Là tiêu đề bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi nói chuyện với trí thức TP HCM vào ngày 28/5. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân sử dụng công cụ powerpoint trình chiếu trên màn ảnh lớn, phân tích nhiều khía cạnh kinh tế - xã hội từ tầm nhìn chung đến những con số so sánh hết sức cụ thể.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi gặp gỡ của lãnh đạo thành phố với đại biểu trí thức. (Ảnh: Hồng Phúc).
“Chúng ta đang ở đâu?”
Nói chuyện cởi mở với các trí thức, người đứng đầu Đảng bộ TP HCM đặt câu hỏi: “Thành phố chúng ta đang ở đâu?”, và đưa đến một số so sánh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm vừa qua khi kiều hối cả nước là 7,9 USD tỷ thì TP HCM chiếm 4 tỷ (51%). Tính trung bình kiều hối của thành phố luôn chiếm 50 – 60% cả nước, trong khi diện tích thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, gần đây kiều hối thành phố có giảm sút và thành phố cần phải bàn kỹ để làm sao phát huy được kiều hối, làm sao cứ đều mỗi năm thành phố thu hút được hơn 4 tỷ USD kiều hối về nước.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng so sánh về vốn cho vay, với tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố vào năm 2016 là 1.474 nghìn tỷ, so với tổng dư nợ cả nước hiện chiếm hơn 27%.
Tình hình cho vay của thành phố là rất lớn và ngày càng thể hiện rõ nét là một trung tâm tài chính của cả nước. “Chúng tôi rất mong các nhà khoa học, các nhân sĩ trí thức của thành phố sẽ có sáng kiến, ý tưởng xây dựng đề án tham mưu cho lãnh đạo thành phố về các giải pháp để trở thành trung tâm tài chính của đất nước và của khu vực Đông Nam Á”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân gợi ý, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng “chất xám” của TP HCM khi số sinh viên trên địa bàn thành phố đang chiếm đến 600.000 người, với trên 150.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm, đóng góp nguồn nhân lực cao cho các lĩnh vực quan trọng.
Ngoài ra, nguồn lao động thành phố hiện chiếm 7,9% lao động cả nước (2015), song lao động trình độ cao của thành phố chiếm 21,2% tổng số lao động trình độ cao cả nước, tức gấp 2,7 lần cả nước.
Tỷ lệ lao động trình độ cao của TP HCM năm 2010 là 24,3%; 2015 là 29,1%, trong khi cả nước là 7,3% (năm 2010) và 11% (năm 2015), tức tỷ lệ lao động trình độ cao của thành phố gấp 3,3 lần cả nước (năm 2010) và 2,65 lần (năm 2015).
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra một trong những mũi nhọn tới đây trong chiến lược kinh tế - xã hội của thành phố là sẽ đặc biệt quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, và đây là cơ hội rất lớn cho sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, các nhân sĩ, trí thức, mọi người dân được tham gia vào quá trình phát triển của thành phố.
“Vốn đầu tư của khu vực tư nhân, từ chỗ có tỷ trọng thấp nhất, nhưng từ 12 năm nay đã trở thành nguồn vốn lớn nhất trong tổng đầu tư hàng năm của thành phố. Trong đó, mới nhất năm 2015 kinh tế tư nhân chiếm đến 65,1%, kinh tế nhà nước chỉ duy trì ở mức 19,9%”. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cơ cấu như vậy cho thấy sự đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng trở nên quan trọng và nếu biết phát huy tài nguyên này sẽ giúp quy mô thành phố còn có thể phát huy hơn nữa trong thời gian tới đây.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp (Ảnh: Hồng Phúc).
Bên cạnh đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận thực tế từ 10 năm nay, tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng vốn đầu tư hàng năm của thành phố thấp hơn tỷ trọng của cả nước.
Cụ thể, trong giai đoạn 1997 – 2015 thì tổng thu hút FDI của TP HCM chỉ chiếm 17,5%, trong khi trung bình cả nước là 24,4%. “Vì sao thành phố thu hút FDI thấp hơn bình quân cả nước? Làm sao tăng thu hút vốn FDI?”, ông Nguyễn Thiện Nhân đặt ra các câu hỏi đề nghị sự tham vấn của giới trí thức.
Các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề rác thải, kẹt xe và tình hình tội phạm gia tăng tại TP HCM được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ với các đại biểu trí thức, mong muốn có sự tham vấn. Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, khối lượng chất thải của thành phố đang ngày càng gia tăng, dự báo đạt gần 13.000 tấn/ngày và 4,7 triệu tấn/năm vào năm 2025.
Kỳ vọng rất lớn vào tân Bí thư
Trong lần đầu tiên gặp gỡ, tiếp xúc và được nghe GS TS Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM nói chuyện, đông đảo đại biểu trí thức thành phố đã bày tỏ kỳ vọng cho một giai đoạn phát triển mới.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đại biểu trí thức thành phố bên lề buổi gặp gỡ. (Ảnh: Hồng Phúc).
NGND GS TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch các Hội Liên hiệp KH-KT TP HCM tin tưởng: “Đồng chí tân Bí thư Thành ủy sẽ có nhiều tân chính sách, chỉ đạo mới, tạo ra làn gió mới cho hoạt động khoa học kỹ thuật và quan tâm hơn nữa đến đội ngũ trí thức của thành phố”.
