Hầu hết các bệnh viện công trên địa bàn TP HCM đang than phiền về những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc; thiếu vật tư, trang thiết bị.
Ngày 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc. TS Nguyễn Nhật Hải - Trưởng phòng Tài chính kế toán cho hay, cơ cấu giá dịch vụ y tế hiện không tính khấu hao thì lấy tiền đâu mua máy mới, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt. Bệnh viện tự chủ từ năm 2009 đến nay, các máy đều đã cũ. “Chúng tôi đề xuất trong giai đoạn chưa cơ cấu khấu hao vào giá cần cho phép máy mượn, máy đặt. Hầu hết máy móc tại bệnh viện hiện đều là máy đặt và mượn” - TS Hải kiến nghị.
Theo các bác sĩ, quy định không được dùng máy mượn, máy đặt trong bệnh viện gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân thời gian qua. Bác sĩ Trần Thành Vinh – Trưởng khoa Hóa sinh cho rằng, thiếu hóa chất, thiếu trang thiết bị đang trở thành gánh nặng cho công tác xét nghiệm, bác sĩ không đủ kết quả để chẩn đoán, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị.
Đồng quan điểm với việc máy mượn, máy đặt, bác sĩ Trần Thanh Tùng – Trưởng khoa Huyết học cho rằng, máy mượn, máy đặt đỡ gánh nặng về chi phí nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài vấn đề máy móc, Bệnh viện Chợ Rẫy còn gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị bệnh. Tháng 6 vừa rồi, bệnh viện không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, biệt dược mà thiếu cả một số thuốc phổ biến, giá rẻ, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu điều trị. Trước những khó khăn của Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM khẳng định: “Ngành y tế cần được “cấp cứu” để hoàn thành nhiệm vụ, vì hiện nay các bác sĩ quá tải, điều kiện phục hồi sức khỏe khó khăn, vật tư thiếu thốn”.
Trước buổi khảo sát tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cũng khảo sát tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức). Nói về cơ chế tự chủ, bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho hay, bệnh viện hoạt động theo cơ chế tự chủ từ năm 2016. Ưu điểm của tự chủ tài chính là giúp bệnh viện chủ động xây dựng nguồn lực phù hợp với mục tiêu, kế hoạch dài hạn. Chủ động phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên thì bệnh viện gặp khó khăn về kinh phí đầu tư.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cơ cấu giá khám, chữa bệnh hiện nay áp dụng với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ, chỉ mới thu 4/7 phần chi phí thực tế. 3 phần còn lại chưa được tính vào giá khám chữa bệnh là chi phí nhân sự gián tiếp. Bên cạnh đó, giá khám, chữa bệnh chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư. “Việc này dẫn đến tình trạng bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư máy móc, trang thiết bị.” - ông Khanh trăn trở.
Đối với thuốc chữa bệnh, dược sĩ Lê Phước Thành Nhân – Trưởng khoa Dược cho biết, bệnh viện đấu thầu thuốc với chi phí lớn, riêng danh mục thuốc tốn 55% tổng chi phí. Sau đấu thầu, bệnh viện phải phụ thuộc nhiều vào bảo hiểm y tế và đợi bảo hiểm y tế thanh toán nên công nợ kéo dài dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc. Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định, thuốc là mặt hàng kiểm soát đặc biệt, phải theo Luật Đấu thầu mua sắm với nhiều hình thức như đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá,... Trong quy trình đấu thầu, việc xây dựng giá kế hoạch khó vì phải thấp hơn giá trúng thầu năm trước. Ngoài ra, đấu thầu tập trung cấp địa phương hay cấp bệnh viện thường chỉ đáp ứng 80% kế hoạch.
Thiếu thuốc, trang thiết bị hóa chất trải dài từ các đơn vị trực thuộc Bộ y tế cho tới trạm y tế tuyến xã. Khi thiếu thuốc BHYT, người bệnh phải bỏ tiền túi mua thuốc ở ngoài, bù đắp thuốc thiếu do không có đủ nguồn thuốc, làm ảnh hưởng đến công bằng người bệnh, an sinh xã hội. Về nguyên nhân khách quan, dịch Covid-19 cắt chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu, do vậy Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Sau dịch, người bệnh đổ về các cơ sở y tế tăng đột biến không đảm bảo cung ứng, thiếu nguồn cung ứng dược liệu… Nguyên nhân chủ quan đó là cơ chế pháp lý, thể chế chưa rõ ràng, minh bạch, cụ thể, các cơ sở khám bệnh chưa có hành lang pháp lý. Năng lực tham gia đấu thầu còn hạn chế, người tham gia phải có am hiểu về trang thiết bị, thuốc và quy định đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại.
(TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế)