Biển Đông và người Việt

Nguyễn Văn Toàn 28/04/2020 09:35

Qua nhiều bằng chứng, tổ tiên người Việt trong thời kỳ Nhà nước Văn Lang đã ngang dọc Biển Đông. Trong khi đó, văn hóa Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoàng Hà trở lên phía bắc châu Á, hoàn toàn không có ý niệm Biển Đông gắn liền trong văn hóa khởi nguyên.

Biển Đông và người Việt

Mặt trống đồng Đông Sơn.

Văn hóa biển từ ngàn xưa

Đầu tiên, điều này thể hiện bởi các nền văn hóa biển nổi tiếng thời tiền sử - sơ sử tại Việt Nam là: Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Hạ Long… với những di chỉ “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp”. Theo “Lĩnh nam chích quái”, Lạc Long Quân - Tổ Phụ của dân tộc Việt là người có công diệt Ngư tinh vùng Biển Đông để nhân dân được an cư lạc nghiệp. Sau đó, cũng chính Lạc Long Quân đã dẫn các con về miền biển để làm chủ Biển Đông. Lạc Long Quân đã nói với Tổ Mẫu người Việt Âu Cơ rằng “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. Một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ sau này lập ra Bách Việt. Riêng người con trai trưởng lập nên nhà nước Văn Lang. Bởi thế dân gian Việt Nam mới có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”.

PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) nhận định: “Thời Đông Sơn thể hiện rất rõ, cư dân Đông Sơn phải chiếm lĩnh được biển họ mới giao thương, trao đổi được các trống đồng”. Trên thực tế, trống đồng không chỉ hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam, mà còn được phát hiện ở phía nam Trung Hoa, ở Nhật Bản và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…

Hiện nay, tộc người Minangkabau ở Indonesia - theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Việt Nam và Indonesia - có nguồn gốc từ người Việt. Người Minangkabau cũng có tục nhuộm răng và có nhiều thói quen sinh hoạt tương đồng với người Việt như “miếng trầu là đầu câu chuyện”, khách đến nhà sẽ được chủ nhà mời trầu cau. Vì sao có sự tương đồng kỳ lạ này? Đó là do một bộ phận người Việt cổ đã vượt Biển Đông để đi chiếm lĩnh vùng đất mới, mở mang lãnh thổ cư trú và phát triển giống nòi của dân tộc mình.

Trong khi đó, văn hóa Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoàng Hà trở lên phía bắc Châu Á, hoàn toàn không có ý niệm Biển Đông gắn liền trong văn hóa từ khởi nguyên. Bởi vùng nam sông Trường Giang là thuộc lãnh thổ của Bách Việt. Bách Việt có nghĩa là “một trăm nước Việt”. Đây mới chính là chủ nhân của nền văn hóa vùng sông Trường Giang xuống phía nam. Và Việt Nam lại là hậu duệ của Bách Việt. Đặc biệt, các bản đồ của Trung Quốc trước đây cũng chứng minh vùng biển của Trung Quốc chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam.

Bởi vậy, Việt Nam là chủ nhân văn hóa của Biển Đông từ ngàn xưa. Trên thực tế, Việt Nam có bờ biển giáp Biển Đông dài hơn 3.200 km với gần 3.000 hòn đảo và một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2. Lễ hội biển cũng xuất hiện khắp mọi nơi ở nước ta như Hội lễ Bạch Đằng (Quảng Ninh), Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Lý Sơn, Quảng Ngãi); Hội lễ Yến Sào (Nha Trang, Khánh Hòa); Lễ Cúng biển Mỹ Long (Sóc Trăng)… và các lễ hội Cầu Ngư, Nghinh Ông nhiều tỉnh thành khác.

