Thông tin từ truyền thông Hoa Kỳ ngày 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Aston Carter sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh châu Á tại Singapore. Cùng đi với ông Carter tới Diễn đàn Đối thoại Shangri-la năm nay, phái đoàn Hoa Kỳ còn có Chỉ huy các lực lượng Hải quân, Đô đốc John Richardson và Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris. Ông Carter cũng có kế hoạch hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Gen Nakatani bên lề hội nghị tại Singapore.
Trước những diễn biến trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua, Diễn đàn Đối thoại Shangri-La sẽ là nơi bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh các quân đội và chuyên gia quân sự các nước ở khu vực và trên thế giới thảo luận về những vấn đề an ninh liên quan.
Kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hồi tháng 2/2015, ông Carter đã đưa ra quan điểm cứng rắn đối với các hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Tại cuộc Đối thoại Shangri-la hồi năm ngoái, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng lên tiếng chỉ trích các hoạt động bồi lấp, cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông và mới cuối tuần trước ông đã đưa ra nhận xét rằng Trung Quốc đang có nguy cơ dựng lên một Vạn lý Trường thành tự cô lập. Thời gian qua, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng như các bên liên quan phản ứng về việc chính quyền Bắc Kinh tìm cách đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc đầu tháng 5 cho biết, Trung Quốc đã cải tạo thêm 1.300 ha đất tại 7 khu vực mà nước này đang chiếm giữ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo TS. Tim Huxley- Giám đốc khu vực châu Á thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề nóng tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-la lần này. Đối thoại Shangri-la đã và sẽ là cơ hội để Bộ trưởng Quốc phòng cũng như quan chức quân đội, an ninh của các nước châu Á - Thái Bình Dương và những nước liên quan thảo luận với những cố vấn, chuyên gia phi chính phủ hàng đầu trong lĩnh vực này để từ đó làm rõ những chính sách an ninh quốc gia, những khác biệt về quan điểm và tìm ra lĩnh vực tiềm năng hợp tác. Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên họp chuyên biệt, bên lề Đối thoại Shangri-la sẽ diễn ra hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương và đa phương giữa phái đoàn quan chức các nước. Những cuộc gặp này là cơ hội để các bên tăng cường hiểu biết và hợp tác an ninh quốc phòng trong khu vực.
Đối thoại Shangri-la năm nay diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5/6 quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh, quốc phòng từ hơn 30 nước, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định sẽ tham dự, bao gồm các nước Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Phái đoàn Trung Quốc tham dự hội nghị lần này cũng được đánh giá là hùng hậu khi trưởng đoàn tiếp tục là Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến phát biểu trong ngày họp đầu tiên (4/6). Trong khi trưởng đoàn Trung Quốc Tôn Kiến Quốc sẽ phát biểu trong ngày họp thứ hai (5/6), cũng là ngày diễn ra phiên toàn thể với chủ đề “Những lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc”.
Bên cạnh tình hình Biển Đông, một mối quan tâm lớn khác của các nước tại Đối thoại Shangri-la lần này là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa từ đầu năm đến nay. Một số vấn đề an ninh mới của khu vực, như sự xuất hiện và len lỏi của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại một số nước Đông Nam Á, nạn cướp biển, đánh bắt cá trái phép…