Hiện tại, chưa có bằng cớ khoa học chứng minh virus corona gây bệnh viêm phổi “lạ” ở Vũ Hán (Trung Quốc) có thể lây từ mẹ sang con. Tuy nhiên, theo quy luật chung, khi người mẹ mang thai bị nhiễm bệnh vì bất kỳ lý do gì, có thể là dịch cúm hay dịch bệnh khác - thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Đối với phụ nữ có thai, hệ miễn dịch thường kém hơn, nên nguy cơ lẫy nhiễm sẽ cao hơn nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị bệnh. Điều quan trọng nhất đối với các mẹ bầu lúc này là tăng cường nâng cao thể trạng của mình lên và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng tránh. Đó là lời khuyên từ BS Nguyễn Anh Tuấn- nguyên Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phụ sản trung ương; hiện đang là cố vấn chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
PV:Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (hay còn gọi là nCoV) gây ra hiện đang bùng phát thành đại dịch trên thế giới, trong đó có Việt Nam. BS có thể nói rõ hơn về bệnh dịch này không? Nó có ảnh hưởng như thế nào đối với cộng đồng nói chung và đặc biệt là phụ nữ khi mang thai?
BS Nguyễn Anh Tuấn: “Dịch corona” là dịch do một loại virus trong nhóm corona. Nhóm corona này đã từng xuất hiện trong dịch SARS 2002-2003 và sau đó lặp lại trong dịch MERS-Cov cũng trong nhóm corona. Khoa học cũng chứng minh rằng có khoảng 80% bộ gien của corona hiện tại là trùng với hai loại virus gây bệnh trên.
Con đường lây đầu tiên là những giọt văng từ những người mang bệnh. Giọt văng ấy bật ra trong quá trình thở, đặc biệt trong quả trình ho và hắt hơi dẫn đến tình trạng người bệnh có thể văng những giọt văng ấy vào mặt và hệ thống hô hấp, vào miệng của người xung quanh. Con đường lây này các nhà khoa học gọi là lây trực tiếp. Ngoài ra các giọt văng ấy có thể dây bẩn vào vật dụng chúng ta tiếp xúc lây truyền, nếu như chúng ta lại đưa tay lên mặt, mũi, miệng. Đây là con đường lây gián tiếp. Và con đường lây thứ ba, hiện nay các nhà khoa học đang tiếp tục tìm hiểu, đó là có thể lây qua phân hoặc từ mẹ sang con. Mới đây nhất cũng có thông tin có thể truyền từ mẹ sang thai. Điều này chưa được chứng minh một cách thực tế. Nhưng đây cũng là một con đường lây mà người mẹ, đặc biệt là những sản phụ cần đặc biệt lưu ý.
Với những nguy cơ lây nhiễm ấy, các sản phụ phải đặc biệt chú ý phòng ngừa như thế nào?
- Đương nhiên rồi việc đề phòng trực tiếp từ người bệnh sang chúng ta, đấy là con đường đeo khẩu trang. Việc đeo khẩu trang là cần thiết nhưng cũng không phải là biện pháp quan trọng nhất. Theo tôi, biện pháp quan trọng nhất là chúng ta vệ sinh tay thường xuyên. Bởi vì tay chúng ta thường tiếp xúc với mầm bệnh dễ nhất. Có thể chúng ta tiếp xúc với những vật mà đã bị tiếp xúc với mầm bệnh, và nếu như chúng ta sử dụng tay của chúng ta để lau mũi, lau mồm, hoặc làm gì trên mặt thì đều có thể bị lây nhiễm. Đặc biệt có một cách tốt nhất hiện nay là mẹ bầu nên hạn chế đến những nơi đông người. Bởi vì cho đến nay chúng ta cũng không biết những người mang mầm bệnh và những người có bệnh cụ thể là những đối tượng nào.
