Biến bãi giữa sông Hồng thành công viên

Phạm Sỹ 12/07/2023 07:52

UBND TP Hà Nội đã cho phép 4 quận của thành phố nghiên cứu các bước về Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng”. Điều đó đem tới hy vọng Hà Nội có thêm một không gian xanh.

Mùa nước cạn, nhiều người Hà Nội tới nghỉ ngơi tại bãi giữa sông Hồng. Ảnh: Ngô Nhung.

Nhiều kỳ vọng

UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho phép 4 quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu đề án.

Ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, đề án nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế, tiềm năng cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan và là bước cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) đã được UBND thành phố phê duyệt tại quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2023.

“Đây cũng là một trong những đề án hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện ích, các không gian nền tảng, nhằm tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, đây cũng sẽ tạo nên cơ hội khơi gợi các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hóa - lịch sử trong hình thành mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội mà còn cho cả nước” - ông Tùng nói.

Đối với công viên tại bãi giữa sông Hồng thuộc khu vực địa bàn 4 quận là Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ, Ba Đình phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Khu vực này định hướng phát triển các công viên cây xanh chuyên đề, nông nghiệp, du lịch thu hút các hoạt động kinh tế phục vụ du lịch. Dựa trên nguyên tắc phục hồi công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng phục vụ dân cư.

Theo ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đề án “Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng” là một ý tưởng hay, tránh được lãng phí đất đai. Trong điều kiện vui chơi giải trí của thủ đô ngày càng ít mà mật độ dân số ngày càng đông thì công viên văn hóa đa năng là rất cần thiết. Còn KTS Lê Phước Anh - Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, bãi giữa sông Hồng vốn là một khu đất bị bỏ hoang khá lâu. Bây giờ có dự án được đầu tư sẽ góp phần mở rộng phạm vi, tạo thêm không gian vui chơi, người dân được hưởng thụ. Bên cạnh đó còn góp phần tăng thêm nguồn thu cho thành phố.

Bãi nổi sông Hồng khu vực cầu Long Biên. Ảnh: Nguyễn Minh Tiến.

Vướng mắc và tháo gỡ

Mặc dù đề án biến bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa rất được các cấp ngành, chuyên gia và người dân kỳ vọng; nhưng vẫn có nhiều băn khoăn, lo lắng về khả năng chống lũ của sông cũng như tình trạng xói lở có thể gia tăng, ẩn chứa nguy cơ cao khi có mưa lũ. Bên cạnh đó là những vấn đề pháp lý liên quan đến quy định của Luật Đê điều.

Một số ý kiến cho rằng nếu xây dựng các công trình ở lòng sông, vô tình sẽ ngăn dòng, nghẽn lại, gây ra xói lở 2 bên bờ sông ở phía sau công trình. Mặt khác, địa chất ở các bãi bồi ở lòng sông chỉ toàn cát, không có đá, nên rất yếu. Việc xây dựng các công trình trên đó là không ổn. Cùng với đó là đặc điểm của vùng đất ở ven sông, giữa sông, trong phạm vi hành lang lũ 100 năm là đất phù sa mới, chưa cố kết nên nhìn chung là yếu.

Nói về những khó khăn trong việc thực hiện đề án, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016: Khu vực bãi giữa, bãi bồi không thuộc danh mục được phép xây dựng (phụ lục IV) hoặc được nghiên cứu xây dựng (phụ lục V). Do vậy, việc nghiên cứu và triển khai đề án liên quan đến sử dụng bãi sông phải đảm bảo đủ các điều kiện: Không gây cản lũ, làm mất không gian chứa lũ; không ảnh hưởng đến dòng chảy hoặc bị nguy hiểm, mất an toàn; không gây tổn thất về người và tài sản khi có lũ lớn; không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước; tuân thủ các quy định của Luật Đê điều. Đó cũng chính là những khó khăn trong công tác nghiên cứu và triển khai dự án trong thời gian tới.

Còn theo KTS Lê Phước Anh, cần cố gắng giữ tối đa những đặc tính đang có. Nếu biến thành một trung tâm quá nhân tạo, quá xô bồ… nếu đề án chỉ là giải quyết bài toán sử dụng đất, hiệu quả kinh tế là không ổn. Phải có sự cân đối hài hòa về lịch sử văn hóa, sinh thái.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sông Hồng là sông có nhiều biến đổi về dòng chảy, nếu không nghiên cứu cặn kẽ về dòng chảy, chúng ta sẽ khó có thể khai thác bãi giữa một cách hiệu quả, an toàn. Để đảm bảo bền vững khai thác bãi giữa sông Hồng, không phải chỉ có một quận, không chỉ có riêng Hà Nội mà còn ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, nên rất cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý của nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến bãi giữa sông Hồng thành công viên