Với tâm lý mang bệnh, sau khi thăm khám tại bệnh viện, cầm trên tay đơn thuốc kèm đơn tư vấn với yêu cầu tìm mua các loại đã kê tại quầy thuốc số… trong bệnh viện - Mặc định bệnh nhân phải “gồng mình” chi trả tiền triệu cho các loại thực phẩm chức năng “không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” mà không hề hay biết.
Đơn “to” - đơn “nhỏ” tại Bệnh viện Da liễu Trung ương
Theo đúng quy trình khám chữa bệnh tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (số 15A Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội), sau khi làm các xét nhiệm, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chuẩn đoán và kê đơn, hướng dẫn người bệnh đến các quầy thuốc của bệnh viện để mua thuốc.
Tại quầy thuốc tầng 1 Bệnh viện Da liễu Trung ương số lượng bệnh nhân xếp hàng chờ đến lượt lấy thuốc đếm không xuể. Trung bình một buổi sáng, có đến hàng trăm bệnh nhân đến mua thuốc theo đơn đã được chỉ định.
Theo chân người bệnh và tham khảo từng đơn thuốc, chúng tôi nhận thấy hầu hết các đơn thuốc ở đây đều được bác sĩ cẩn thận ghim thêm một đơn tư vấn phía sau. Ở mỗi đơn tư vấn, sau khi liệt kê hàng loạt các loại “thuốc” cùng số lượng, liều dùng còn có thêm phần “Lời dặn của bác sĩ” rất “chu đáo”. Thế nhưng khi được hỏi, bệnh nhân hoàn toàn mù mờ về thông tin đơn tư vấn này.
Bà Nguyễn Thị N. (73 tuổi, Hà Nội) đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng vùng da ở đầu, sau khi được chuẩn đoán là “Viêm da dầu ở đầu” và được bác sĩ kê đơn, bà liền vội vàng xuống quầy mua thuốc. Sau khi xếp phiếu đợi, lật dở từng tờ trong đơn bà N. mới ngớ người khi phát hiện ngoài đơn thuốc còn kèm 1 đơn tư vấn trong đó có sản phẩm Hanko shampoo 100ml (dầu gội trị gầu) với giá hơn 200 ngàn đồng (cao hơn cả giá các loại thuốc điều trị kê trong đơn).
Bà N. tâm sự: “Thấy bác sĩ đưa cho đơn thì cứ cầm xuống mua thôi chứ nào biết đơn nào với phiếu nào, họ bảo sao thì làm vậy chứ mình biết đâu. Giờ xem lại mới biết trong này có cả dầu gội đầu, cũng không biết có tác dụng chữa bệnh hay không?”.
Chung tình trạng với bà N., anh Trần Xuân O. (31 tuổi, Hà Nam) phân vân, “không biết vì sao lại có những 2 tờ đều ghi tên thuốc mà phải tách riêng ra. Bác sĩ chỉ đưa cho đơn rồi dặn làm theo hướng dẫn ghi trong đó chứ cũng không giải thích gì thêm”.
Điều đáng nói trong tổng hóa đơn hơn 1 triệu đồng thì giá thành 2 chai Bestpeme spray trong đơn tư vấn đã hơn 500 ngàn đồng. Cầm trên tay “đơn thuốc” cùng các sản phẩm do bác sĩ kê, anh O. tỏ ra ngỡ ngàng và liên tục khẳng định bản thân không được bác sĩ dặn dò về điều này.
Thuốc ít “thực” nhiều
Ngày 9/8, đơn thuốc của chị Đào Thị Mai H. (22 tuổi, Long Biên, Hà Nội) do bác sĩ Nguyễn Thị H.Th. ký tên chỉ gồm một loại duy nhất là A-Cnotren 10mg (30 viên), trong khi phiếu tư vấn có đến 3 loại: Biocystine (60 viên), Aknicare cream 50 ml (1 tuýp), Fixderma - Skarfix plus cream 15g (1 tuýp).
Điều lạ là ngày 8/9, khi đi khám lại, chị H. được chính bác sĩ Th. kê toa thuốc vào một đơn thuốc viết tay với những hàng chữ “ngoằn ngoèo” nhưng không khó để nhận ra sản phẩm thực phẩm chức năng Biocystine (60 viên) chèn giữa 2 loại thuốc điều trị.
Khi được hỏi về việc bác sĩ tư vấn gì hay không, chị H. cho hay: “Cả 2 lần bác sĩ không hề nói rõ đâu là thực phẩm chức năng, đâu là thuốc. Chỉ hướng dẫn cách dùng rồi bảo cầm hai tờ này xuống lấy thuốc”.
Tương tự, đơn thuốc của chị Ngô Thị K.A. (22 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) gồm 2 loại là Liverterder 250 mg (60 viên) và Minoxyl Solution 3%, 60 ml (1 chai). Phiếu tư vấn có đến 3 loại: Radical Med Anti-Hair Loss Ampoule Treatment (for woman) - 1 hộp, Radical Med Anti-Hair Loss Shampoo 100 ml (1 chai) và Eurogestan 5 mg (60 viên). Tổng hoá đơn là 1,8 triệu đồng, nhưng nguyên tiền thực phẩm chức năng và mỹ phẩm chiếm hơn 1 triệu đồng.
Quá trình ghi nhận các đơn thuốc của bệnh nhân cho thấy, danh mục các sản phẩm được kê trong phiếu tư vấn tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đều là mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Không những vậy, hầu hết các bệnh nhân ở đây đều cho rằng họ không hề biết đến sự tồn tại của thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm, cũng không được nghe bác sĩ tư vấn gì về “phiếu tư vấn”.
Bác sĩ bảo sao nghe vậy, đưa đơn thì cầm, nói mua thuốc thì mua, họ hoàn toàn mù mờ về thông tin của các sản phẩm trong phiếu tư vấn.
Cứ như vậy, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm vẫn “moi tiền” bệnh nhân mỗi lần đến khám chữa bệnh. Khỏi bệnh đâu chưa thấy, bệnh nhân chỉ thấy canh cánh thêm nỗi lo mỗi khi nhìn vào số tiền phải trả cho những đơn thuốc mập mờ từ bác sĩ.
Ngày 1/5/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 05/2016/TT-BYT quy định: Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm Mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm.