Rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến chúng là một bước rất quan trọng để đảm bảo loại bỏ chất bẩn và sinh vật, vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, một số thực phẩm không thể sạch nếu chỉ rửa bằng nước, muốn sạch phải có bí quyết.
Dù là thực phẩm nào, mua ngoài chợ, siêu thị hay tự nuôi, trồng tại nhà thì cũng cần có bước làm sạch trước khi chế biến để đảm bảo vệ sinh. Các loại thực phẩm có đặc tính và cấu tạo khác nhau nên mỗi loại cần có cách sơ chế, làm sạch khác nhau.
Đối với khoai tây, cà chua, dưa chuột… hay nói chung là các loại củ, quả nếu là do nhà bạn trồng được thì chỉ đơn giản là rửa sạch bằng nước là có thể chế biến hoặc ăn luôn được. Việc tự trồng có thể bỏ qua được mối nguy hại liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nếu là mua ở ngoài thì bạn nên ngâm với nước muối hoặc sử dụng máy làm sạch rau củ để đảm bảo an toàn.
Cùng với đó, có một số loại thực phẩm rất khó làm sạch chỉ với nước. Cho dù có cố gắng rửa đi rửa lại nhiều lần dưới nước thì vẫn có rất nhiều vi khuẩn, bụi bẩn bám lại mà mắt thường không thể thấy được.
Chẳng hạn như thịt lợn, nhiều người khi mua về chỉ rửa với nước sạch rồi chế biến luôn.
Tuy nhiên, trên thực tế, thịt lợn có nhiều mỡ hơn, độ bám dính cũng cao hơn so với đa phần các loại thịt khác. Do đó, khi được đặt trên các bề mặt như bàn, thớt, hộp, khay để bày bán thì nó có khả năng bám dính nhiều bụi bẩn và vi khuẩn hơn.
Cách sơ chế thịt lợn cũng không quá cầu kỳ, chỉ đơn giản là bạn để lại nước vo gạo, sau đó ngâm thịt lợn trong nước vo gạo khoảng 5 phút trước khi rửa sạch lại với nước và chế biến.
Ngoài ra, bạn cũng có thể rửa thịt bằng nước muối loãng, các chất bẩn trong thịt sẽ từ từ tiết ra và được rửa sạch. Bạn cũng có thể luộc sơ qua miếng thịt. Bạn chuẩn bị một nồi nước, bỏ thêm một ít giấm và muối, đun sôi nước mới thả thịt vào, để sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp, đổ hết nước. Lúc này, vi khuẩn và chất bẩn trong thịt được loại bỏ và bạn có thể an tâm chế biến.
Khi rửa cá, đa phần mọi người chỉ rửa dưới vòi nước chảy và xát thêm ít muối nhưng cách làm này không thực sự hiệu quả. Bạn nên ngâm cá vào thau nước lạnh có pha chút giấm trong khoảng 1 tiếng rồi vớt ra, đánh vảy và rửa lại dưới vòi nước chảy. Lúc này cá vừa bớt mùi tanh, dễ tách vảy vừa sạch sẽ. Bạn cũng có thể chà rửa cá bằng nước vo gạo, vì nước gạo giúp khử bớt mùi tanh và làm sạch bụi bẩn hiệu quả.
Đối với cua, trước tiên, hãy cọ rửa cua với nước muối, sau đó ngâm cua vào nước muối nhạt để nó nhả ra chất bẩn trong cơ thể. Bãn có thể lặp lại việc ngâm nước muối nhạt trong vài lần cho đến khi nước ngâm trong thì xả lại cua dưới vòi nước sạch. Sau đó, bạn có thể chế biến cua thành món ăn yêu thích. Các động vật có vỏ có thể làm sạch theo cách tương tự.
Các loại rau như bắp cải, súp lơ là loại rau có nhiều lớp lá. Cấu tạo đặc biệt này khiến chúng thường trở thành nơi ẩn náu của sinh vật gây bệnh và dễ tồn dư một số loại thuốc bảo vệ thực vật bên trong. Bạn cần làm sạch bên ngoài trước, sau đó tách nhỏ từng lá, cụm hoa của chúng ra rồi đem ngâm nước muối, sau đó thực hiện việc rửa lại với nước như bình thường.
Bề mặt của nấm có nhiều rãnh nhỏ li ti, do đó nó dễ bám bụi bẩn hơn là bạn tưởng. Để làm sạch nấm bạn cần ngâm nấm trong nước vài phút. Lưu ý đừng ngâm quá lâu, nó có thể bị nhiễm khuẩn và gây độc khi ăn vào. Sau đó, khoắng nước theo chiều kim đồng hồ để nấm trôi hết cát và bụi bẩn. Rửa lại thêm 1 lần nước nữa là có thể sử dụng được.