Bí ẩn của tiến hóa và cách sống sót qua thảm họa

Bảo Thư 21/08/2023 08:30

Một nhóm chuyên gia đã dành hơn 1 thập niên để nghiên cứu loài rêu Takakia có cách đây 390 triệu năm và chuyên bám rễ trên các vách núi băng giá và cô lập của cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc).

Cây đa bồ đề khổng lồ ở Lahaina (Hawaii, Mỹ) trước khi bão lửa ập đến. Ảnh: AP.

Các nhà nghiên cứu thực hiện 18 chuyến hành trình đến cao nguyên này từ năm 2010 đến 2021 để tìm hiểu cách thức rêu Takakia xoay xở thích ứng sau hàng trăm triệu năm ở khu vực cách mặt đất 4.000m. Đồng tác giả báo cáo Ralf Reski của Đại học Freiburg (Đức) ví rêu Takakia chẳng khác nào "hóa thạch sống", những loài thực vật nhỏ bé đã tạo nên sự thay đổi lớn cho khí quyển Trái đất khi chuyển đổi năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học thông qua quá trình quang hợp. Rêu Takakia buộc phải nhanh chóng thích nghi với môi trường khắc nghiệt, nơi mỗi ngày có 4 mùa luân chuyển.

Tác giả chính của cuộc nghiên cứu, Ruoyang Hu, cho rằng cần tìm hiểu kĩ vì sao “loài rêu đáng gờm” này có thể thoát chết trong vòng hàng trăm triệu năm với các biến động khí hậu lớn lao, khiến rất nhiều loài diệt vong, kể cả loài khủng long.

“Việc nghiên cứu rêu Takakia vì sao chúng có thể kiên cường tiến hóa sẽ cho chúng ta những gợi ý cần thiết trong bối cảnh hết sức nguy hiểm biến đổi khí hậu như hiện nay” - TS Hu nói.

Kể từ đầu năm tới nay, hàng loạt những thảm họa thiên nhiên đã diễn ra ở nhiều nơi trên Trái đất, được coi là bắt đầu từ biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, loài người bị đe dọa. Đặc biệt, tháng 7 với nắng nóng gay gắt đã khiến mùa hè 2023 có thể là mùa hè nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Vì vậy, cùng với việc giảm lượng carbon xả vào bầu khí quyển thì những nghiên cứu sinh tồn trong thế giới tự nhiên được coi là hướng đi cần thiết để “cứu loài người”.

Mới đây nhất, ngày 8/8, vụ cháy khủng khiếp ở thị trấn Lahaina (Hawaii, Mỹ) đã khiến ít nhất 110 người chết. Thị trấn này chỉ có 12.000 dân. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là trong khi rừng cháy, nhà cháy thì cây đa bồ đề cao 18m, được trồng từ năm 1873 vẫn trụ được dù cành lá của nó đã biến thành tro.

Nhiều giả thuyết được đưa ra về sự kỳ diệu đó, kể cả chuyện “phép màu”. Nhưng, theo các nhà sinh vật học, cần nghiên cứu kỹ cơ chế sinh tồn của loài cây này, như một gợi ý cho con người.

Thiên nhiên bí ẩn và vĩ đại cần được tôn trọng và học tập. Những bài học từ Mẹ thiên nhiên không bao giờ xưa cũ. Những bí ẩn của tiến hóa, của cách sống sót qua thảm họa của nhiều loài động thực vật phải là những lời cảnh tỉnh quý báu cho loài người, thay vì bỏ qua nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí ẩn của tiến hóa và cách sống sót qua thảm họa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO