Là một biên đạo múa có nhiều đóng góp quan trọng trong nền nghệ thuật Việt Nam, hiện đang giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, đồng thời thường trực ngồi ghế ban giám khảo cho các hội diễn, hiện Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly đang tham gia chấm điểm trong “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2018” đang diễn ra tại Cao Bằng.
Chị chia sẻ về ý nghĩa của huy chương qua các kỳ hội diễn và danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân mà nhiều người mong muốn đạt được:
Biên đạo múa/ NSƯT Trần Ly Ly.
1. “Huy chương thì trong các đoàn tham gia hội diễn, ai cũng mong có được. Đó là quá trình làm việc, lao động của cả một tập thể cùng nỗ lực của mỗi cá nhân. Con người luôn hướng tới về việc có một mục đích, mục tiêu cụ thể và hành động để đạt tới. Nên huy chương được coi như một cái đích, một kết quả cụ thể sau toàn bộ quá trình các nghệ sĩ cùng nhau làm việc.
Tuy nhiên, huy chương cũng chỉ là một mức độ để xác nhận hữu hình cho thành quả thôi, chứ không phải là giá trị quan trọng nhất. Với một nghệ sĩ, quan trọng là sáng tạo ra một tác phẩm đẹp thông qua “câu chuyện muốn kể”, giàu hình tượng nghệ thuật, tạo ra cảm xúc và liên kết được cảm xúc này đến với người xem”.
“Tôi đang tham gia nhiệm vụ trong ban giám khảo tại “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2018” đợt 1, đang diễn ra ở Cao Bằng, thấy các đoàn tham gia đều hết sức cố gắng. Hướng tới việc lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc.
Việc cố gắng, quyết tâm và nghiêm túc từ các đoàn lần này được đánh giá rất cao.
Trong đó, rất quan trọng là việc định hướng nghệ thuật, chỉ đạo nghệ thuật của trưởng đoàn cũng như của tổng đạo diễn tạo ra kết quả.
Giá trị và chất lượng nghệ thuật ảnh hưởng bởi những người đứng đầu, của người chèo lái con thuyền nghệ thuật đó hướng về đâu, đi đâu.
Các nghệ sĩ, diễn viên tham gia trình độ không chênh lệch nhau mấy, nhưng chịu ảnh hưởng dẫn dắt từ người “chèo lái” tạo ra các kết quả khác nhau, nên việc chấm điểm, trao huy chương cũng cần hết sức cân nhắc.
Để có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân thì huy chương được coi là yếu tố “cứng” theo quy định xét duyệt. Không có huy chương thì biết căn cứ vào đâu để xét duyệt.
Từ một hội diễn chuyên nghiệp, với những đoàn và nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia, thì cần có huy chương là một giá trị để xét.
Để có được huy chương thì ngoài tài năng cống hiến mỗi người lại cần những yếu tố may mắn vây quanh.
Một vở diễn khi tham gia vào không gian đó, thời điểm đó, trong bối cảnh đó, nằm trong cả chương trình đó thì rất hay và phù hợp, nhưng sang không gian, thời điểm, bối cảnh, chương trình… khác thì lại kém hay đi.
2. “Lần này, trong hội đồng chấm giải có nhiều đổi mới, trong đó là việc mời tôi hay nhạc sĩ Hồ Hoài Anh. Chúng tôi là những người còn trẻ, được học hành cẩn thận bài bản, có nhiều hoạt động nghệ thuật trong xã hội, không bị bó hẹp trong một khung nào, có tác phẩm nghệ thuật nhất định với hướng tư duy mở.
Bên cạnh những “cây đa cây đề” với tư duy rất văn minh cho tư tưởng: các tác phẩm có giá trị nghệ thuật hướng tới cộng đồng và với chất liệu ấy, thì sáng tạo tác phẩm như thế nào để cho hay.
