Theo Bộ LĐTB&XH, bệnh nghề nghiệp đang có xu hướng gia tăng cả về số người mắc bệnh và loại bệnh. Nhiều ngành nghề mới có tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh, đặc biệt là các yếu tố gây nên bệnh đường hô hấp và bệnh điếc.
Ảnh minh họa.
Chưa đầy 30 tuổi nhưng anh Huỳnh đã phải sống chung với chứng điếc tai khó chữa. Từ miền Trung ra Hà Nội làm công nhân cơ khí chưa đến 2 năm, giờ đây, mỗi lần trao đổi với người đối diện, người ta phải hét như quát anh mới nghe được. Đi khám chuyên khoa tai mũi họng, thầy thuốc cảnh báo anh mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn công nghiệp và có thể bị điếc nếu tình trạng kéo dài.
Đó chỉ là một trường hợp trong hàng triệu lao động bất đắc dĩ “dính” thêm căn bệnh vì cuộc mưu sinh. Báo cáo của 57 tỉnh, thành phố mới đây cho thấy, trong số hơn 1,2 triệu trường hợp người lao động đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế cho thấy các bệnh thường mắc như: Bệnh về đường hô hấp chiếm 25,6%; bệnh về đường tiêu hóa 16%; bệnh về mắt 6,7%; bệnh cơ xương khớp 8,3%; bệnh về tai 2,32%; bệnh về da 3,45% và bệnh tim mạch 4,23%.
42 tỉnh, thành phố thực hiện khám bệnh cho người lao động (NLĐ) cuối năm 2016 cho thấy, có tới 156.899 NLĐ tiếp xúc với yếu tố có hại được phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó: Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn chiếm 64,4%; bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp chiếm 10,2%; bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp chiếm 5,1%...
Thực tế chỉ tính riêng khảo sát của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh (Bộ Y tế), trong số 1.000 công nhân nghề may đã có đến 93% bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ - xương - khớp... Điều đáng nói là dù người lao động đang đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến 10% (trong số khảo sát) được chăm sóc sức khỏe.
Đánh giá về bệnh nghề nghiệp, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay việc khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Công tác chỉ đạo, quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp của các bộ, ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận thức của người sử dụng lao động và NLĐ về ATVSLĐ cũng như phòng chống bệnh nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều người sử dụng lao động chưa nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về ATVSLĐ và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp còn rất hạn chế.
Còn dưới góc độ quốc tế, ông Sharan Burrow, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Quốc tế, cho rằng: Bệnh nghề nghiệp tạo ra gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội – một gánh nặng hoàn toàn có thể phòng tránh được”.
Còn Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder nhấn mạnh: Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng lớn tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động năng suất nhất”.
Ông cho biết ILO đang kêu gọi xây dựng một “mô hình phòng ngừa toàn diện và thống nhất hướng tới các mục tiêu làm giảm bệnh nghề nghiệp, chứ không chỉ đối phó với các thương tật lao động”.