Sau khi vượt qua lưỡi hái “tử thần”, nhiều F0 đã khỏi bệnh cho rằng chỉ cần luôn giữ vững tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực là có động lực để chiến thắng bệnh tật.
Sau chuỗi ngày chiến đấu với virus SARS-CoV-2, anh Trần Trương Hiếu (34 tuổi, ở Quận 1, TP HCM) cảm thấy thời gian điều trị Covid-19 không quá tồi tệ như từ trước đến nay anh vẫn thường hay nghĩ. Anh cho rằng, dù trong trường hợp nào cũng phải giữ vững tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực rồi mọi điều tốt đẹp sẽ lại đến.
Tương tự, anh Phạm Quyết Thắng (30 tuổi, TP HCM) đã thoát “cửa tử” đầy ngoạn mục. Nhờ tinh thần lạc quan, niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ, anh đã trở về nhà sau 24 ngày chiến đấu với Covid-19.
Cả gia đình đồng lòng vượt “cửa tử”
Gia đình anh Trần Trương Hiếu có tới 16 người đều nhiễm Covid-19. Cả 16 người đều thuộc diện tự cách ly y tế tại nhà theo chỉ dẫn của phường.
Những ngày đầu khi biết cả gia đình mắc Covid-19, anh Hiếu không khỏi lo lắng. Gia đình anh có 16 người với nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống dưới một mái nhà. Lớn tuổi nhất là bà ngoại của anh, người ít tuổi nhất năm nay lên 6.
Vì vậy, khi y tá Phường đến thông báo, gia đình anh phải tự cách ly y tế tại nhà do cả gia đình đều thuộc diện F0, anh Hiếu cảm thấy sợ hãi.
Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Hiếu kể: “Mấy ngày đầu khi biết cả gia đình mắc Covid-19, mình lo lắm, cứ nghĩ ra đủ triệu chứng, mà nghĩ cái nào thì xuất hiện luôn cái đó. Gia đình mình ai cũng lo lắng, gần như rơi vào khủng hoảng”.
Vài ngày sau, khi đã trấn tĩnh lại tinh thần, anh Hiếu lên báo tìm đọc những khuyến cáo của bác sĩ hướng dẫn cho bệnh nhân tự điều trị Covid-19 tại nhà.
Nỗi sợ hãi nguôi ngoai, anh Hiếu trang bị cho bản thân và gia đình thêm nhiều kỹ năng phòng ngừa, đi mua những loại thuốc cần thiết. Anh yêu cầu tất cả mọi người phải rửa tay và xịt khuẩn liên tục.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, gia đình anh Hiếu nghiêm chỉnh chấp hành những “luật ngầm” anh đưa ra. Hơn thế, mọi thành viên trong gia đình luôn sát cành cùng nhau, ở bên nhau, động viên, chia sẻ khó khăn, những điều khó nói.
“Mọi người lúc ốm đều hoang mang và lo sợ, mình là đàn ông, là trụ cột của gia đình nên phải tìm cách trấn an, hướng dẫn. Thành viên trong gia đình luôn sát cánh cùng nhau nên cũng đỡ áp lực. Những lúc khó khăn mới thấy được ở bên gia đình là điều may mắn”, anh Hiếu cho hay.
Đến nay, anh Hiếu đã tự chữa khỏi bệnh, 15 người còn lại cũng đang hồi phục tích cực, gần như là đã trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, các thành viên trong gia đình vẫn phải tự cách ly thêm và theo dõi tình hình sức khỏe. Thời gian này, anh và các thành viên vẫn duy trì chế độ sinh hoạt nề nếp, khoa học.
“Thời gian chiến đấu với virus SARS-CoV-2 không quá tồi tệ như từ trước đến nay mình vẫn thường hay nghĩ, nhờ thời gian tự cách ly chữa bệnh tại nhà cùng với gia đình, mình biết quý trọng hơn những giây phút được ở bên những người thân yêu”, anh Hiếu chia sẻ.
Giữ vững tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực… mọi chuyện rồi sẽ ổn
Trong tuần đầu tiên, nếu thành viên trong gia đình phát triệu chứng, anh Hiếu mang thuốc mua sẵn cho mọi người dùng, ho thì uống thuốc ho, nếu sốt thì sử dùng thuốc hạ sốt.
Anh Hiếu cho biết: “Khi mắc bệnh, mọi người cứ yên tâm, giữ bình tĩnh, tìm hiểu những khuyến cáo của bác sĩ để điều trị bệnh, nghe lời bác sĩ và lắng nghe cơ thể của mình… mọi chuyện sẽ qua”.
“Điều quan trọng là phải luôn giữ vững tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực… rồi mọi chuyện sẽ ổn”, anh Hiếu nhấn mạnh.