Ông Giao nói, hiện nay TP HCM đang tập hợp hơn 60.000 các nhà khoa học thành viên, trong đó có nhiều nhà khoa học hưu trí và lớn tuổi. Nhưng lâu nay, theo ông Giao thì các nhà khoa học lớn tuổi gần như bị coi như “hết đát” và cũng ít có sự quan tâm tham vấn ý kiến, mặc dù đội ngũ này vẫn còn rất nhiều sức sống, cống hiến tâm huyết nếu được khuyến khích bằng chính sách phù hợp.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao bày tỏ, gặp lại GS TS Nguyễn Thiện Nhân, là một nhà khoa học, một đồng nghiệp, nhưng nay trong một vai trò mới, nên tin tưởng giới trí thức thành phố sẽ có đóng góp nhiều hơn nữa những góp ý, tham vấn cho các quyết sách quan trọng của thành phố trong thời gian tới đây.
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Cường nói, xe cá nhân hiện nay đang là tác nhân gây kẹt xe trên địa bàn thành phố. Ông góp ý thành phố nên có lộ trình cụ thể, từ nay đến 2030 phải có hướng xử lý cụ thể đối với các phương tiện giao thông này để giảm kẹt xe.
Ông Lê Anh Tuấn, đại diện một DN cơ khí tự động hóa cho biết, khó khăn của công tác nghiên cứu tại các trường ĐH hiện nay khi đưa ra thực tế sản xuất thì còn hạn chế, còn một khoảng cách do chưa hoàn thiện công nghệ. Nên chăng, chính quyền thành phố, trực tiếp là Sở KH-CN cần tạo điều kiện cho các DN tham gia vào công tác nghiên cứu, để thu hẹp dần các khoảng cách nêu trên, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành kinh tế đột phá.
Ông Trần Hữu Đoàn, Tổng giám đốc Công ty Việt Sin góp ý, đúng như nhận định của Bí thư Thành ủy TP HCM khi nhận xét khối DN tư nhân hiện nay đang ngày càng đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế thành phố.
Theo ông Đoàn, TP cần tiếp tục khuyến khích nhiều hơn cho khởi nghiệp, thì chỉ trong khoảng 5 năm nữa thôi, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều hơn thành công, với đội ngũ các start-up, CEO lớn mạnh.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, GS TS BS Lưu Đình Kiệt cho biết, ông đã tham gia rất nhiều cuộc họp cả cả cấp Liên Hiệp hội, lẫn các hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo thành phố, nhưng ông chỉ lắng nghe, chưa phát biểu.
Tuy nhiên, lần này bài nói chuyện của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân rất ấn tượng đối với ông. Phát biểu trước Hội trường, GS Kiệt góp ý về phát triển nghiên cứu về tế bào gốc và khuyên chính quyền TP HCM nên phát triển công nghiệp tế bào gốc. “Chúng tôi đã làm việc với Khu công nghệ cao, lần này góp ý thêm là nên chăng có tập hợp liên kết nào đó để phát triển công nghiệp tế bào gốc, mà sẽ rất hữu ích đối với lĩnh vực y tế”.
GS TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM, Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ TP HCM nói, đang có sự thâu tóm thị phần giáo dục của các trường nước ngoài đối với các trường ĐH trong nước, gần giống như sự thâu tóm của các DN nước ngoài đối với lĩnh vực bán lẻ nội địa thời gian qua. GS Phong đề nghị ngành giáo dục thành phố cần có các chỉ đạo,
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP chia sẻ, hiện nay TP HCM đã xây dựng, ban hành các chính sách nhằm phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận thời gian qua việc tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh đối với lĩnh vực sáng tạo KH-CN còn hạn chế.
Hiện nay TP đang thu hút được hơn 12.000 nhà khoa học trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ứng dụng công nghệ nano, hệ thống thông tin tích hợp về biến đổi khí hậu, quản lý ô nhiễm môi trường.
“Muốn phát triển, nâng tỷ trọng vốn con người trong cơ cấu giá trị sàn phẩm thì không có cách nào khác là thành phố phải đi lên từ đổi mới sáng tạo. Vấn đề còn lại là thành phố làm thế nào để tận dụng được các nguồn chất xám sẵn có, cũng như thu hút thêm trí thức ở các địa phương khác về cống hiến cho thành phố”, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, phương châm của thành phố tới đây, sẽ không nói suông, mà sẽ đặt hàng các trí thức thành phố góp ý, tham vấn cho các vấn đề lớn của thành phố.
“Làm thành phố văn minh, chúng tôi xác định là phải có nhiều đầu mối. Chúng ta sẽ làm mà không “sờ, coi” nữa, nhất là kinh nghiệm của nước ngoài, chúng tôi sẽ tranh thủ những kinh nghiệm quý báu này để tranh thủ đưa kinh tế - xã hội thành phố đi lên”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Cùng ngày (28/5), Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo thành phố đã đến thăm và làm việc với Đài Truyền hình TP HCM (HTV) và Báo Sài Gòn Giải phóng.
Sau buổi gặp gỡ đại biểu trí thức TP HCM, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã chuyển các phiếu lấy ý kiến trực tiếp đội ngũ trí thức góp ý trực tiếp cho Bí thư TP HCM. Phiếu lấy ý kiến, với câu hỏi duy nhất “Anh/chị dự buổi gặp gỡ và trao đổi giữa đồng chí Bí thư Thành ủy với đại biểu trí thức TP HCM, ngày 28/5/2017?. Sau câu hỏi, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu các gợi ý: Trên cơ sở thực tiễn thành phố, kinh nghiệm của bản thân và gợi ý trao đổi của đồng chí Bí thư Thành ủy (tài liệu đính kèm), anh/chị có đề xuất gì với lãnh đạo thành phố để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng đáng hơn với vị trí và tiềm năng của thành phố, sự quan tâm của Đảng và chờ đợi của nhân dân. Ý kiến của anh/chị xin gửi lại Ban Tổ chức buổi gặp (trân trọng cảm ơn!). |