Bận rộn với đủ vai trò, là Phó hiệu trưởng Trường múa TP HCM, là biên đạo, đạo diễn, giảng viên đầy tâm huyết và là giám khảo của nhiều cuộc thi lớn trên truyền hình, biên đạo múa Trần Ly Ly có những khi mang cảm giác không thở nổi, khi chạy đua với thời gian.
Biên đạo múa Trần Ly Ly.
Trong lúc đang là giám khảo của Cuộc thi Hoa hậu bản sắc Việt tại Seatle – Mỹ, biên đạo múa đã tranh thủ thời gian ít ỏi đi thăm thú vài nơi, và đã “nhảy dù tại Houston! Lần đầu. Chỉ có thể nói: “bạn nên làm điều này một lần trong đời”! Trần Ly Ly là người đam mê thử nghiệm, từ trong cuộc sống, đến các vở múa. Công chúng biết đến Trần Ly Ly, trước hết là những vở múa đương đại do chị làm biên đạo. Từ những tác phẩm của mình, Trần Ly Ly đã mang hơi thở nội tâm cá nhân, hoà vào rung động đời thường, trừu tượng hoá các cảm xúc thông qua những cử động hình thể. Âm nhạc, ánh sáng, màu sắc, đạo cụ, trang phục, từng nét biểu cảm diễn viên, được chăm chút kỹ lưỡng mỗi chi tiết. Trần Ly Ly đã tạo ra phong cách riêng của mình qua từng vở múa, và chị cũng nghiêm khắc đòi hỏi sự chu toàn, khơi gợi lòng đam mê nghề với học trò của mình.
Tinh Hoa Việt trò chuyện với Trần Ly Ly trong những ngày chị đang ở Mỹ, vô cùng bận rộn với lịch làm việc dày đặc. Nhiều nét mệt mỏi đã in trên khuôn mặt và đôi mắt của chị.
Làm giám khảo cho các cuộc thi liên quan đến vũ đạo, múa trên truyền hình, và hiện đang chấm điểm cho Cuộc thi Hoa hậu bản sắc Việt với chị ra sao?
- Cũng áp lực đấy. Vì nó rất khác.
Những công việc giữa ồn ào, náo nhiệt ấy có ảnh hưởng tới cảm xúc, sự an tĩnh khi sáng tác tác phẩm múa mới không?
- Tôi phải học cách phân thân.
Múa mang lại cho chị điều gì, lấy đi của chị những gì?
- Múa mang lại cho tôi tất cả, danh tiếng, tiền bạc, sự đam mê, lòng nhiệt huyết, sự hứng thú và tình yêu của mọi người đối với tôi. Chả lấy của tôi điều gì. Nếu lấy đi chắc lấy tất cả cả thể xác lẫn tâm hồn.
Tình yêu của chị dành cho múa?
- Ai sống cũng phải thở. Múa đối với tôi như hơi thở. Hơi thở thì ko thể thiếu được.
Trong quá trình tập luyện cho ra một vở mới, chị gặp những khó khăn hay thuận lợi gì?
- Khó khăn vì tôi phải suy nghĩ nhiều. Chắc ai làm sáng tác cũng thế thôi. Tôi yêu cầu cao và cực đoan trong tác phẩm.
Thuận lợi là từ nhạc sĩ, diễn viên múa và các bạn bè ủng hộ lắm.
Suy nghĩ, cảm xúc của chị qua từng tác phẩm chị đã biên đạo?
- Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần. Đặc biệt lắm đầy ký ức.
Nhắc về ký ức đó, tôi tò mò muốn biết trong ấy có gì, và nhất là với tuổi thơ của một biên đạo múa các tác phẩm múa đương đại?
- Tuổi thơ tôi êm đềm trong những bài nhạc cổ điển của Tchaikosky của Bethoven, Bizet, Travinsky... với những vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga, Digelle, Spartact... của đồng lúa vàng với những cánh đồng trải dài với Trường múa Việt Nam và Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam. Với những người nghệ sĩ thanh cao và mộng mị, nhiều hoài bão.
Biên đạo múa Trần Ly Ly.
Vậy trong ký ức đó, có gì báo hiệu về việc cuộc đời chị sau này gắn bó với múa không?
- Bố tôi là giảng viên múa Ballet, sau này là Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam – Nhà giáo Nhân dân Trần Quốc Cường. Ông đã dành cả đời mình cống hiến cho ngành múa Việt Nam. Học trò của ông nay đã thành những người trụ cột như NSND. Phạm Anh Phương, giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam; NSND. Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường Múa TP. HCM, NSND. Đặng Hùng -Vương Linh - Giám đốc Nhà hát Bông Sen và rất nhiều người khác. Mẹ tôi là diễn viên Ballet cùng thời với NSND. Kiều Ngân và NSUT Lê Vân. Sống với gia đình như thế tôi nặng lòng với Múa.
Chị đã đến với múa và biên đạo múa như thế nào?
- Tôi yêu múa từ bé. Múa đối với tôi như hơi thở. Rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng và vô cùng bản năng. 10 tuổi, tôi dự tuyển vào trường múa. Cứ thế ở đó 8 năm. Khổ luyện, miệt mài. Ngày qua ngày cố gắng. Nhưng không phải là không có sóng gió. Có những khi nội tâm tôi nổi sóng và có ý định chuyển sang nghề khác để có cơ hội hơn cho mình. Kiếm được nhiều tiền hơn, được xã hội trọng vọng hơn. Vì nghề múa vất vả lắm!
