Ổ dịch bạch hầu vừa xuất hiện ở một trường cấp 3 huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) khiến 2 học sinh tử vong, 8 người có nguy cơ mắc do tiếp xúc gần với các bệnh nhân và 24 người khác đang được điều trị cách ly đã gây tâm lý băn khoăn về căn bệnh nguy hiểm này.
Phun hóa chất để diệt trừ nguồn gây các bệnh truyền nhiễm.
Dễ mắc bệnh, lây lan nhanh
Ông Nguyễn Văn Hai- Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, Sở đã phát đi thông báo ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại trường trung học phổ thông Tây Giang. Trường này có 20 lớp với 789 học sinh, 71 thầy cô và cấp dưỡng.
Theo ông Hai, tỉnh đã ghi nhận 5 trường hợp mắc và nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng: sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó và 8 người có nguy cơ mắc do tiếp xúc gần với các bệnh nhân.
Viện Pasteur Nha Trang cũng đã cử đoàn công tác đến trường trung học phổ thông Tây Giang đễ hỗ trợ khống chế dịch bệnh và đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho tất cả học sinh và giáo viên của trường.
Theo đó, ngày 24/12/2016 em Bhling Boong (17 tuổi) bị bệnh, đến ngày 4/1/2017 bệnh nặng hơn và được đưa vào trung tâm y tế huyện Tây Giang điều trị trong tình trạng khó thở, được đặt nội khí quản. Trung tâm đã chuyển em lên tuyến trên, tuy nhiên em tử vong trên đường đi.
Tiếp đó, ngày 2/1/2017, em Zơrâm Sáo (17 tuổi) mắc bệnh và được chuyển xuống bệnh viện Hoàn Mỹ (TP Đà Nẵng), rồi bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Sau 7 ngày điều trị em Sáo cũng đã tử vong.
Về khả năng lây lan của bệnh, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp- Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương phân tích: Người chưa được tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu sẽ không có kháng thể chống bạch hầu và sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu hít phải vi khuẩn C. diphtheriae. Cá biệt những trường hợp dù đã tiêm chủng, nhưng sức đề kháng yếu không sinh được kháng thể, hoặc những người đã tiêm chủng quá lâu, nồng độ kháng thể trong máu giảm thấp vẫn có thể bị mắc bệnh bạch hầu.
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn corynebacterium diphtheriae gây ra. Dấu hiệu đặc trưng là vùng hầu họng có những mảng trắng gọi là màng giả. Dịch bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh là sẽ bị lây nhiễm, chủ yếu qua tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng bởi các chất tiết đường hô hấp chứa vi khuẩn bạch hầu.
Triệu chứng của bệnh gồm: Sốt, ho, dấu hiệu của viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản, họng đỏ, nuốt đau.
Trong vòng 1- 2 ngày màng giả xuất hiện. Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amidan đến vòm khẩu cái. Màng giả dính với niêm mạc bên dưới và phủ mặt vòm hầu họng. Trung bình, sau khi hít phải vi khuẩn 2-5 ngày, người bệnh sẽ phát bệnh.
Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, sẽ có các biểu hiện khác nhau như: Với bệnh bạch hầu mũi trước, bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám thầy thuốc có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
Nếu là bạch hầu họng và amiđan thì bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ.
Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Các bệnh nhân này nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong trong vòng 6-10 ngày. Đặc biệt, với hầu thanh quản là thể bệnh tiến triển nhanh và rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 (TP HCM), khi bệnh có dấu hiệu nặng là lúc giả mạc lan xuống thanh khí quản sẽ gây khàn tiếng khó thở. Hạch bạch huyết vùng cổ có thể sưng to và phù nề vùng mô mềm của cổ làm vùng cổ sưng to. Vi khuẩn từ các mảng trắng sẽ tiết ra nội độc tố.
Một số trường hợp do các nội độc này gây suy hô hấp và tuần hoàn, gây liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, hôn mê và tử vong. Một số trường hợp có biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên. Độc tố bạch hầu cũng có thể vào máu gây nhiễm độc toàn thân.
Biến chứng nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao
Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Người mắc bệnh bạch hầu khi không được phát hiện và điều trị kịp thời để sẽ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Ngoài ra có thể gặp tình trạng viêm các dây thần kinh gây liệt. Nếu giả mạc hình thành tại thanh quản có thể gây tắc nghẽn đường thở và tử vong.
Tỉ lệ tử vong thông thường của người bị bệnh bạch hầu lên đến 5-10%. Ở những trẻ em dưới 5 tuổi và những người lớn tuổi, có thể tử vong tới trên 20%. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Ngoài ra, bệnh cũng có thể dẫn đến thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo: Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Cách phòng bệnh tốt nhất là niên tiêm vaccine cho trẻ. Trẻ nên tiêm vaccine 3 lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau 1 tháng, sau đó 1 năm sau nhắc lại và sau 5 năm nhắc lại một lần nữa.
Tuy vậy, có một số ít người sức đề kháng không tốt, sau khi tiêm phòng không tạo kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể thì vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh bạch hầu. Một số người tiêm phòng đã quá lâu, nồng độ kháng thể trong máu xuống thấp thì cũng có thể bị mắc bệnh bạch hầu. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đi tiêm phòng nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Theo Bộ Y tế, trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắcxin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trước đó, hồi tháng 7/2016, tại Bình Phước đã có 3 người tử vong vì căn bệnh này. Thời điểm này, ngay sau khi hai học sinh tại Quảng Nam tử vong vì bệnh bạch hầu, Bộ Y tế đã ra khuyến cáo khẩn cấp để phòng, tránh dịch bệnh nguy hiểm này.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở Việt Nam, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắcxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắcxin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.