Theo thống kế của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 28.000 người lao động (NLĐ) mắc các bệnh nghề nghiệp, song con số thực tế có thể cao gấp 10 lần. Trong số 34 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục hưởng BHXH thì bệnh bụi phổi là bệnh có số người mắc cao nhất (chiếm khoảng 74%), sau đó là điếc do tiếng ồn (chiếm khoảng 17%).
Đánh giá về công tác khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, TS Nguyễn Đình Trung- Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết, cả nước có khoảng 13 triệu người lao động tiếp xúc yếu tố độc hại, có nguy cơ dẫn đến bệnh nghề nghiệp. Trong 34 loại bệnh nghề nghiệp, một số bệnh gặp nhiều là bệnh bụi phổi, hen, nhiễm độc hoá chất, điếc do tiếng ồn, viêm da, lao...Tuy nhiên hiện nay ít bệnh viện có khoa điều trị bệnh nghề nghiệp, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao.
Theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT hướng dẫn khám sức khỏe của Bộ Y tế, các cơ quan, doanh nghiệp (DN) phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất 1 lần/năm; 6 tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhưng trên thực tế cả NLĐ và DN đều thờ ơ với việc khám bệnh nghề nghiệp.
Khảo sát mới đây của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cũng cho thấy, công nhân khai thác đá quặng, sản xuất thủy tinh – đồ gốm và công nhân dệt may là đối tượng dễ gặp phải các bệnh về bụi phổi. Cùng với đó, công nhân làm việc trong ngành hóa dầu, luyện than, cơ khí, nhựa, da giày, chế biến thủy sản lại có nguy cơ cao mắc các bệnh về da như sạm da, bệnh nốt dầu, viêm loét, viêm móng... Thậm chí, hiện nay đã xuất hiện thêm nhiều bệnh nghề nghiệp mới như rối loạn tâm thần, xương khớp... với số ca mắc ngày càng gia tăng.
“NLĐ ở nước ta đã mắc 30/34 BNN. Hiện trung bình một năm có khoảng 2 - 3 triệu lượt NLĐ được khám sức khỏe định kỳ. Tuy tổng số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2017 đã tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 nhưng con số này mới chiếm khoảng 20% NLĐ có hợp đồng lao động. Đặc biệt, việc khám sức khỏe định kỳ hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc phân loại sức khỏe, phát hiện một số bệnh thông thường và cũng chỉ được thực hiện ở một số ít DN, chưa có cơ chế triển khai đối với nhóm lao động làm việc không có hợp đồng lao động”- đại diện Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) cho biết.
Để giảm gánh nặng mà BNN mang lại, nhiều chuyên gia cho rằng, dù đã có nhiều quy định, chính sách, cùng với đó là việc truyền thông về nâng cao ý thức NLĐ và DN trong việc khám sức khỏe định kỳ, nhưng việc khám sức khỏe định kỳ vẫn chưa được NLĐ cũng như DN coi trọng. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống các Trung tâm y tế vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu, vì vậy đã ít nhiều khiến NLĐ ngại đi khám bệnh nghề nghiệp. Do vậy NLĐ cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để giảm thiếu tối đa nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp đồng thời cần chủ động lên tiếng khi DN không làm tròn nhiệm vụ phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh những giải pháp thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe cho NLĐ thì cần đầu tư xây dựng các phòng, khoa chuyên biệt về khám bệnh nghề nghiệp.