Nghề múa đúng là cần khổ luyện, và quá trình ấy diễn ra trong thời gian bao lâu?
- Khổ luyện 8 năm tại trường múa, tốt nghiệp bằng đỏ. Miệt mài học để thi học bổng của chính phủ Úc. Sách vali đi du học một mình tại Úc lúc 19 tuổi. Xa gia đình và bạn bè. Ngày đầu tiên đến Úc không một người thân, không biết đường xá, xe cộ. Văn hóa và văn minh khác làm tôi cảm thấy mình thật cô độc. Tốt nghiệp về nước lại sang Pháp làm việc. Rồi trở về. Tôi yêu Việt Nam nên chọn học tiếp cao học Văn hóa học và bây giờ học Nghiên cứu sinh Nghệ thuật học.
Cả một quá trình dài, bằng cả đời người, vậy mà chị chọn đến với múa đương đại, khi ấy thể loại này còn khá xa lạ?
- Múa Ballet rất khoa học có nhiều niêm luật nhưng với những người có cơ thể không dành cho Ballet thì trở nên vô cùng khó khăn. Hơn nữa "phá vỡ" thay đổi, làm mới các hệ thống luật ấy để xây dựng một luật khác mà sự tự do trong suy nghĩ, trong luật động, trong hình thức và cách thể hiện được phát triển một cách mạnh mẽ, đa dạng là điều cần thiết. Đây là xu hướng phát triển mới trên toàn thế giới. Là sự tất yếu của phát triển và tất yếu của thời gian.
Tôi cảm thấy múa đương đại rất hay, rất đa dạng, phong phú. Nó phù hợp với suy nghĩ luôn đổi mới của tôi. Tôi vốn thích sự tìm tòi, khai thác, phá vỡ và biến đổi.
Múa đương đại được phép thể hiện tính cá nhân cao, cái tôi của từng tác giả. Được khai thác triệt để không gian và thời gian, thể loại âm nhạc, ngôn ngữ và hình thức biểu diễn.
Tôi đã từng xem tác phẩm múa đầu tay của chị - “Một ngày”? Ý tưởng ra đời, quá trình tập luyện? và sau khi tác phẩm nhận được sự yêu mến của công chúng, chị có cảm nghĩ, cảm xúc gì?
- Đó là một tác phẩm rất trong sáng, đẹp và đầy tình người qua lăng kính của tôi lúc 26 tuổi. Tác phẩm nói về nhịp sống, những mảnh ghép của cuộc sống. Nói về Hà Nội, về tình yêu của tôi đối với Hà Nội. Tình yêu không phải chỉ dừng lại ở cái đẹp theo lẽ thông thường, tôi yêu cả cái xấu, cái đặc trưng của Hà Nội vào năm 2004. Hà Nội của tôi qua miền kí ức, qua con người, qua cả vệt nắng, cả những sự chằng chịt của dây điện, của sự đông đúc phức tạp giao thông. Của những chữ in trên tường quảng cáo. Của cả những người bạn đồng tính khao khát tình yêu. Cả nỗi thống khổ của tôi - sự cô độc. Cả những ô cửa sáng đèn nhà tập thể... tất cả đó ở trong "Một Ngày".
Về tác phẩm “Cuộc sống trong chiếc hộp” thì sao?
- "Cuộc sống trong chiếc hộp" là tác phẩm tôi muốn làm và làm khi bố tôi mắc bệnh ung thư. Tôi hoang mang và rất bế tắc. Tôi muốn khai thác nội tâm sâu sắc của mỗi con người. Nhưng tác phẩm đi quá xa với thị hiếu nghệ thuật lúc đó. Giờ tôi đánh giá là thất bại mặc dù tôi thích nó. Trong tác phẩm này diễn ra nhiều cuộc nói chuyện nội tâm. Những cuộc nói chuyện về bản chất của sự hoang mang trong suy nghĩ. Chứng hoang tưởng. Vì tôi bị ảnh hưởng của phim " Beautiful Mind". Tôi nghĩ tất cả những người bị bệnh nặng đều nói chuyện với bản thân mình như thế.
Các tác phẩm múa sau này của chị ngày càng thiên về khai thác nội tâm theo tầng bậc khác, đi sâu vào cảm nhận tâm linh?
- Vâng, có thể kể đến "Sự thức tỉnh" - 2010, " Thiền" - 2012, "Hóa vàng" - 2013, "7x" - 2014, "Sắc sắc không không" - 2015.
Đằng sau những vở múa, những bước đi ngày một sâu vào thế giới tinh thần, một ngày của Biên đạo múa Trần Ly Ly hiện nay đang diễn ra thế nào?
- Luôn bận vì nếu không có công việc hoặc điều gì làm tôi bận tâm, tôi sẽ ốm. Tôi thích sự vất vả.
Vậy hẳn là chị có nhiều dự định, đặc biệt là với múa, tình yêu lớn trong đời chị?
- Dự định nhiều lắm. Như dự định là mỗi năm làm một vở. Không ngừng sáng tạo và đem đến cho mọi người những điều thú vị, những giá trị cuộc sống.
Tôi đã làm một Varity show là show tổng hợp tạp kĩ tại 87 Láng Hạ tên là Ionah viết ngược của Hà Nội. Tôi nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật giải trí song song với tác phẩm khác trong thời gian này.
Xin cảm ơn chị và chúc chị hiện thực hoá và đi đến đích mọi dự định.