Ngày 21/10, Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh tổ chức báo cáo nghiên cứu tình hình dịch tễ học các bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đi thị sát tình hình
các bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Đây là đề tài nghiên cứu do Bộ Y tế giao, xuất phát từ những thông tin phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và từ đề nghị hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng về những trường hợp có tổn thương mắt ở những người làm hành tím.
Trước đó, ngày 20/10, đoàn công tác do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng địa phương về những trường hợp có tổn thương về mắt ở những người làm hành tím tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long, bệnh mù một mắt tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp, có liên quan đến sản xuất hành tím. Đoàn công tác đến thăm một số gia đình trồng hành tại Vĩnh Châu. Bà Lý Thị Hiên, 58 tuổi ở ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho biết đã không nhìn thấy mọi vật xung quanh từ hơn 2 năm nay.
Bắt đầu từ việc bóc hành, bụi bắn vào mắt, gây viêm đỏ mắt, chảy nước mắt nhiều, bà dụi mắt nhiều lần rồi sau đó mắt bị viêm nhiễm nên mua thuốc nhỏ mắt Dexacol về nhỏ. “Mắt càng đỏ nặng sau đó thì mù luôn”.
Ông Lâm Chia, 40 tuổi cũng bị mù 6 năm nay. Nhà ông trồng khoảng 200m2 hành. Ông cho biết: “Sau khi cắt hành, mắt tôi bị đau, rát rồi đỏ kèm ngứa. Mua thuốc để tra nhưng mắt không đỡ, sau đó nhìn thấy cứ lờ mờ rồi bị mù hẳn”.
Tiếp xúc với nhiều người trồng hành khác như ông Ngô Phết, bà Nguyễn Thị Mẫn, họ cho biết tình trạng mù mắt vài năm gần đây có giảm hơn sau khi người dân đeo kính để bảo vệ mắt khi làm hành.
Theo TS-BS Vũ Tuấn Anh - Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Mắt Trung ương, hầu hết những người làm hành khi bóc hành bị tinh dầu hoặc bụi và các vật bắn vào mắt nhưng lại dùng tay bẩn để lau chùi mắt gây nhiễm khuẩn, sau đó dùng thuốc nhỏ mắt chứa chất corticoid mới gây ra hiện tượng viêm loét giác mạc.
Mù mắt là hậu quả của viêm loét giác mạc, một loại chấn thương nông nghiệp do liên quan đến mùa vụ tại các vùng nông thôn, điều trị không đúng cách như dùng thuốc corticoit hoặc đắp lá thuốc đông y gây sẹo giác mạc hoặc teo nhãn cầu vĩnh viễn… dẫn đến mù loà, mất thị lực.
Phân tích từ 1.157 người bị viêm loét giác mạc và 1.248 trường hợp bị mù mắt cho thấy: Tỷ lệ viêm loét giác mạc tại thị xã Vĩnh Châu cao gấp 12 lần so với một số nước phát triển, đặc biệt tại phường 2 và xã Vĩnh Hải cao gấp 3 lần tỷ lệ chung ở Vĩnh Châu. Đây là nguyên nhân chính của mù một mắt và ít nhất một mắt.
Viêm loét giác mạc tại Vĩnh Châu có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím, đặc biệt là giai đoạn cắt hành, làm đất trồng hành. Các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc. Nhiễm nấm mốc có trong hành cũng tạo điều kiện viêm loét giác mạc do nấm. Việc điều trị viêm loét giác mạc không kịp thời, điều trị sai, tự điều trị làm cho bệnh diễn biến nặng gây sẹo giác mạc và giảm thị lực, trường hợp nặng gây mù lòa.
Không có mối liên quan giữa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với nguyên nhân gây viêm loét giác mạc và mù lòa tại Vĩnh Châu. Không có mối liên quan giữa các yếu tố môi trường (đất, nước) với việc viêm loét giác mạc và mù một mắt và mù ít nhất một mắt tại thị xã Vĩnh Châu.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng dự phòng viêm loét giác mạc là phương pháp tối ưu nhất cho việc giảm tỉ lệ các trường hợp bị mù tại Vĩnh Châu. Hầu hết các trường hợp bị viêm loét giác mạc và bị mù tại Vĩnh Châu có thể dự phòng và điều trị được.
Đồng thời, Thứ trưởng Long đã giao BV Chợ Rẫy, BV Mắt TP Hồ Chí Minh hỗ trợ Vĩnh Châu trong việc điều trị và dự phòng các trường hợp bị tổn thương mắt. Thứ trưởng cũng chỉ đạo và kiến nghị các cơ quan chức năng địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phòng chống bệnh viêm loét giác mạc, mù lòa, bảo vệ sức khỏe người dân làng nghề sản xuất hành tím.
Các cơ sở sản xuất phải đảm bảo thực hiện tốt các quy định vệ sinh lao động; khám sàng lọc định kỳ cho người lao động nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
“Ngành y tế địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động và người dân thực hiện các biện pháp dự phòng như: Sử dụng kính và các phương tiện bảo hộ khẩu trang, găng tay khi thu hoạch, sản xuất hành, hướng dẫn người lao động, người dân sử dụng nước muối sinh lý rửa mắt hàng ngày, tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ. Khi mắt bị viêm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, điều trị thích hợp. Không tự điều trị theo kinh nghiệm hoặc dân gian”- Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu điều tra của đề tài nói trên cho thấy: Tại Trung tâm y tế thị xã Vĩnh Châu, ghi nhận có 1.248 người bị mù, trong đó 967/1248 (77%) là mù 1 mắt 281/1248 (23%) là mù 2 mắt. Tỷ lệ mù ít nhất 1 mắt ở Vĩnh Châu là 6 nguời/1.000 dân, riêng tại Phường 2 và xã Vĩnh Hải tỷ lệ này cao gần gấp hai lần (11 nguời/1.000 dân), cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc là 5 nguời/1.000 dân. Tỷ lệ mù 2 mắt tại Vĩnh Châu vẫn nằm trong giới hạn bình thường của toàn quốc. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu của mù 2 mắt (20,3%), mù 1 mắt (45,3%) và ít nhất một mắt là 39,7%. Xã phuờng có tỉ lệ mù 2 mắt và 1 mắt cao nhất là phường 2 (15,7%; 29,1%), Vĩnh Hải (15%; 25,8%), Lai Hòa (14,6%; 9,5%) và Lạc hòa (12,5%; 8,8%). |