Câu ngạn ngữ “Văn mình vợ người” có ngầm ý phê bình thái độ chủ quan của người viết văn.
1. Không có giới nào thuần nhất cả. Cũng không giới nào là hoàn toàn tinh túy. Còn đã gọi là bệnh thì phải ở những kẻ ốm yếu, chứ những văn nghệ sĩ đích thực thì đâu có. Những kẻ ốm yếu, đấy là những văn nghệ sĩ rởm, hoặc họ đã từng làm văn nghệ sĩ thật nhưng bị biến chất. Bệnh của những người này thì có nhiều, nay ta chỉ xem một vài bệnh tiêu biểu.
Bệnh vĩ cuồng. Những văn nghệ sĩ đích thực luôn luôn thấy mình cũng là một người bình thường, họ làm mọi nhiệm vụ của một công dân, làm hết trách nhiệm của một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. "Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu" (Xuân Diệu). Chế Lan Viên thì ân hận dằn vặt về những tháng ngày tách rời đất nước, nhân dân: "Tôi vẫn khép phòng văn hì hục viết/ Nắng trôi đi oan uổng biết bao ngày". Nhà văn Tô Hoài còn tham gia làm cả tổ trưởng dân phố... Nhưng những văn nghệ sĩ bị bệnh vĩ cuồng thì luôn cho mình là người vĩ đại, phải được sắp xếp vào những vị trí quan trọng, làm những công việc vĩ đại, họ thường so sánh mình với những vĩ nhân trong lịch sử, thậm chí còn coi thường cả những thiên tài. Đã có một thời, có một số học viên của Trường Viết văn Nguyễn Du bị mọi người coi là "Trước khi vào trường thì không biết Nguyễn Du là ai. Đến khi ra trường thì không coi Nguyễn Du ra gì". Có cả những cây bút nữ còn vô danh mà lại so sánh mình với thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương bất tử, không phải vào lúc trà dư tửu hậu ở trong phòng với một vài đệ tử, mà là giữa thanh thiên bạch nhật trên phương tiện truyền thông có đông người chứng kiến. Họ không biết rằng, vĩ đại như văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc, khi có người trách sao anh không tập trung viết những tác phẩm lớn để đời, thì ông tự than trách rằng: "Trong khi máu đồng bào hàng ngày vẫn đổ... thế mà tôi chỉ có "Mà thôi" (tên tập tản văn của ông) mà thôi!".
Bệnh mục hạ vô nhân. Bệnh này thường đi liền với bệnh vĩ cuồng. Dưới con mắt của người bị bệnh này thì không có ai đáng chú ý cả. Như một danh ngôn nước ngoài đã chỉ ra, nếu anh nhìn mọi người với con mắt của người hầu phòng thì chỉ thấy những điều nhỏ bé của mọi người, chứ không thể thấy những điều vĩ đại ở họ. Cả một nền tiểu thuyết của chúng ta mấy chục năm qua, trong đó không ít những đỉnh cao đã được khẳng định, thế mà có người lại bảo rằng chưa có cuốn nào đáng được gọi là tiểu thuyết mà chung qui chỉ là… chuyện kể. Có nhà văn thực ra thì cũng chưa có tác phẩm nào thật đáng chú ý, tuy không còn là vô danh nhưng cũng lúc ẩn lúc hiện, lại đánh giá sự nghiệp, những tác phẩm nổi tiếng về các thể loại của nhà văn Nguyễn Đình Thi một cách rất bất nhã. Rồi những tác giả viết văn và làm thơ trẻ hiện nay, một số người chỉ nhìn thấy mình, tự cho mình là nhất, ngoài ra không có ai cả. Hẳn là họ thuở nhỏ chưa từng được mẹ ru cho nghe những lời thơ ngọt ngào mà sâu lắng của thi sĩ Tố Hữu:
Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín
chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian...
Ở một số bài viết, tôi đã có dịp đề cập đến bệnh ảo tưởng của giới văn nghệ sĩ. Rồi cũng có người thường nhắc đến bệnh đố kỵ trong giới cầm bút. Nhưng đã là bệnh thì nó không phải là đại diện của chủ thể ấy, nó là những thứ bám vào một cách không được phép mà thôi. Vì thế, cũng chả nên phanh phui thêm làm gì, chỉ nhắc vừa đủ để mà phòng tránh.
Như những cơ thể khỏe mạnh, bệnh tật không thể xâm phạm được, những văn nghệ sĩ đích thực, có bản lĩnh và tài năng thì những bệnh như trên sao có thể đến gần. Nhà thơ Nguyễn Khuyến rất thích quây quần vui vẻ với những nông dân trong thôn xóm: "Chú Đáo bên làng lên với tớ/ Ông Từ xóm chợ lại cùng ta". Còn nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông về Bến Tre viếng mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, một số trẻ em nhìn thấy ông reo lên: "A! Nhà thơ đến thăm nhà thơ" thì ông trả lời tự nhiên rằng: "Không phải là nhà thơ đến thăm nhà thơ, mà là cháu đến thăm ông. Ông và cháu cùng nhau đánh giặc, bây giờ hết giặc rồi, cháu đến thăm ông". Điều đó cho thấy văn chương nghệ thuật rất nhỏ bé trước cuộc đời, có gì mà phải cuồng, cao đạo.
