Cũng như các bệnh ung thư khác, người mắc bệnh ung thư vòm họng cũng cần có riêng cho mình một chế độ ăn phù hợp, không chỉ để tăng cường về mặt sức khỏe, hồi phục nhanh hơn mà còn tạo điều kiện để tinh thần trở nên thoải mái, tránh những suy nghĩ tiêu cực.
Ung thư ngày càng trở nên phổ biến và đã có nhiều ngươi tử vong do các thói quen sinh hoạt, ăn uống như sử dụng rượu bia nhiều, hút thuốc lá và ăn các đồ muối chua của một bộ phận người…
Bổ sung những dưỡng chất cần thiết
Một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng dinh dưỡng trị liệu đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu và chữa bệnh ung thư. Dinh dưỡng với những bệnh nhân ung thư vòm họng là một vấn đề được chú ý. Thực phẩm hợp lý, giàu các chất dinh dưỡng sẽ hỗ trợ tốt trong việc điều trị bệnh và còn nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Bệnh nhân ung thư vòm họng nên thực hiện chế độ ăn để tăng cường sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch, tránh viêm nhiễm và biến chứng. Người bệnh nên ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, cung cấp đầy đủ protein và vitamin, đặc biệt là vitamin A có trong các loại rau củ có màu vàng và màu cam. Để hạn chế triệu chứng đau, khó nuốt, nuốt nghẹn khi ăn và dễ tiêu hóa, bệnh nhân nên chế biến thành các món ăn lỏng, mềm, nhẹ, ít dầu mỡ như cháo, súp…
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo là khi bị khàn giọng hay mất tiếng, nên ăn một số loại rau củ quả như củ cải, lê, hạnh nhân, mơ… Những loại này này có công dụng rất tốt cho thanh quản. Ngoài ra, quả bồ đào, hoa bách hợp… là các loại hoa quả giúp ích cho bệnh nhân khi cảm thấy khó nuốt. Bột sen và cây kim châm cũng rất tốt để bổ sung trong chế độ ăn uống, dành cho các bệnh nhân có dấu hiệu khạc ra máu.
Thực phẩm thanh đạm, ít dầu mỡ là thứ cần thiết trong chế độ dinh dưỡng không chỉ của người bị ung thư vòm họng. Các loại rau củ quả như quả la hán, củ mã thầy, rau chân vịt, mướp đắng… đều là thực phẩm rất tốt cho cơ thể với công dụng thanh nhiệt, loại bỏ các độc tố ra ngoài cơ thể, rất hữu ích trong việc phòng tránh các viêm loét.
Bệnh nhân ung thư vòm họng thường cảm thấy chán ăn, do đó nên chia thành các bữa ăn nhỏ để ăn được nhiều hơn, giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, đồng thời dễ tiêu hóa hơn.
Để người bệnh có cảm giác thèm ăn hơn thì nên đa dạng món ăn hàng ngày, thay đổi thường xuyên về màu sắc và mùi vị. Bổ sung các thức ăn có tác dụng ngăn ngừa khối u vòm họng như lá xa tiền thảo, hoa mã lan, chao, mướp, cà… Uống đủ nước mỗi ngày nhằm giảm đau nhức trong miệng, cổ họng và giúp dưỡng ẩm cơ thể.
Những thực phẩm cần tránh
Bên cạnh việc cung cấp đủ dưỡng chất và chế độ ăn uống hợp lý, bệnh nhân ung thư vòm họng cần tuân thủ chế độ ăn lành mạnh và tránh các loại thực phẩm gây bất lợi cho sức khỏe.
Rượu bia, nước ngọt nhiều ga, đồ uống chứa chất kích thích là những loại tuyệt đối không nên dùng. Chúng sẽ làm niêm mạc họng bị tổn thương nhiều hơn, cản trở tác dụng của các phương pháp điều trị.
Để đảm bảo vùng họng không bị tổn thương nặng hơn, trong quá trình chế biến cần tránh các loại gia vị ớt, tiêu, muối hoặc sử dụng các loại thịt đỏ... Việc ăn quá mặn sẽ làm mất canxi, ảnh hưởng đến thận và tăng nguy cơ đột quỵ, cao huyết áp và nguy cơ tử vong ở người bệnh. Tránh ăn các thực phẩm được chế biến ở nhiệt độ cao như đồ nướng, quay, chiên rán nhiều dầu mỡ, thịt xông khói, thịt bảo quản, cá ướp muối và các loại thực phẩm muối chua như dưa muối, cà muối…
Việc xạ trị ung thư vòm họng có thể làm người bệnh đau nhức vùng miệng, do đó cần chú ý hạn chế sử dụng các loại nước ép trái cây có hàm lượng axit cao như nước chanh, cam, bưởi… Tránh ăn thức ăn hoặc đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh để tránh gây loét miệng và tổn thương vòm họng nhiều hơn.
Các nhà khoa học cho rằng, nồng độ insulin sẽ tăng cao bởi việc ăn quá nhiều đường hoặc thực phẩm chứa nhiều đường, thúc đẩy quá trình di căn ung thư nhanh hơn. Trên thực tế, chế độ ăn uống còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến tư vấn trực tiếp của bác sĩ điều trị để có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tốt cho sức khỏe.