Các mẹ bầu liệu có thể bị nhiễm hay không? Xin trả lời rằng, đây là bệnh virus cho nên việc khả năng các mẹ bầu lây nhiễm là giống như các thành phần khác trong xã hội. Con đường lây nhiễm như tôi vừa nói ở trên. Đối với mẹ bầu thì khả năng lây truyền là lớn hơn, bởi vì chúng ta có sức đề kháng kém hơn. Nên mẹ bầu cần chú ý đề phòng.
Biện pháp nữa để ngăn chặn, hoặc chính xác hơn để đề phòng chính là chúng ta nâng cao thể trạng của mình lên. Đó là điều vô cùng cần thiết mà các bác sĩ tư vấn và khuyến cáo với những mẹ bầu.
Virus corona sẽ có ảnh hưởng gì đối với phụ nữ khi mang thai, thưa ông?
- Đầu tiên là ảnh hưởng đến sức đề kháng của thai phụ, đến sức khỏe tổng quan của mẹ bầu. Nếu như chẳng may bị nhiễm virus corona thì sẽ có sốt. Virus này thường gây bệnh có biểu hiện sốt cao, trên 39 độ. Việc mẹ bầu bị sốt cao như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến nhịp tim của con, sẽ ảnh hưởng đến toàn thể trạng của con. Mẹ bầu sốt, nhiễm corona thì cũng dẫn đến tình trạng thứ hai là sức đề kháng kém, do đó em bé của mình cũng có sức đề kháng kém theo, đương nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cái ảnh hưởng đối với con chính là ảnh hưởng tổng trạng của mẹ đối với con, chứ không phải là do virus đó gây ra những cái nọ, kia như dị tật hay độc tố của virus, mà đây chỉ đơn giản là sức khỏe của người mẹ.
Nghĩa là phụ nữ mang thai khi nhiễm virus corona sẽ không gây ra dị tật thai nhi, thưa BS?
- Chúng ta trở lại với câu chuyện dịch SARS, dịch MERS-CoV. Cho đến bây giờ các nhà khoa học đã có trên chục năm để nghiên cứu về chúng. Và chưa có dữ liệu nào nói rằng những dịch liên quan đến virus này gây dị dạng cho thai. Do đó các mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm rằng, với cái dịch viêm phổi do virus corona lần này cũng thế, cũng không gây được dị dạng cho bào thai của chúng ta, nên chúng ta có thể yên tâm. Tất nhiên khi nhiễm corona, hay nhiễm các bệnh virus nói chung thì sức đề kháng của chúng ta sẽ bị giảm sút. Cho nên đối với các thai phụ khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn và ảnh hưởng cũng sẽ lớn hơn.
BS có những lời khuyên gì dành cho mọi người cũng như phụ nữ mang thai trong đợt dịch này?
- Ở đây chúng tôi cũng khuyến cáo, chúng ta không nên quá lo sợ. Corona không gây dị dạng thai, và corona không có chỉ định chấm dứt thai kỳ. Đây là điều mà chúng tôi nghĩ các mẹ bầu rất quan tâm nên chúng tôi khẳng định lại một lần nữa. Điều thứ ba, để điều trị thì cho đến hiện nay chúng ta cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cho nên việc điều trị cũng giống như điều trị tất cả các loại virus khác khi đã thâm nhiễm, đó là người ta nâng cao thể trạng. Bên cạnh việc điều trị triệu chứng sốt, ho… Đặc biệt, việc nâng cao thể trạng, nâng cao sức khỏe của mẹ là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy nên chúng tôi vẫn nhắc lại, đối với các mẹ bầu cần nhất là nâng cao thể trạng.
Khuyến cáo cho các mẹ bầu trong giai đoạn này cần phải làm gì? Chúng ta cũng đã được nghe nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng những biện pháp, cũng như tôi đã chia sẻ phần trên. Đầu tiên chúng ta phải tránh nguồn lây. Chúng ta vẫn phải đeo khẩu trang nhưng quan trọng nhất là chúng ta rửa tay. Việc thứ hai là nâng cao sức đề kháng. Thứ ba là tránh tiếp xúc ở nơi đông người.
Trân trọng cảm ơn ông!