Bí ẩn phía sau những bức ảnh “hồn ma”

Linh Chi 05/07/2015 11:06

Trong khi công nghệ sản xuất camera ngày càng được cải thiện, thì những bức ảnh gây tranh cãi khi có “hồn ma” ẩn mình trong đó cũng xuất hiện nhiều hơn. Những “hồn ma” này thậm chí còn xuất hiện cả trong các bức ảnh được chụp lại bởi điện thoại thông minh. Vậy bí ẩn phía sau nó là gì?

Bí ẩn phía sau những bức ảnh  “hồn ma”

Bức ảnh “người đàn bà xám” chụp hồi tháng 2 vừa qua tại tòa án Hampshire, London

(Nguồn: The Sun)

Vào tháng 2 vừa qua, bên trong cung điện tòa án Hampton ở thủ đô London của Anh, cô bé 12 tuổi Holly Hampsheir đã sử dụng chiếc iPhone của mình để chụp ảnh người họ hàng tên Brook. Nhưng phải đến ngày hôm sau người ta mới phát hiện ra Brook không hề đứng một mình trong bức ảnh nói trên. Một phụ nữ cao, xám xịt, mặc áo chùm xuất hiện ngay sau lưng Brook. Trong bức ảnh thứ hai mà cô bé Holly chụp lại, người phụ nữ bí ẩn trên không xuất hiện.

Ông tổ của nghề “chụp ma”

Nguồn gốc của các bức ảnh ma có thể là trường hợp từng xảy ra từ thế kỷ 19. Khoảng thời gian từ 1850 đến 1860 là thời điểm mà các nhiếp ảnh gia mới bắt đầu trải nghiệm các hiệu ứng mới như ảnh nổi và kỹ thuật chụp ảnh chồng hình. Nhưng một số nhiếp ảnh gia không chuyên lại sớm nhận ra rằng họ có thể lợi dụng các kỹ thuật đó để kiếm tiền.

Nhiếp ảnh gia nghiệp dư người Mỹ tên William Mumler được cho là người đầu tiên chộp được một “hồn ma” trong bức ảnh của mình hồi đầu những năm 1860. Bức ảnh này đã gây xôn xao dư luận thời bấy giờ, và dù là bức ảnh có chụp được hồn ma thật hay không, thì sau đó khả năng chụp được ảnh người đã khuất của Mumler (thường là họ hàng của ông) đã trở nên rất nổi tiếng.

Ban đầu một số chuyên gia tỏ ra hết sức lúng túng khi cố gắng tìm ra các điểm không hợp lý trong các bức ảnh ma của Mumler. Và bởi vậy mà dù chỉ là nghiệp dư nhưng Mumler vẫn được coi là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nhờ mức độ nổi tiếng của mình.

Còn theo giới chuyên gia ở thời điểm hiện tại, Mumler có thể đã tạo nên các bức ảnh hồn ma bằng cách lắp đặt thêm kính dương bản chuẩn bị sẵn. Kỹ thuật chụp ảnh chồng hình này không chỉ chụp được hình ảnh của một người đứng trước ống kính mà còn cả hình ảnh “ma” có dính sẵn trên tấm kính dương bản chuẩn bị sẵn.

Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất của Mumler chính là bức ảnh “hồn ma” của Tổng thống Abraham Lincoln núp bóng đằng sau người vợ của ông, bà Mary Todd Lincoln. Nhưng trớ trêu thay, chính bức ảnh đó đã chấm dứt sự nghiệp của ông khi phải ra tòa giải thích về bức ảnh này. Khoảnh khắc tồi tệ nhất của Mumler chính là khi người ta vạch trần cách thức tạo nên một bức ảnh ma của ông trong phiên tòa xét xử. Sự nghiệp nhiếp ảnh gia chụp “hồn ma” của Mumler sụp đổ kể từ đó.

Tuy nhiên, di sản của Mumler thì không chấm dứt như vậy, mà nó còn trở thành xu hướng trong suốt những năm cuối 1800 khi vô số người sử dụng lại kỹ thuật chồng ảnh của ông để tạo nên những bức ảnh ma quái nhằm mục đích kiếm trác. Tuy nhiên cũng có không ít nhiếp ảnh gia kiểu này bị lật mặt.

