Những ngày qua, người dân huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) nói chung và đặc biệt là bà con nông dân nghèo đang cư trú tại xã biên giới Hướng Phùng của huyện này rất bức xúc vì họ cho rằng chính quyền các cấp nơi họ sinh sống đã bằng nhiều cách nâng giá phân bón để ăn chặn tiền trong hạng mục hỗ trợ tái sản xuất thuộc chương trình nông thôn mới cho hộ nghèo đồng bào dân tộc Vân Kiều tại xã, mà họ là đối tượng được hưởng lợi.
Người dân bức xúc phản ánh việc bị "ăn chặn".
Chúng tôi đã có mặt tại xã Hướng Phùng để tìm hiểu sự việc. Ông Trương Văn Lân- Trưởng thôn Xa Ry (xã Hướng Phùng) cho biết: Dự án hỗ trợ phân bón này chỉ dành cho những hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, chỉ có 150 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều hiện đang sinh sống tại 8 thôn của xã Hướng Phùng gồm: Cheng, Cợp, Xa Ry, Bụt Việt, Doa Cũ, Mã Lai, Chênh Vênh và Hướng Choa được thụ hưởng chương trình này với tổng số tiền được tài trợ là 300 triệu đồng. Cụ thể, chương trình sẽ tài trợ phân bón cho bà con để chăm sóc phục hồi cây cà phê. Theo ông Lân, thôn Xa Ry của ông có 18 hộ dân được chương trình này hỗ trợ.
Ông Lân kể tiếp, khoảng thời gian cuối tháng 8/2015, mỗi hộ dân nằm trong chương trình này được nhận 125kg phân NPK hiệu Bông Lúa, với giá thành được tính là 1.600.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, Hướng Phùng chuyên canh cây cà phê nên họ rất rành về giá cả không những chỉ phân bón mà còn rành rẽ về cây giống các loại.
Những hộ dân nghèo ở đây khẳng định rằng, ngay trên địa bàn của họ vào thời điểm họ được nhận phân bón hỗ trợ của chương trình, giá phân NPK Bông Lúa chỉ 1.100.000 đồng/tạ, thậm chí ngay tại trung tâm thị trấn Khe Sanh (cách địa bàn xã Hướng Phùng 25km), giá phân NPK Bông Lúa chỉ 1.040.000 đồng/tạ. Như vậy, giá tiền phân bón cao hơn trên dưới 45% so với giá phân bón trên thị trường
Cùng chung một nỗi bức xúc với người dân thôn Xa Ry, ông Nguyễn Văn Kiều Hưng- Phó Bí thư chi bộ thôn Xa Ry nói: Dân trong thôn khi vào mùa đi mua nợ phân bón cùng loại NPK Bông Lúa ở một đại lý con nằm ngay trên địa bàn xã Hướng Phùng này giá lúc cao nhất cũng chỉ 1.200.000 đồng/tạ. Một số người trong thôn ra đến tận thị trấn Khe Sanh mua phân loại này cũng chỉ 1.150.000/tạ mà thôi, trong khi đó hàng mấy tháng qua giá phân bón trên thị trường không biến động, vậy vì lý do gì mà người dân chúng tôi phải chịu áp giá đến 1.600.000 đồng/tạ phân NPK Bông Lúa?
Mẫu Lân NPK 16.8.16-TE phát cho dân Hướng Phùng.
Đem câu chuyện phân bón giá cao được cấp cho đồng bào nghèo hỏi ông Nguyễn Thế Hùng- Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng thì ông Hùng trả lời rằng: Giá cả phân bón này là đã được huyện thẩm định và đồng ý. “Bà con họ nói nhiều thế nhưng không có vấn đề gì đâu, giá cả được sự đồng ý của ban, ngành ở huyện thẩm định, chứ đâu phải là giá tự động mà có…”- ông Hùng nói.
Được biết, liên quan đến vốn hỗ trợ tái sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2015 đối với hộ đồng bào nghèo Pa Kô - Vân Kiều trên địa bàn huyện Hướng Hóa thì chỉ có mỗi xã Hướng Phùng là được hỗ trợ phân bón, còn các xã còn lại thì được hỗ trợ cây, con giống tùy theo nhu cầu của địa phương. Theo quy trình thì xã trình hồ sơ lên huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện có trách nhiệm thẩm định hạng mục hỗ trợ, còn vấn đề thẩm định giá thì thuộc thẩm quyền của Phòng Tài chính huyện.
Chúng tôi đã trực tiếp tìm đến một đại lý chuyên bán phân bón nằm ngay tại thị trấn Khe Sanh để khảo sát giá cả thì rất bất ngờ khi được chủ của cơ sở kinh doanh phân bón này cho biết: Phân bón NPK hiệu Bông Lúa (giống mẫu phân của chương trình) tại đây chỉ bán với giá 1.000.000 đồng/tạ. Chủ cơ sở này còn nói thêm rằng, nếu mua phân loại này với số lượng nhiều thì giá cả sẽ được giảm xuống dưới 1.000.000 đồng/tạ và chủ cơ sở kinh doanh sẽ bao phí vận chuyển trong vòng bán kính 30km.
Rõ ràng, trong chương trình hỗ trợ phân bón cho đồng bào nghèo ở xã biên giới Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có khuất tất và phản ánh của những hộ được hưởng lợi từ chương trình này là có thật.