Điều đó có thể thấy được việc quan tâm, đầu tư đến chất lượng nghệ thuật và các tác phẩm cần tạo ra giá trị của ban tổ chức.
Bàn đến chuyện tiêu cực để có tấm huy chương, với tôi đây là việc khá tế nhị. Tuy nhiên, có thể nói trước nay cũng có nghệ sĩ mong muốn tiếp cận với ban giám khảo. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tiếp cận được.
Với người họ vững vàng trong tư duy, coi trọng danh dự bản thân, thì tiếp cận cũng vô nghĩa. Bản thân tôi quý trọng thương mến anh chị em, nhưng không làm thay đổi được quyết định chấm thi của tôi.
Khi một người đã có trong đầu tư duy suy nghĩ định hình rõ ràng trong nghệ thuật và hướng tới việc tìm kiếm những sáng tạo trong nghệ thuật, tìm kiếm đỉnh cao trong nghệ thuật, thì “tấm huy chương” cũng không phải là điều cần thiết nữa.
Trong liên hoan này, với tôi, các đoàn tham gia đều dễ thương lắm, giàu tự trọng và tôn trọng việc chấm của ban giám khảo. Tuy nhiên cái “gu” của giám khảo cũng rất quan trọng”.
3. “Là một nghệ sĩ trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân đến một lúc nào đó có quan trọng.
Danh hiệu là cần để tiếp tục làm việc và có điều kiện làm việc tốt hơn.
Thực ra muốn phát triển con đường nghệ thuật thì cứ đơn giản là tập trung vào đó thôi.
Còn trong trường hợp có điều kiện tham gia các hội diễn, liên hoan chuyên nghiệp để đạt huy chương, từ đó để xét duyệt danh hiệu cũng rất là nên.
Có người nghĩ, có danh hiệu hay không thì không cần thiết bằng việc cống hiến cho xã hội.
Nhưng cống hiến đến lúc nào đó tại sao không đạt một danh hiệu để làm việc… Cái này cũng tùy vào lựa chọn của mỗi nghệ sĩ.
Việc không danh hiệu và có danh hiệu do nhà nước trao tặng, có ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của nghệ sĩ của các đoàn tỉnh.
Ở tỉnh điều kiện môi trường làm việc hẹp hơn, tập trung đánh giá nghệ sĩ trên huy chương, danh hiệu và lấy đó làm căn cứ, nên việc có danh hiệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để nghệ sĩ làm việc.
Còn ở trung ương, không có việc này thì vẫn có việc khác để làm, thậm chí là luôn rất bận rộn, có danh hiệu hay không cũng không phải ảnh hưởng lớn lắm bằng sự cống hiến của nghệ sĩ cho nghệ thuật, việc công chúng biết đến và công nhận.
Nhiều nghệ sĩ cả đời mình tận hiến cho nghệ thuật, được công chúng mến mộ, tuy nhiên, nhiều người không đủ tiêu chuẩn huy chương để được phong tặng danh hiệu theo quy định, theo tôi nên có hội đồng đặc cách dành cho các nghệ sĩ này.
Họ không có huy chương vì họ không thuộc đoàn nào và cũng không tham gia thi, nhưng cả quá trình dài họ đã có rất nhiều cống hiến và được xã hội công nhận.
Do huân chương là điều kiện cứng để xét duyệt danh hiệu mà bản thân các nghệ sĩ này không có, vậy phải xét trên căn cứ nào?
Thực ra căn cứ đều do con người tạo ra, các giá trị mà những nghệ sĩ này đã mang lại không thể phủ nhận, thì cần một hội đồng những người xét duyệt đủ trình độ chuyên môn, đủ tài năng, đủ công tâm để xét đặc cách.
Tuy nhiên, để được xét danh hiệu đặc cách thì vẫn cần có một cơ quan, một tổ chức, một hội đồng xét duyệt và đề cử, ví dụ như Sở Văn hóa quản lý nghệ sĩ”.