Lịch sử nước ta đã ghi nhận nhiều trận chiến đánh tan những đội quân xâm lược hùng mạnh trên Biển Đông. Trận Vân Đồn (Quảng Ninh), nơi Trần Khánh Dư tiêu diệt đội thuyền lương Trương Văn Hổ của quân Nguyên Mông là trận đánh trên biển mẫu mực. Sau đó, để bảo vệ vùng đất liền ven biển và biển đảo chiến lược hiểm yếu của Tổ quốc, ngoài quân bộ (bộ binh, kị binh), nhà Trần còn tổ chức một đội quân thuỷ tinh nhuệ, đặt tên là Bình Hải quân, đóng đại bản doanh ở vùng bây giờ là khu vực đảo Quan Lạn (Vân Đồn – Quảng Ninh). Năm 1312-1313, cùng với Trần Quốc Chẩn và Đoàn Nhữ Hài trên bộ, Trần Khánh Dư mang thuỷ quân từ Vân Đồn vào tận bờ biển phương Nam để đánh Chiêm Thành đang có âm mưu xâm lược nước ta. Trong trận này, với sự phối hợp thuỷ bộ tài giỏi, quân đội nhà Trần thắng lớn. Bên cạnh đó, vào năm 1585, ở Đàng Trong, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên khi ấy còn là một hoàng tử, đã đánh tan một đội tàu chiến 6 chiếc của Nhật Bản đến cướp bóc vùng ven biển Cửa Việt (Quảng Trị) và chúa Nguyễn Phúc Lan đã đánh bại một đội tàu của Hà Lan gây hấn ở cửa Eo (cửa Thuận An, Huế) vào năm 1644. Hải quân các chúa Nguyễn còn đánh thắng tàu chiến Anh sang gây hấn, quét sạch mọi loại giặc biển đến từ Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan...

Biển Đông và người Việt - 1

Thuyền của người Việt cổ vượt biển vào thời đại Hùng Vương (hoa văn trên trống đồng).

Chủ quyền hiển nhiên

Vào thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn, cứ vào tháng 2 đội Hoàng Sa và Bắc Hải (hoạt động khu vực phía Nam đến tận biển Hà Tiên) lại xuất hành gồm 5 chiến thuyền ra Bãi Cát Vàng (gồm Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay) thu nhặt hóa vật của tàu bị nạn, tìm kiếm hải vật và ở lại đây đến tháng 8 mới trở về nộp cho triều đình Phú Xuân (Huế).

Khi lên ngôi, tháng 7 năm Quý Hợi (1803), vua Gia Long nhà Nguyễn đã cho lập lại đội Hoàng Sa từ thời các chúa Nguyễn. Đặc biệt, đến năm 1816, vua Gia Long đã cho “long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong” (theo bài viết của giám mục Taberd) tại Vạn Lý Hoàng Sa (gồm Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay). Chaigneau, một cận thần của vua Gia Long cũng đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochichine” rằng: “Đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”.

Đến nay, chúng ta vẫn có thể thấy được điều này qua Sắc chỉ triều Nguyễn năm Minh Mạng thứ 15 - 1834 liên quan đến đội Hoàng Sa của tộc họ Đặng ở xã An Hải (Lý Sơn - Quảng Ngãi); Bản tấu trình của Bộ Công về việc đi khảo sát đo đạc ở Vạn Lý Hoàng Sa trong châu bản triều Nguyễn, ngày 2/4 nhuận năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Bên cạnh đó, cũng phải kể đến hai tờ Châu bản có bút tích Ngự phê của vua Bảo Đại (trị vì từ năm 1926 đến năm 1945) viết có nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công trong việc gìn giữ Vạn Lý Hoàng Sa và một tờ văn bản được lập năm Quý Hợi 1743 của làng Mỹ Lợi (Huế) có nội dung xử lý một vụ kiện giữa phường Mỹ Toàn - nay là làng Mỹ Lợi và phường An Bằng - nay là làng An Bằng về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến đội Hoàng Sa... Nổi bật nhất là hình ảnh cửu đỉnh của triều Nguyễn có khắc Vạn Lý Hoàng Sa và sách giáo khoa “Khởi đồng thuyết ước” dùng trong các trường học thời vua Tự Đức thể hiện bằng hình vẽ và ghi chú đầy đủ về Vạn Lý Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Đây được xem là những tư liệu có giá trị chứng minh mạnh mẽ về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên Biển Đông.

Biển Đông và người Việt - 2

Bản đồ tổng thể lãnh thổ Trung Quốc trong Trung Hoa bưu chính dư đồ 1919, phần cực nam lãnh thổ là đảo Hải Nam.

Luật Biển Việt Nam 2012 thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ luật cũng được soạn phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là 1 trong 107 nước tham gia đầu tiên. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng đã đặt mục tiêu tổng quát lúc đó nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

Đặc biệt, tấm bản đồ mang tên Postal Atlas of China (Trung Quốc bưu chính dư đồ) bằng ba thứ tiếng Trung - Anh - Pháp, do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1919 thể hiện rõ cực nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết về yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biển Đông và người Việt