Bệnh từ miệng mà vào...

Miên Thảo 19/07/2017 09:30

Gần đây, thông tin về những vụ ngộ độc do ăn nhầm nấm độc khiến người ta băn khoăn. Phần lớn đó là nấm không rõ nguồn gốc, nấm mọc trong tự nhiên người dân vô tình ăn phải. Thực tế đó cho thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải được đẩy mạnh hơn nữa; kiến thức cũng như sự cảnh giác của mỗi người càng phải được đề cao.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La kiểm tra sức khỏe 12 bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Ảnh: VOV.

Vụ việc ăn nấm bị ngộ độc xảy ra gần đây nhất vào chiều 14/7, Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La đã phải tiếp nhận 12 bệnh nhân bị ngộ độc nấm. Tuy rằng các nạn nhân đều đã bình phục nhưng cũng là thêm một tiếng chuông cảnh báo cần thiết. Cả 12 người đều ở phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La. Người ít tuổi nhất lên 7 còn người cao tuổi nhất là 68. Sau khi ăn chừng hơn một giờ đồng hồ, tất cả đều buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, phải vào bệnh viện cấp cứu.

Theo bác sỹ Mè Thị Xuân- Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La thì hiện đang là mùa mưa, nấm mọc nhiều và rất nhiều loại, đa dạng nên cũng rất khó xác định nấm nào có thể ăn được, nấm nào là nấm độc. Vì vậy, cần hết sức cảnh giác khi sử dụng nấm trong tự nhiên vì rất khó có thể nói rằng nấm đó lành tính.

Mùa mưa, tại các địa phương miền núi nấm mọc rất nhiều. Không chỉ trong rừng mà ngay tại vườn nhà nấm cũng nhiều, do đất ẩm, không khí ẩm. Đáng nói là hiện tượng ngộ độc do ăn nấm mọc trong môi trường tự nhiên năm nào cũng nhiều hơn khi mùa mưa xuống. Nó cứ lặp đi lặp lại như thể không có cách gì loại trừ.

Điều đáng lưu ý là khi ngộ độc do ăn phải nấm độc thì không chỉ một người mà là nhiều người và trong nhiều trường hợp đều là người trong một gia đình. Và nếu không kịp thời cấp cứu thì có thể tử vong. Ngày 22-3, Bệnh viện Bạch Mai có tiếp nhận một ca ngộ độc nấm của một gia đình tại Lạng Sơn gồm 3 người, trong đó 2 người trong tình trạng rất nặng có nguy cơ tử vong. Người con trai vào rừng hái nấm mang về nấu cho bố mẹ ăn. Sau khi ăn chừng 8 giờ đồng hồ, cả bố mẹ và con cùng ngộ độc.

Khi cả nhà được chuyển lên Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu thì người con trai (30 tuổi) đã có biểu hiện hôn mê, ý thức lơ mơ. Cả 3 người đều bị tổn thương gan nặng, suy gan, suy thận cấp phải chỉ định lọc máu để giải trừ chất độc và điều trị suy thận. Trung tâm còn phải phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật dẫn lưu mật mũi nhằm thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài.

Đáng tiếc là ca ngộ độc nấm của gia đình kể trên không phải là hy hữu. Thực tế có nhiều trường hợp ngộ độc nấm như vậy đã xảy ra.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, một đôi vợ chồng chỉ ăn mấy cây nấm hái trên thân cây tràm mà bị sốt cao, hôn mê phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa sau khi bệnh viện tuyến dưới “bó tay”. Cả hai vợ chồng đều phải truyền dịch và đặt nội khí quản, hồi sức tích cực.

Còn tại Đăk Lăk, một người hái nấm trong rừng về nấu mì tôm cho cả nhà ăn. Chỉ một tiếng sau 7 người trong gia đình đều bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Một vụ ngộ độc do ăn phải nấm độc khác tại Tuyên Quang (cũng phải đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai) lại cũng là người thân trong một gia đình, 4 người. Trung tâm chống độc phải áp dụng nhiều biện pháp cấp cứu, tổng số tiền lên tới 1,6 tỉ đồng.

Còn có thể kể ra nhiều trường hợp ngộ độc do ăn nấm lạ nữa, nhưng chỉ cần nói đến trường hợp tử vong của một bé trai (13 tuổi) và một phụ nữ (60 tuổi), bệnh nhân Thái Nguyên- cũng đủ cho thấy sự nguy hiểm đến mức nào.

Nấm vốn tính lành, là thực phẩm quen thuộc với nhiều người. Đặc biệt là với miền núi, nấm có nhiều trong tự nhiên nhưng ít khi người dân được hướng dẫn cách nhận biết thế nào là nấm độc. Chính vì thế những vụ ngộ độc do ăn nhầm nấm độc mới xảy ra.

Trở lại vấn đề phòng chống ngộ độc thực phẩm- trong đó có nấm mọc trong tự nhiên. Lâu nay chúng ta đã nói nhiều về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng số vụ tại nạn ngộ độc vẫn tái diễn. Điều đó cho thấy việc tuyền truyền, cảnh báo chưa thấm được tới người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Trong việc tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng với các phương tiện truyền thông đại chúng thì vai trò của y tế cơ sở là hết sức quan trọng. Họ là những người gần dân nhất (về lĩnh vực sức khỏe), lại có kiến thức chuyên ngành nên tiếng nói của họ sẽ có tác dụng trực tiếp.

Nhưng qua nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, khách quan cho thấy y tế cơ sở đã không làm tròn trách nhiệm giải thích, tuyên truyền, cảnh báo sự nguy hại đến với người dân. Còn về phía người dân, tâm lý chủ quan trong ăn uống vẫn rất phổ biến. Việc không cần biết tới xuất xứ, nguồn gốc thực phẩm được nhiều người coi là chuyện bình thường.

Đó là điều cực kỳ nguy hiểm vì thực tế mức độ thiếu an toàn thực phẩm hiện nay đã ở mức đáng lo ngại. Ngay cả trên diễn đàn Quốc hội, nhiều vị đại biểu đã phải lo lắng thốt lên điều đó. Chưa bao giờ con đường từ bàn ăn đến nghĩa địa lại gần đến như thế. Vì vậy, công tác tuyên truyền, cảnh báo lại càng trở nên cấp thiết.

Chủ quan, lơ là một chút đôi khi sẽ ân hận cả đời, đó là chưa kể những người không may tử vong thì không bao giờ có thể ân hận được nữa. Xin nhắc lại, cùng với việc cảnh giác, thận trọng của người dân khi sử dụng thực phẩm, nhất là thực phẩm không rõ nguồn gốc- thì vai trò của y tế cơ sở là rất lớn.

Nhưng trong tất cả những vụ ngộ độc thực phẩm, không hề thấy trách nhiệm của y tế cơ sở. Ai bị ngộ độc thì người đó ráng chịu, nhân viên y tế hình như không liên quan. Thực ra thì nó có mối liên quan không nhỏ, vì nếu người dân được nhân viên y tế tuyên truyền, hướng dẫn hàng ngày để nâng cao hiểu biết và tinh thần cảnh giác thì sự rủi ro sẽ giảm đi rất nhiều.

“Bệnh từ miệng mà vào. Vạ từ miệng mà ra”- người xưa đã đúc kết thành kinh nghiệm sống quý giá. Nhưng nào đã mấy ai nhớ tới điều đó?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh từ miệng mà vào...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO