Đằng sau sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất bản, phải kể đến vai trò không thể thiếu của những biên tập viên. Cùng với sự phát triển của công nghệ, phát triển tri thức của người đọc, không còn cách nào khác là biên tập viên phải nâng cao tay nghề.
Công tác biên tập xuất bản lâu nay còn nhiều bất cập.
Công tác xuất bản còn những hạn chế “cố hữu” chưa được tháo gỡ liên quan đến công tác biên tập. Những sai phạm chủ yếu vẫn tập trung ở nội dung phản ánh tiêu cực, không có tính xây dựng; sách có chi tiết dung tục, phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam… gây phản ứng dữ dội trong dư luận và tạo ra khó khăn, lãng phí cho cơ quan quản lý nhà nước và nhà xuất bản (NXB). Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý. Mới đây nhất, cuốn sách “Phan Thanh Giản - Nhà ái quốc, người mở đường cho nước Việt Nam hiện đại: Những năm cuối đời (1862-1867)” do NXB Hà Nội ấn hành đã bị đình chỉ phát hành. Nguyên nhân là do trong quá trình biên tập đã để lọt một vài nội dung chưa chính xác, phù hợp.
Những sai phạm từ công tác biên tập xuất bản trong những năm qua dù đã giảm nhưng dường như vẫn chưa được giải quyết triệt để, thậm chí mang tính hệ thống kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu theo nhiều nhà quản lý cho rằng, do lượng sách xuất bản nhiều nên biên tập viên biên tập không kỹ. Thậm chí lướt qua, nên để lọt các ấn phẩm độc hại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội, truyền thống văn hóa của dân tộc. Khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy không bị đẩy lùi mà tiếp tục có những biểu hiện mới, phức tạp hơn. Tình trạng buông lỏng quản lý, để cho các đối tác liên kết thao túng diễn ra ở nhiều nhà xuất bản. Đặc biệt, xu hướng tập trung chạy theo lợi nhuận, không chú ý đúng mức nên chất lượng của sản phẩm còn hạn chế, tạo ra những hệ lụy lớn, trước hết là hiện tượng tăng tỉ lệ sách sai phạm, xuống cấp về chất lượng ở các sản phẩm sách liên kết.
Có một thực tế trong nhiều năm qua là việc đang thiếu hụt nghiêm trọng biên tập viên có chuyên môn giỏi. Hơn nữa, thu nhập từ công việc biên tập ở nhiều nhà xuất bản thấp, khó thu hút nguồn lao động có chuyên môn cao. Chưa kể công tác đào tạo và bồi dưỡng lao động ở các NXB thiếu tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, thường bị động, theo nhiệm kỳ dẫn đến chất lượng lao động chậm được cải thiện.
Không thể phủ nhận, với mỗi đơn vị xuất bản thì người biên tập sách còn được gọi bằng những cái tên thân thương gần gũi “bà đỡ” hay “người gác cửa nội dung”. Dù với tên gọi là gì, đối với một NXB, biên tập viên chính là trái tim, là phần hồn, là những người giúp tác giả cho ra đời những tác phẩm giá trị về nhiều mặt... Do đó, để xứng đáng với những “danh hiệu” trên với ngành xuất bản nói chung và những biên tập viên hơn bao giờ hết cần phải “làm mới” chính mình để thích ứng được với sự phát triển chung.
Theo TS Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc NXB Văn học: Càng ngày hàm lượng tri thức, văn hóa trong tác phẩm của các tác giả ngày một nâng cao, đòi hỏi biên tập viên cũng cần có vốn kiến thức, phông văn hóa nhất định để có thể “đối thoại sòng phẳng”. Về phía độc giả, với mặt bằng tri thức và đời sống ngày càng cao, độc giả hiện nay ngày càng “khó tính” hơn. Bạn đọc cũng có nhiều điều kiện để tiếp cận, đối chiếu, so sách thông tin. Do đó, yêu cầu nâng cao tay nghề đối với đội ngũ biên tập ngày một tăng.
Đồng quan điểm, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Giám đốc NXB Hội Nhà văn: Để giải quyết những sai phạm trong công tác xuất bản thì chính những biên tập viên phải nâng cao khả năng phản biện của mình. Bởi hầu hết các tác giả đều bảo vệ tác phẩm của mình cho dù tác phẩm đó như thế nào. Chính khả năng phản biện sẽ giúp tác giả nhận ra những sự phi lý hoặc sai sót về một điều gì đó trong tác phẩm của mình. Nhưng thái độ phản biện của biên tập viên không phải là thái đội của người xét duyệt mà phải trên tinh thần yêu quý và chân thành của một người đọc đẳng cấp đối với tác phẩm đó. Nhưng thực tế hiện nay quá trình phản biện của biên tập viên với tác giả là rất hạn chế. Bởi thế mà những sai sót hay yếu kém trong những xuất bản phẩm ngày một tăng lên...
Tựu chung lại, với mỗi biên tập viên xuất bản việc thực hiện nghiêm túc công việc cũng chính là một cách học hỏi, tự nâng cao trình độ rất hiệu quả.