Khác với trường hợp của anh Hiếu, anh Phạm Quyết Thắng phải vào khu cách ly tập trung để điều trị. Phát hiện bản thân mắc Covid-19 từ ngày 17/7, 4 ngày sau khi phát bệnh, anh có triệu chứng trở nặng nên được chuyển vào Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn (TP HCM) để điều trị.
Những ngày trong khu cách ly, anh Thắng cố gắng sinh hoạt điều độ, sống chậm lại. Anh dành thời gian để làm những việc mà trước nay anh chưa có nhiều thời gian thực hiện.
Mặc dù những ngày trong khu cách ly có không ít những điều tồi tệ xảy ra, việc phải chứng kiến bệnh nhân trở nặng, phải chuyển gấp về phòng hồi sức cấp cứu… Những điều này vô hình chung trở thành nỗi hoang mang lo lắng cho cả anh và những F0 đang điều trị.
“Lúc này, người thân và bạn bè chính là nguồn động lực to lớn giúp tôi vượt qua. Tôi gọi điện nói chuyện với họ mỗi ngày, họ động viên tôi cố gắng, kể những chuyện vui buồn trong cuộc sống, nhờ thế mà tôi không còn suy nghĩ tiêu cực nữa, mong muốn nhanh khỏe bệnh để được trở về”, anh Thắng cho biết.
Sau những ngày điều trị tại bệnh viện, ngày 4/8, sau 3 lần xét nghiệm âm tính, anh Thắng được trở về nhà. Hiện, anh vẫn phải tự cách ly 14 ngày để theo dõi sức khỏe cho mình và người thân.
“Trong thời gian nhiễm bệnh, mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng, ăn uống điều độ, đúng giờ, giữ ấm cơ thể. Đặc biệt là luôn phải giữ cho mình tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực. Những ai chưa mắc bệnh thì không nên chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, nghiêm chỉnh tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế”, anh Thắng đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm của bản thân.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, PGS TS Nguyễn Viết Nhung, Giám Đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đưa ra những khuyến cáo cần lưu ý đối với bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà.
TS Nhung cho hay, để nhận biết bệnh nhân mắc Covid-19 cần dựa vào các triệu chứng điển hình như: sốt, ho, đau họng, mất vị giác, khứu giác, đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng năng của Covid-19 là: khó thở, không thể ra khỏi giường, hay tự chăm sóc bản thân, đau ngực, hoa mắt, chóng mặt, lờ đờ.
Khi mắc Covid-19, người bệnh cần nghỉ ngơi trong phòng riêng, thông thoáng khí (nếu có thể) hoặc đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 m với người khác, bữa ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước để cơ thể không bị mất nước, luôn đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác.
Người bệnh có thể dùng Paracetamol khi có triệu chứng: sốt, đau mỏi cơ, đau đầu (hãy tư vấn với nhân viên y tế về liều lượng và khoảng cách giữa các liều). Đồng thời, có thể chườm mát, lau người bằng nước ấm để hạ sốt.
Ngoài ra, những bệnh nhân điều trị Covid-19 cần bảo vệ những người sống cùng: để riêng rác thải vào trong thùng rác có nắp đậy vào trong thùng rác có nắp đậy và loại bỏ rác thải riêng, người chăm sóc cần đeo khẩu trang y tế và rửa tay bằng xà phòng và nước, mở cửa sổ để phòng luôn thông thoáng. Thứ 2 là phải luôn giữ khoảng cách với người khác, ở trong phòng riêng (nếu có thể), thông thoáng khí. Nếu không có phòng riêng, hãy giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.
Người bệnh và tất cả mọi người trong nhà cần luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc, sử dụng riêng các đồ dùng ăn, uống, sinh hoạt. Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay khô.
Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân được bác sĩ khuyên dùng máy đo nồng độ oxy (spO2) hãy đảm bảo việc sử dụng đúng cách các thiết bị này, nếu không biết hãy hỏi nhân viên y tế để được hướng dẫn, dùng thiết bị để kiểm tra nồng độ oxy 3 lần một ngày, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trong khi sử dụng các thiết bị theo dõi nồng độ oxy, nếu nồng độ oxy của bạn từ 90 đến 94% hãy tư vấn với nhân viên y tế hoặc tìm kiếm chăm sóc y tế, chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng thời, người bệnh cần thay đổi các tư thế nằm trên giường: nằm sấp, nằm nghiêng và ngồi thẳng lưng, mỗi lần khoảng 2 giờ. Đối với những trường hợp nồng độ oxy dưới 90%, hãy gọi cho nhân viên y tế để được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Trong trường hợp bất kể nồng độ cồn của bạn là bao nhiêu, nếu bạn thấy khó thở, không thể ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau tức ngực, hoặc bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, hãy gọi ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.