Các bệnh nhân ở nhóm tuổi 80 trở lên có 14,9% tử vong trong khi các bệnh nhân tuổi 70 là 8%. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo bổ sung, những người trên 60 với các bệnh nền ở tim mạch, hô hấp và tiểu đường dễ tiến triển nặng nếu nhiễm virus.
Người già dễ bị Covid-19 tấn cống
Nhìn vào thực tế tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam cho thấy, người già là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công và tiến triển xấu nhanh hơn so với các nhóm tuổi khác.
Người cao tuổi không tránh khỏi sự lão hóa của cơ thể, từ hệ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như tim, phổi, mạch máu trong bộ máy hoạt động của cơ thể. Trước tác động của thời tiết và môi trường bên ngoài, khả năng thích ứng của cơ thể người già ngày càng giảm dần, tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp.
Hệ hô hấp của người già yếu dần theo thời gian, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém do sức đề kháng của người già bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn.
Đa số người cao tuổi cũng thường xuất hiện nhiều yếu tố bệnh nền trong cơ thể, kèm theo các bệnh mãn tính. Đây là một trong các nguyên nhân người già nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc dịch bệnh. Nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa trung ương cho thấy, người cao tuổi trung bình có từ 3 bệnh lý mạn tính trở lên. Trong đó, các bệnh hay gặp như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, phổi mãn tính.
Người cao tuổi có sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm, khi đã bị nhiễm virus, bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn lứa tuổi khác, diễn biến bệnh xấu nhanh và có thể tăng nặng, gây ra nhiều biến chứng. Các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh phải thở bằng máy, nặng hơn phải can thiệp ECMO, hoặc thậm chí là có thể dẫn đến tử vong.
Trên thực tế, các bệnh nhân Covid-19 nặng trên thế giới và tại Việt Nam đa phần là người già. Ca tử vong đầu tiên tại Việt Nam là bệnh nhân 70 tuổi nằm trong nhóm người cao tuổi. Vì vậy, nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 chủng mới hiện nay rất cao.
Các biện pháp giúp người già phòng tránh Covid-19
- Hạn chế ra ngoài: Người già nên hạn chế ra ngoài khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh nguy hiểm của Covid-19 chủng mới. Cơ thể người cao tuổi khó thích nghi, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, nên hạn chế ra ngoài, tránh nguy cơ tiếp xúc với virus để giảm khả năng nhiễm bệnh.
- Môi trường sống cần thông thoáng: Trong gia đình, đặc biệt là nơi ở, nơi nghỉ ngơi của người lớn tuổi cần phải luôn sạch sẽ, thoáng khí, đảm bảo không khí trong lành để quá trình hô hấp của cơ thể không gặp bất lợi. Người già tránh ở lâu trong không gian kín, những ngày trời nắng có thể mở cửa cho không khí được lưu thông.
- Ăn đủ chất, uống đủ nước: Đối với người cao tuổi, việc ăn uống không còn được ngon miệng nên cần chế biến các món ăn mềm, hợp khẩu vị, đủ chất để liên tục bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết, bổ sung năng lượng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Mỗi ngày, các cụ cần bổ sung 1,5 - 2 lít nước, tốt nhất là nước ấm cho cơ thể. Khi không khát, người già cũng có thể uống các loại trà hoặc nước ấm để có sức khỏe tốt hơn trong mùa dịch.
- Tránh tập trung đông người, giữ vệ sinh chung: Nếu bắt buộc phải ra ngoài, người già cần đeo khẩu trang đúng cách, tránh tập trung khu vực đông người. Nên chuẩn bị giấy vệ sinh để sử dụng khi ho, hắt hơi; nhớ mang theo nước rửa tay khô để sát khuẩn tay thường xuyên sau khi chạm vào các bề mặt.
- Nâng cao thể trạng: Người cao tuổi cần tuân thủ việc điều trị bệnh mãn tính hiện có theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Với những người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường nên kiểm soát tốt huyết áp, đường máu, duy trì ổn định bệnh lý tim mạch... Ngoài ra, để nâng cao thể trạng, người cao tuổi chú ý ăn đủ chất và tránh áp dụng chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo sẽ làm cơ thể thiếu chất, gây suy yếu hệ miễn dịch.
Thời điểm cần nhanh chóng đưa người già đến bệnh viện
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi cấp do Covid-19 gần giống với triệu chứng của cảm lạnh, người bệnh thường có các triệu chứng như: sốt, đau họng, sổ mũi, nhức đầu, rét run, tức ngực, ho, khó thở… Khi virus này gây bệnh nặng, tùy cơ quan bị tổn thương mà nó có biểu hiện khác nhau.
Những trường hợp có nhiều bệnh nền, bệnh mãn tính ở người cao tuổi có nguy cơ tử vong cao hơn. Một số người nhiễm virus Covid-19 không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng và các triệu chứng không rõ ràng gây nhiều khó khăn cho quá trình phát hiện bệnh và cách ly kịp thời. Có rất nhiều trường hợp không thể phân biệt được rõ nhiễm Covid-19 hay nhiễm cảm lạnh.
Bộ Y tế khuyến cáo những trường hợp nghi ngờ là nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính với các biểu hiện sốt, ho, có thể khó thở và có một trong các yếu tố dịch tễ như có tiền sử đến/ở/về từ vùng có dịch trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bện, hoặc tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác, cách ly, điều trị kịp thời. Ngoài ra, những người tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày cũng cần cảnh giác.