO công nhận là di sản thế giới đương đại. Đây là điều hoàn toàn xứng đáng bởi giá trị thẩm mỹ, văn hóa và lịch sử của nghề truyền thống này tạo ra. Không như nhiều di sản đã “chết” (tức là chỉ có giá trị tham quan du lịch, không có giá trị sản xuất), những lò gạch ở Mang Thít vẫn tiếp tục duy trì hoạt động, là nơi mưu sinh của hàng ngàn người dân với những sản phẩm phục vụ cho đời sống.

TS.KTS Ngô Anh Đào, người đã tham gia nghiên cứu và làm hồ sơ đưa những lò gạch gốm Mang Thít vào danh sách Di sản văn hóa thế giới đương đại cho rằng, quần thể lò gạch gốm nơi đây hội đủ yếu tố để trở thành một di sản đương đại.

Thậm chí, đây còn là một kho báu về tiềm năng khai thác du lịch, văn hóa chưa được nhìn nhận đúng với giá trị. Với lịch sử hình thành hơn 100 năm, được kết hợp từ những làng nghề truyền thống của người Khmer, kỹ thuật nặn gốm sứ của người Hoa di cư tới và được làm chủ quy trình sản xuất bởi người Kinh, những lò gạch gốm thực sự là một giá trị văn hóa độc đáo, duy nhất. Đặc biệt, do vị trí địa lý nằm ven những con kênh, giữa mênh mông vùng cây trái bốn mùa trĩu quả cũng khiến cho tiềm năng du lịch của làng gạch gốm trở lên đặc biệt hơn.

Thực tế, chỉ cần tới và cảm nhận cũng dễ dàng biết được những lò gạch gốm ở đây có niên đại lâu đời. Từ kiến trúc xây dựng lò cổ xưa bằng cách xếp chồng các viên gạch lên nhau đặc trưng của người Khmer (như kiến trúc tháp Chăm), những cư dân lâu đời của vùng đất này cho tới kỹ thuật nhào nặn, họa tiết trang trí gốm sứ của người Hoa và người Kinh, chủ nhân của những công trình này. Thậm chí nhiều người còn bất ngờ bởi nơi đây chỉ cách TPHCM khoảng 100 cây số nhưng lại có rất ít người biết tới, vẫn còn rất hoang sơ và gần như chỉ thu hút giới trẻ du lịch theo hình thức “khám phá” thay vì những tua du lịch đại chúng như nhiều điểm đến khác ở miền Tây Nam bộ.

Hơn 100 năm qua đã có nhiều công trình được dựng lên và biến mất ở vùng đồng bằng châu thổ này. Nhưng quần thể lò gạch gốm ven bờ Cổ Chiên có lẽ là cụm kiến trúc đặc sắc, độc đáo và duy nhất của vùng đất này còn lưu giữ được những giá trị quý báu mang đậm hơi thở của những tiền nhân đi mở cõi. Ở đó, một không gian sản xuất, sinh tồn và văn hóa đậm đặc kết hợp của nhiều nền văn hóa và tồn tại cho tới ngày nay.

“Quần thể lò gạch gốm nơi đây hội đủ yếu tố để trở thành một di sản đương đại. Thậm chí, đây còn là một kho báu về tiềm năng khai thác du lịch, văn hóa chưa được nhìn nhận đúng với giá trị. Với lịch sử hình thành hơn 100 năm, được kết hợp từ những làng nghề truyền thống của người Khmer, kỹ thuật nặn gốm sứ của người Hoa di cư tới và được làm chủ quy trình sản xuất bởi người Kinh, những lò gạch gốm thực sự là một giá trị văn hóa độc đáo, duy nhất. Đặc biệt, do vị trí địa lý nằm ven những con kênh, giữa mênh mông vùng cây trái bốn mùa trĩu quả cũng khiến cho tiềm năng du lịch của làng gạch gốm trở lên đặc biệt hơn” - TS.KTS Ngô Anh Đào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bên dòng Cổ Chiên