Chính vì thế, Công an huyện Hướng Hóa đã vào cuộc để điều tra. Sau một thời gian điều tra, xem ra vụ việc nâng giá phân để ăn chặn tiền của dân nghèo chưa có hồi kết thì người dân xã Hướng Phùng và các cơ quan truyền thông tiếp tục lên tiếng. Theo thông tin chúng tôi có được, hiện nay, Công an tỉnh Quảng Trị đã cử cán bộ điều tra đến địa bàn huyện Hướng Hóa để tiến hành công tác điều tra. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã có công văn số 4972/UBND-NN ngày 21-12-2015 về việc kiểm tra việc hỗ trợ phân bón cho cây cà phê tại xã Hướng Phùng để đề nghị UBND huyện Hướng Hóa báo cáo sự việc.
Ngày 25-12, ông Võ Thanh- Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa đã ký báo cáo số 320/BC-UBND về việc kiểm tra, xử lý công tác hỗ trợ phân bón cho nhân dân tại xã Hướng Phùng. Báo cáo này nêu rõ: căn cứ Quyết định số 181/QĐ-UBND ngày 30-1-2015 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc phân bổ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2015. Trong đó, xã Hướng Phùng được tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án với số tiền 300 triệu đồng. Xã Hướng Phùng lập thủ tục, hồ sơ trình UBND huyện phê duyệt thực hiện cung ứng phân bón NPK 16.8.16-TE để hỗ trợ cho nhân dân.
Quá trình lập thủ tục, hồ sơ của xã Hướng Phùng trình 3 báo giá của 3 đơn vị để phòng tài chính kế hoạch huyện thẩm định, ra thông báo số 40/TBG-TCKH ngày 5/5/2015 (mức giá tối đa thực hiện cung ứng loại phân bón NPK 16.8.16-TE là 16.000đồng/kg- mức giá thấp nhất trong 3 báo giá). Trên cơ sở đó, xã Hướng Phùng đã lập dự toán, lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng với Công ty TNHH MTV Chính Nghĩa (đơn vị báo giá thấp nhất) để triển khai thực hiện cung ứng phân bón cho nhân dân với mức giá 16.000 đồng/kg, trình UBND huyện phê duyệt.
Tuy nhiên, khi phát phân bón cho dân với giá 16.000 đồng/kg, người dân được hưởng lợi từ chương trình này đã phản ứng gay gắt vì cho rằng họ đã bị những cán bộ lợi dụng chủ trương thực hiện chương trình này để ăn chặn tiền phân bón thông qua việc nâng giá. Đồng thời UBND tỉnh cũng đã có công văn 4972/UBND-NN đề nghị kiểm tra.
Ngày 23/12, UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành công văn số 729/UBND-VP về việc kiểm tra, xử lý tình hình thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã Hướng Phùng năm 2015. Trong đó, UBND huyện giao cho UBND xã Hướng Phùng chủ động phối hợp với Phòng tài chính Kế hoạch huyện tổ chức kiểm tra, xác định lại mức giá loại phân bón NPK 16.8.16-TE tại thời điểm cung ứng cho nhân dân. Nếu có sự chênh lệch giá thì lập lại thủ tục, hồ sơ trình UBND huyện xem xét, phê duyệt để thực hiện dự án theo đúng quy định.
Xã Hướng Phùng và các ngành liên quan đã tổ chức kiểm tra, khảo sát thị trường và thẩm định lại mức giá cung ứng phân bón. Qua báo cáo, hồ sơ đề nghị của xã Hướng Phùng và thông báo số 143/TBG-TCKH ngày 24/12/2015 của Phòng tài chính kế hoạch huyện về việc thẩm định giá hàng hóa, thiết bị, dịch vụ cho UBND xã Hướng Phùng cụ thể: Mức giá phân bón NPK 16.8.16-TE (theo giá cũ) là 16.000 đồng/kg. Mức giá phân bón NPK 16.8.16-TE theo giá kiểm tra thẩm định lại là 14.000 đồng/kg.
Từ kết quả trên, UBND huyện chỉ đạo xã Hướng Phùng lập lại thủ tục, hồ sơ để điều chỉnh dự án hỗ trợ kịp thời cho nhân dân. Đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của chủ đầu tư, cán bộ kế toán xã Hướng Phùng và các cơ quan liên quan đến thẩm định giá thực hiện dự án nói trên. Báo cáo UBND huyện xem xét, xử lý.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, báo cáo số 320/BC-UBND ngày 25/12/2015 của UBND huyện Hướng Hóa báo cáo cho lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị chỉ mang tính đối phó. Bởi lẽ, việc thẩm định lại giá phân bón đã diễn ra rất chóng vánh theo ngày tháng ghi trong báo cáo. Mức giá 14.000 đồng/kg phân NPK 16.8.16-TE không biết các đơn vị thẩm định lấy từ đâu ra? Không có biểu giá niêm yết, không có địa chỉ thẩm định? Rõ ràng, những người thực hiện chương trình “hỗ trợ phân bón cho đồng bào nghèo là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã biên giới Hướng Phùng” của huyện Hướng Hóa đang muốn “lấy vải thưa che mắt thánh”.
Vì vậy, đề nghị các cơ qua chức năng tỉnh Quảng Trị sớm xúc tiến công tác điều tra để có kết luận cuối cùng. Làm được điều này, người dân lao động nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số Pa Kô - Vân Kiều sẽ đỡ khổ hơn và những ai lợi dụng chính sách để trục lợi phải sớm được xử lý trước pháp luật.