Chuyến bay của hãng hàng không Flydubai mang số hiệu FZ981 bị rơi ở sân bay Rostov-on-Don của Nga có thể đã gặp nạn do phi công mắc sai lầm khi hạ cánh, giới truyền thông Nga hé lộ về dữ liệu chuyến bay. Những phút cuối cùng của chuyến bay được cho là đầy những tiếng cãi vã và tiếng la hét trong hoảng loạn.
Nguồn tin của Kommersant cho rằng việc hai phi công bất đồng
quan điểm trong buồng lái đã dẫn tới vụ tai nạn thảm khốc (Nguồn: Reuters).
Hiện nay việc giải mã các bộ ghi dữ liệu chuyến bay FZ981 thông qua hộp đen của máy bay này đã hoàn tất, tờ nhật báo Kommersant của Nga dẫn một nguồn tin dấu tên cho hay và thêm rằng lỗi của phi công đã khiến chiếc Boeing này bị rơi là giả thiết đáng tin nhất.
Các thông tin mà tờ Kommersant công bố hôm 28/3 cho rằng, trong khi đang cố gắng lấy lại độ cao sau một nỗ lực hạ cánh bất thành khi điều kiện thời tiết xấu, một trong số các phi công đã gạt cần điều khiển quá nhiều, khiến cho hệ thống bị lỗi và hậu quả là chiếc máy bay này đã bổ nhào xuống đất mà trong tình trạng không thể kiểm soát được.
Ủy ban Hàng không liên bang Nga cùng ngày cho hay, các kết quả giải mã thiết bị hộp đen sẽ chính thức được công bố trong khoảng từ một đến hai tuần nữa.
Trong khi đó, theo các nguồn tin của tờ Kommersant, bộ ghi dữ liệu chuyến bay đã cho thấy rằng FZ981 đã 2 lần nỗ lực hạ cánh ở chế độ tự động, và do một cơn gió mạnh đột ngột nên lần hạ cánh thứ hai cũng thất bại. Các phi công sau đó quyết định hạ cánh lần ba ở chế độ tự lái.
Một trong số hai viên phi công đã nhấn nút TOGA - tức cất cánh và bay vòng - và tắt chế độ lái tự động, tờ Kommersant cho hay. Một số chuyên gia giấu tên mà tờ nhật báo này phỏng vấn cũng tin rằng phi công đã không kiểm soát được phần bánh lái ở đuôi và phần bánh lái giúp máy bay thăng bằng theo chiều ngang.
Khi phi công kéo cần lái lên, người này đã để cho hai phần bánh lái trên điều khiển máy bay leo lên độ cao ở một góc quá ngoặt, như kiểu của phi cơ chiến đấu, trong khi lại đang để chế độ TOGA. Và hậu quả là, chiếc máy bay này đã mất vận tốc và rơi vào trạng thái chết máy, khiến nó mất hoàn toàn kiểm soát và bổ nhào xuống đất.
Vào thời điểm đó, bộ ghi âm buồng lái được cho là đã ghi lại một cuộc cãi vã giữa các phi công. Viên phi công cố gắng buộc máy bay phải lấy lại độ cao dường như đã bật động cơ ở chế độ cất cánh, ép chiếc Boeing này phải tiếp tục lấy dần độ cao.
Trong khi phi công còn lại thì tin rằng tình trạng của họ hiện giờ là rất nguy hiểm và dường như cố gắng làm điều ngược lại: Sử dụng bảng điều khiển riêng của mình để chúi phần mũi chiếc Boeing xuống dưới để không tiếp tục lấy độ cao nữa, trong khi vẫn la hét vào người đồng nghiệp của mình để ngăn không cho anh ta điều khiển máy bay lấy độ cao nữa.
“Chờ đã! Anh đang bay đi đâu vậy? Ngừng lại! Ngừng lại!” - một âm thanh thất thanh mà bộ ghi âm buồng lái thu được.
Những hành động mâu thuẫn nhau của các phi công trong buồng lái đã khiến cho quyền kiểm soát của chiếc máy bay này bị “phân đoạn”: Máy tính lắp đặt trên dòng máy bay Boeing 737 liên tục nhận được những yêu cầu ra lệnh thực thi ngang bằng từ 2 bảng điều khiển mà vốn luôn làm việc một cách đồng bộ với nhau. Chính điều này đã khiến máy bay mất kiểm soát hoàn toàn.
Chỉ cho đến khi bắt đầu cảm nhận được sự bất ổn của chiếc Boeing mà họ đang lái, các phi công mới bắt đầu bỏ qua tranh cãi để hợp tác với nhau, nhưng đã quá muộn. Chiếc Boeing 737-800 lúc bấy giờ đang lao xuống với vận tốc khoảng 325 km/h với góc 45 độ. Nó nhanh chóng biến thành một khối cầu lửa đỏ rực sau cú va chạm với mặt đất, khiến toàn bộ 62 người trên khoang thiệt mạng.
Trong khoảng thời gian vài giây trước khi máy bay đâm xuống đất, cả hai viên phi công đều la hét trong hoảng loạn, tờ Kommersant cho hay.
Hôm 20/3, Ủy ban Điều tra Nga đã chính thức xác nhận rằng lỗi của phi công hoặc lỗi kỹ thuật là hai giả thiết chính của vụ tai nạn chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Flydubai ở sân bay Rostov-on-Don vào hôm 19/3.
Theo tờ Kommersant, qua quá trình phân tích dữ liệu hộp đen, giới chuyên gia vẫn chưa phân biệt rõ được 2 viên phi công trong quá trình diễn ra vụ tai nạn trên. Ban đầu, các nhà điều tra thậm chí còn tin rằng chỉ có duy nhất một viên phi công đang nói chuyện trong suốt thời gian xảy ra các diễn biến trên. Hiện nay, để xác nhận giọng nói của các phi công, các chuyên gia có khả năng sẽ phải viện tới sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp và thân nhân của họ.