Bí ẩn phía sau những bức ảnh  “hồn ma” - 1

Bức ảnh được cho là chụp hồn ma của phu nhân Dorothy Townshen
đến nay vẫn chưa được lý giải

(Nguồn: BBC)

Những điều khó lý giải

Đến thời kỳ diễn ra Thế chiến I, các bức ảnh chụp hồn ma lại một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ và còn nhận được sự ủng hộ của một cộng đồng không nhỏ, trong đó gồm cả tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh Arthur Conan Doyle – cũng là một thành viên của Ghost Club. Sự việc này được cho là do đã có quá nhiều mất mát khiến người dân ở nhiều nước có khát khao cháy bỏng được đoàn tụ với người thân – có thể đã mất trong cuộc chiến.

Vào thời điểm này, một nhiếp ảnh gia người Anh khác tên William Hope cũng trở nên hết sức nổi tiếng nhờ các bức ảnh chụp hồn ma của mình. Nhưng cũng giống như Mumler trước đó, Hope cũng gặp không ít khó khăn do quá trình điều tra các bức ảnh của ông, dẫn đầu bởi Harry Prive năm 1922. Price sau đó đã cáo buộc Hope sử dụng kỹ thuật chồng hình để tạo nên các bức ảnh hồn ma. Tuy nhiên, khác với Mumler, Hope vẫn tiếp tục công việc của mình dù bị lật tẩy, nhưng lạ ở chỗ vẫn có rất nhiều người ủng hộ ông.

Tuy nhiên, trong sự nghiệp của mình, Price cũng thừa nhận rằng đã gặp phải những bức ảnh hồn ma mà ông không thể giải thích hợp lý được. Năm 1936, 2 người đàn ông đến từ tạp chí Contry Life được chụp ảnh ở cầu thang dẫn đến Rayham Hall, Norfolk, Anh. Nhiếp ảnh gia Hubert Provand đang định chụp ảnh các bậc cầu thang lớn này thì cộng sự của ông bất ngờ nhìn thấy một “dạng hơi xương dần dần biến thành hình một người phụ nữ” đang tiến đến phía họ. Provande nhanh tay chụp ngay lại cảnh tượng lúc đó. Bức ảnh trở nên nổi tiếng do không có ai chứng minh được nó là giả. Nhiều người còn cho rằng đó là hồn ma của phu nhân Dorothy Townshen, hồn ma đã ám tòa nhà kể từ sau cái chết bí ẩn của bà năm 1726.

“Hồn ma” trong thời kỹ thuật số

Còn trong thời đại công nghệ số như hiện nay, các nhiếp ảnh gia hoàn toàn có thể sử dụng các camera kỹ thuật số để tạo nên các bức ảnh hồn ma giả dễ như ăn kẹo. Bức ảnh “người đàn bà xám” chụp ở tòa án Hampton mới đây nhất là một ví dụ điển hình cho thấy công nghệ có thể thao túng tính chân thật của các bức ảnh.

Không giống như phim truyền thống, điện thoại di động ngày nay cũng có thể chụp ảnh một cách dễ dàng. Tuy nhiên, một quá trình thường được gọi là “khử răng cưa” khiến camera lắp đặt trên di động sẽ mất một lúc để các bộ cảm ứng chỉnh sửa ảnh, điều này cũng khiến cho bất cứ vật thể nào di chuyển trước ống kính bị nhòe đi – đôi lúc trở thành bức ảnh hồn ma.

Nhưng dù đã nhận thức rõ về các công nghệ chỉnh sửa ảnh cao cấp ngày nay, nhiều người vẫn luôn sẵn lòng tin vào sự tồn tại của “hồn ma” trong các bức ảnh. Theo cuộc điều tra của hãng Harris tổ chức năm 2013, 42% người dân Mỹ tin rằng hồn ma tồn tại. Còn ở Anh, một cuộc điều tra cho thấy 39% người dân nước này tin rằng một ngôi nhà có thể bị ma ám.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí ẩn phía sau những bức ảnh “hồn ma”