2. Tôi không nói về cặp phạm trù chủ quan và khách quan. Tôi chỉ nói về thái độ chủ quan của con người trong cuộc sống. Thái độ chủ quan có nội hàm: không thận trọng, mất cảnh giác. Trong lịch sử nước ta, thái độ chủ quan điển hình còn được truyền lại trong truyện An Dương Vương mất nỏ thần. Từ khi xây xong Loa thành và có được nỏ thần, An Dương Vương thường rượu chè và đánh cờ tiêu khiển, với thái độ chủ quan khinh thường giặc phương Bắc. Bởi vì có nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn quân địch, An Dương Vương còn chiều con gái mình đồng ý cho kết duyên cùng Trọng Thủy là con trai của Triệu Đà, kẻ đã dẫn đại quân xâm lược nước ta, lại còn cho Trọng Thủy ở rể. Sự chủ quan này của An Dương Vương đã được nhà thơ Tố Hữu tâm sự: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”... Rồi để Trọng Thủy lấy trộm được nỏ thần. Khi đã có được nỏ thần, Triệu Đà mang quân sang đánh. Khi quân giặc đã tiến sát chân thành, An Dương Vương vẫn ngồi uống rượu đánh cờ và nói: “Triệu Đà không sợ nỏ thần sao?”.
Trong xã hội, giới nào cũng có người thường thận trọng, người hay chủ quan. Nhưng có lẽ bởi tính chất nghề nghiệp, tôi thấy giới văn nghệ sĩ thường hay có thái độ chủ quan hơn? Chủ quan trong sáng tạo đã đành. Còn chủ quan trong nhìn nhận đánh giá, đặc biệt chủ quan khi nghĩ về mình. Câu ngạn ngữ “Văn mình vợ người” có ngầm ý phê bình thái độ chủ quan của người viết văn. Nhà thơ Xuân Diệu từng gửi gắm ý nghĩ của mình qua tâm sự của núi Hymalaya: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta?”. Khi mới bước vào làng văn qua cổng phê bình, tuy có được chính kiến trong phân tích đánh giá nhưng tôi cũng chưa thật chín chắn. Tôi từng viết như thế này: “Làm người viết là chỉ muốn thể hiện ý nghĩ của mình, chính kiến của mình... Xưa nay, tôi chưa viết ra điều gì mà mình không nghĩ, cũng chưa khen ai mà mình không thấy đáng phải khen, kể cả tác phẩm của bạn bè và tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng. Tôi chỉ viết những điều gì nung nấu, không viết ra không chịu nổi và khi viết thì tôi tin là tuyệt đối đúng, cả khi tôi khen và khi tôi chê”. (Tản mạn và chính kiến văn chương - NXB Văn học, 1997, trang 187). Không phải khi viết những câu này tôi chưa nghiên cứu triết học, không biết đến giá trị tương đối. Mà tôi chỉ nhấn mạnh “khi viết thì tôi tin là tuyệt đối đúng”. Phải tin tuyệt đối vào ý kiến của mình thì mình mới viết ra. Chứ chưa tuyệt đối tin thì sao lại viết ra cho bạn đọc. Không tuyệt đối tin mà viết ra thì là có lỗi chứ. Còn mình tin là đúng nhưng thực tế nó chưa thật đúng mà có thể nó còn sai thì là do trình độ của mình thôi, chứ không phải do thái độ của mình không tôn trọng độc giả. Nhưng bây giờ khi đã trưởng thành mà nhìn lại, tôi đã nhận ra sự bồng bột chủ quan khi mình còn trẻ. Nhưng có lẽ, cũng chính nhờ sự bồng bột và chủ quan ấy mà tôi dám khám phá và thể hiện chính kiến của mình khi phê bình tác giả, tác phẩm mà được văn giới và bạn đọc ghi nhận chăng?
Trong quá trình viết văn của tôi, cho đến nay sau những vui buồn, thành công và thất bại, tôi có một kỷ niệm sâu sắc mà nếu không nói ra thì không ai biết cả. Các nhà văn nhà thơ đích thực thường cẩn trọng từng chữ khi viết ra. Đó là thái độ biết “sợ chữ”, không viết bừa viết ẩu. Đối với người viết phê bình lại càng phải như vậy. Trong các bài viết phê bình, khi trích dẫn thơ văn là qua trí nhớ, bao giờ tôi cũng kiểm tra lại, lấy sách để đối chiếu, nên không bị sai sót. Nhưng gần đây, trong một bài viết trên báo “Văn nghệ Công an”, do chủ quan, và do công việc bận mà tôi đã không kiểm tra lại, để lỗi khi trích dẫn một câu thơ của thi sĩ Nguyễn Khuyến. Mấy tuần sau khi báo phát hành, tôi nhận được thư của một độc giả, ông Nguyễn Viên ở số 3, ngõ 35 Kim Đồng, T21 K11 Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, chép lại cho tôi nguyên văn câu thơ này, với một thái độ khoan hòa, rất có trách nhiệm. Tôi mừng vì bài viết của mình đã có người đọc, tuy hơi thẹn vì một chút chủ quan mà dẫn đến sai sót! Thực sự cảm ơn ông Nguyễn Viên, một người yêu văn chương và quý mến các nhà văn mà đã để tâm đọc và góp ý cho tôi. Từ đó, tôi đã rút ra được một bài học sâu sắc về tự nâng cao trách nhiệm của ngòi bút trước sự yêu quý của bạn đọc.
Vẫn biết ở đời, không ai, không sự việc nào toàn vẹn cả. Nhưng sự chủ quan dễ dẫn đến sai sót. Mà sai một ly đi một dặm. Đó là bài học cho tất cả mọi người.