Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Hội đồng Quản lý của bệnh viện chuẩn bị ban hành giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đăng ký khám Giáo sư là 550 ngàn đồng/lượt
Theo đó, từ ngày 1/4/2021, giá khám bệnh theo yêu cầu tùy theo trình độ, học hàm, học vị của bác sĩ sẽ được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, người bệnh đăng ký được giáo sư (GS) khám là 550.000 đồng/lượt (đang áp dụng 200.000 đồng/lượt); PGS khám 450.000 đồng/lần; Tiến sĩ (TS), bác sĩ chuyên khoa II khám 350.000 đồng/lần và thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa khám 250.000 đồng/lần.
Giá giường bệnh theo yêu cầu (đã bao gồm chi phí của gói chăm sóc toàn diện) từ 1/4 cũng được điều chỉnh tăng.
Giá giường chăm sóc toàn diện loại 1 (1 người/phòng) có mức 2,3 triệu đồng/người/ngày; giường chăm sóc toàn diện loại 2 (2 người/phòng) có giá 1,8 triệu đồng/người/ngày.
Giường chăm sóc toàn diện loại 3 (3-4 người/phòng) giá 1.390 nghìn đồng/người/ngày.
Đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai triển khai giá giường chăm sóc toàn diện loại 2.1 (phòng 2 người/1 người bệnh đề nghị sử dụng hết cả phòng) giá 3,3 triệu đồng/người/ngày.
Bệnh viện cũng quy định giá tạm thời cho dịch vụ kỹ thuật thuộc Trung tâm Hô hấp. Cụ thể, sinh thiết phổi qua nội soi phế quản ống mềm dưới hướng dẫn của siêu âm và màn tăng sáng dưới gây mê (cho tổn thương phổi ngoại vi): 9.700.000 đồng; sinh thiết phổi qua nội soi phế quản ống mềm dưới hướng dẫn của siêu âm và màn tăng sáng dưới gây mê (cho hạch, u trung thất): 9.100.000 đồng.
Còn nhiều quan điểm trái chiều
Trước những thông tin nói trên, chúng tôi đã ghi nhận được không ít ý kiến trái chiều từ phía người dân. Có người cho rằng, đây là việc rất bình thường, bởi nhu cầu dịch vụ của từng người thế nào thì sẽ được phục vụ tới đó.
Anh Trần Xuân Ánh (31 tuổi , Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh đã dùng dịch vụ kiểu này tại một số bệnh viện và nhận thấy chất lượng khám thạc sĩ với TS có sự khác biệt rõ ràng. Bên cạnh đó, theo anh Ánh khi giao quyền tự chủ cho các bệnh viện, cũng giống như với lĩnh vực giao thông (máy bay, tàu hoả...), khách hàng có ghế VIP, hay hạng thương gia. Chuyện này cần được nhìn nhận đúng.
Còn chị Nguyễn Thanh Hằng (45 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) cho biết bản thân chị cũng muốn được khám bệnh với GS. “Có những GS mặc dù họ đã nghỉ hưu nhưng khi biết họ đang khám ở bệnh viện nào tôi sẵn sàng đăng ký để được khám họ. Tôi tin rằng GS, PGS sẽ giỏi hơn BS trẻ do kinh nghiệm nhiều, hiểu biết rộng nên sẵn sàng chấp nhận khám dù chi phí cao, đôi khi phải chờ đợi”.
Tuy nhiên, cũng không ít người bày tỏ quan ngại với giá dịch vụ mới mà Bệnh viện Bạch Mai vừa đưa ra. Đơn cử, anh Vũ Hồng Chung (46 tuổi Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi không hề muốn mất thêm tiền cho 1 dịch vụ mình đang sử dụng. Thứ 2, chất lượng khám chữa bệnh không hẳn dựa trên học hàm, học vị của người khám chữa bệnh mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi nghĩ, nên có hội đồng thẩm định về chuyên môn và công khai thông tin đó để đề xuất mức khám chữa bệnh với từng cá nhân”.
Một trường hợp khác, bày tỏ lo lắng về chất lượng khám chữa bệnh, chị Vũ Thị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Theo tôi được biết, Bệnh viện Bạch Mai hiện nay đã được tự chủ hoàn toàn, bởi vậy, họ có quyền tự tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh. Người dân có thể chấp nhận mức giá khám chữa bệnh cao, nhưng phải đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra. Bên cạnh đó, liệu có xảy ra trường hợp, các GS, PGS hay TS mải mê khám chữa bệnh dịch vụ mà bỏ quên đi những bệnh nhân khám chữa bệnh thông thường?
Đảm bảo công bằng cho người bệnh
Trả lời phóng viên Đại Đoàn kết ngày 5/3, đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc điều chỉnh một số dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và đi kèm với đó là chất lượng dịch vụ tăng lên cùng với đó, bệnh viện vẫn duy trì giá khám, chữa bệnh thông thường như hiện tại.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Tôn chỉ của Bệnh viện là chất lượng chuyên môn cao nhất, chất lượng dịch vụ hợp lý nhất, giá cả hợp lý nhất và không quên nhiệm vụ an sinh xã hội của mình - Bệnh viện Bạch Mai lo chủ yếu cho người nghèo, người có bảo hiểm y tế, những người bệnh nặng vượt quá khả năng của tuyến dưới”.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Bệnh viện Bạch Mai hướng tới mỗi người dân đến bệnh viện đều hài lòng. Từ đó chúng tôi đã thay đổi hành vi ứng xử giao tiếp của nhân viên y tế. Cụ thể, chúng tôi đã lập ra đội hướng dẫn viên được đào tạo hết sức chuyên nghiệp, để giúp cho người dân đến khám bệnh, dù là từ vùng sâu vùng xa đến bệnh viện ngay lập tức sẽ có nhân viên hướng dẫn giúp bà con các vị trí khám, chữa bệnh, đóng tiền. Người dân còn được hướng dẫn để được đưa đón bằng xe đẩy hay xe điện”.
Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế công đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ, giai đoạn 2020 - 2021, tại Quyết định 268/QĐ-TTg, ngày 12/2/2020.
Thực hiện Đề án này, Bệnh viện Bạch Mai được tự chủ về đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản; tự chủ về tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế, được Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đầu tư công thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020.
Bệnh viện phải quản lý, sử dụng hiệu quả vốn và tài sản, không để thất thoát, lãng phí. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện việc chăm sóc toàn diện cho người dân, giải quyết được tình trạng quá tải.
Thực hiện quản trị bệnh viện minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình… Đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng các dịch vụ, thuốc, vật tư, xét nghiệm không cần thiết để tăng thu; giảm tỷ lệ giường bệnh điều trị theo yêu cầu; tiết kiệm chi từ bảo hiểm y tế và từ người bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, không có việc các bệnh viện tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng năm, sẽ có cơ quan kiểm tra giám sát, Kiểm toán Nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của các cơ sở này.