Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học (ĐH). Theo đó, một trong những điểm mới là các cơ sở giáo dục ĐH có thể đặt hàng, đấu thầu biên soạn giáo trình. Quy định này được kỳ vọng sẽ phát huy quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Nhà trường được quyền chủ động
Cụ thể, tại Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT (ban hành ngày 6/12/2021 “Quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục ĐH” có một số điểm mới so với Thông tư trước đây (Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 1 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục ĐH về các nội dung quy định đối với các trình độ của giáo dục ĐH) như sau:
Ngoài các nội dung quy định đối với giáo trình như Thông tư 04 và có sửa đổi bổ sung cho phù hợp thì Thông tư mới đã bổ sung thêm các quy định đối với bài giảng và tài liệu tham khảo đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung theo đúng quy định của Luật Giáo dục ĐH 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH 2018. Bên cạnh việc quy định các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức việc biên soạn các giáo trình tương tự như quy định tại Thông tư 04, Thông tư lần này còn bổ sung quy định các cơ sở giáo dục ĐH có thể thực hiện việc biên soạn giáo trình theo phương thức đặt hàng hoặc đấu thầu đối với các đơn vị, cá nhân ở trong và ngoài cơ sở đào tạo, đảm bảo theo các quy định của cơ sở đào tạo và các quy định hiện hành của pháp luật.
Tán thành với quy định cho phép các cơ sở giáo dục ĐH có thể đặt hàng, đấu thầu biên soạn giáo trình, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng đây là cho một trong những điểm mới nhất của Thông tư số 35. Quy định không những phù hợp thực tiễn khách quan, mà còn phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH. Đồng thời, là giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ cho các trường trong việc biên soạn, lựa chọn giáo trình phục vụ công tác đào tạo.
Ông Triệu cho hay, hiện có nhiều chương trình đào tạo mới gắn với nhu cầu thực tiễn, đòi hỏi các trường ĐH phải cập nhật. Từ trước đến nay, để có giáo trình đào tạo, các trường thường chủ động biên soạn hoặc phải sử dụng tài liệu sẵn có bên ngoài. Tuy nhiên, hiện nay một số chương trình mới nên bên ngoài chưa có và nhà trường cũng chưa tổ chức biên soạn được. Vì thế, nhiều trường có nhu cầu đặt hàng, đấu thầu các tổ chức, cá nhân bên ngoài để biên soạn giáo trình, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo. Muốn vậy phải có giải pháp và cơ chế chính sách để các trường vận hành.
TS Kiều Xuân Thực - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp (Hà Nội) cũng đồng tình rằng, việc cho phép các cơ sở giáo dục ĐH có thể đặt hàng, đấu thầu biên soạn giáo trình là một trong những điểm mới của Thông tư số 35. Điều này rất có lợi cho đơn vị đào tạo. Theo đó, các trường được quyền tự chủ, chủ động trong việc biên soạn, lựa chọn giáo trình giảng dạy.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Trước đó, theo tinh thần Thông tư 04 (2011) về biên soạn giáo trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH, việc biên soạn giáo trình như sau: Trên cơ sở đề nghị của khoa (đào tạo), Hiệu trưởng chỉ đạo, tổ chức biên soạn giáo trình để phục vụ giảng dạy, học tập cho các môn học trong chương trình đào tạo của khoa. Hội đồng khoa học - đào tạo khoa đề xuất với Hiệu trưởng thành lập Ban biên soạn giáo trình hoặc giao nhiệm vụ trực tiếp cho cá nhân nhà khoa học có trình độ, đúng chuyên môn và kinh nghiệm biên soạn giáo trình. Hiệu trưởng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giáo trình. Hội đồng thẩm định giáo trình tổ chức thẩm định giáo trình đã biên soạn, báo cáo ý kiến đánh giá của Hội đồng lên Hiệu trưởng. Căn cứ vào ý kiến của Hội đồng thẩm định, Hiệu trưởng xem xét, quyết định đưa giáo trình in ấn, xuất bản. Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của khoa, Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc tiếp thu, chỉnh lý giáo trình đang sử dụng cho phù hợp với thực tiễn.
Mới đây nhất, trong tháng 7/2021, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã ban hành quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng giáo trình, tài liệu giảng dạy của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Theo đó, những quy định về việc biên soạn lựa chọn giáo trình; thẩm định và duyệt giáo trình rất cụ thể, rõ ràng. Điều này không nằm ngoài mong muốn nâng cao chất lượng của giáo trình được giảng dạy trong trường ĐH.
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: Giáo trình phải cụ thể hóa yêu cầu về nội dung, kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ, trách nhiệm của môn học/học phần quy định trong chương trình đào tạo, ngành học, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương giáo giáo dục ĐH và kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo; Nội dung giáo trình phải phù hợp với mục tiêu và chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ, trách nhiệm của môn học/học phần trong chương trình đào tạo đã ban hành…
Đại diện các trường ĐH đều cho rằng, Thông tư số 35 đã cởi trói cho các nhà trường trong câu chuyện biên soạn tài liệu giáo trình, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế. Tất nhiên phải có hội đồng thẩm định, có quy định quy trình biên soạn, lựa chọn giáo trình chặt chẽ, bởi yêu cầu cốt lõi là bảo đảm chất lượng.
Để phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục ĐH, Thông tư 35 đã quy định các nội dung khung tổng thể chung về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục ĐH và đã giao cho các cơ sở đào tạo tự chủ trong việc quy định cụ thể, chi tiết hoặc có thể quy định ở mức cao hơn về xây dựng và thực hiện quy định của cơ sở đào tạo về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đối với các trình độ giáo dục ĐH, bao gồm cả chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài tại Việt Nam để cấp văn bằng giáo dục ĐH...