Trong khi cuộc thảo luận về vấn đề bản quyền vaccine Covid-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trì vẫn chưa đi đến hồi kết, thì các ca nhiễm mới và tử vong liên quan đến dịch bệnh này vẫn không ngừng gia tăng. Hơn thế, sự nguy hiểm của biến thể Covid-19 ở Ấn Độ đã được WHO xác định là mối lo ngại toàn cầu.
Giữ hay bỏ bản quyền vaccine?
Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại Ấn Độ và một số nước Nam Á đang làm dấy lên những tranh cãi xung quanh vấn đề từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Trong khi Ấn Độ, Nam phi và Mỹ nêu quan điểm ủng hộ việc từ bỏ thì Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ ngờ vực về hiệu quả của bước đi này.
Sự ngờ vực của Liên minh châu Âu nhìn chung xoay quanh quan điểm bây giờ có từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19 các nước đang phát triển cũng khó mà đã có đủ công nghệ hay nguyên liệu để sản xuất vaccine. Vậy nên kêu gọi từ bỏ bản quyền vaccine không phải là vấn đề cần trong lúc này.
Cụ thể, mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tạm thời chưa đưa ra quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine phòng Covid-19 vì cho rằng còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần phải xem xét.
Bà Von der Leyen đánh giá, đây là một chủ đề quan trọng cần được bàn bạc trong dài hạn, không thể trong trung hay ngắn hạn.
Cùng với đó, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng đây không phải là giải pháp có thể giúp tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn cầu.
Về phần mình, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho rằng đề xuất của Mỹ sẽ không giúp đảm bảo tăng sản lượng vaccine toàn cầu trong khi người đồng cấp Bồ Đào Nha Antonio Costa khẳng định EU đã rất “gương mẫu” trong việc đóng góp cho cơ chế COVAX phân phối vaccine tới các nước nghèo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nêu quan điểm phản đối việc yêu cầu các hãng dược từ bỏ quyền bảo hộ với các loại vaccine phòng Covid-19, cho rằng đây không phải là giải pháp giúp tăng sản lượng vaccine.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ lại đang nỗ lực kêu gọi thế giới hãy đồng lòng giải phóng các bằng sáng chế, hay bí mật thương mại đối với vaccine ngừa Covid-19.
Báo chí Ấn Độ cho rằng, trên đây chỉ là quan điểm của giới chính trị, quan trọng hơn hãy nghe giới khoa học nói gì. Thực tế, trang báo Tin nhanh Ấn Độ trích một báo của tổ chức Oxfam từ hồi tháng 3. Trong đó 3/4 các nhà khoa học, bao gồm nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức hàng đầu trên thế giới nhấn mạnh, việc chia sẻ công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sẽ có thể giúp được tăng tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 trên toàn cầu.
Ấn Độ và Nam Phi có thể xem là 2 quốc gia khởi xướng ý tưởng kêu gọi từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Họ đã đề xuất vấn đề này lên Tổ chức Thương mại thế giới từ tháng 10/2020. Ấn Độ cho rằng họ cũng biết để các nước đồng lòng từ bỏ bản quyền vaccine không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà được.
Tuy nhiên, theo trang báo Quan điểm Ấn Độ, không nên chỉ bó hẹp tầm nhìn vào mục tiêu duy nhất là từ bỏ được việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Chỉ riêng việc Mỹ cùng các nước ủng hộ từ bỏ bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ giúp các hãng dược phẩm cởi mở hơn trong các bước đi chia sẻ công nghệ hay mở rộng liên doanh.
“Hãy đừng làm phức tạp hóa đề xuất từ bỏ bản quyền vaccine. Những gì các nước nghèo mong muốn rất đơn giản. Hiện nay, họ cần được phép làm mọi thứ để cứu người dân của mình, mà không phải lo sợ một sự trả đũa thương mại” - trang mạng của Kênh truyền hình New Delhi bày tỏ quan điểm.
Mối lo toàn cầu
Khi các cuộc đàm phán về bản quyền vaccine còn chưa ngã ngũ, ngày 10/5, Bộ Y tế Ấn Độ vẫn báo cáo hơn 366.000 ca dương tính mới với SARS-CoV-2 và 3.754 người tử vong vì Covid-19 trong 24 giờ. Tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này kể từ đầu dịch đã lên trên 22,6 triệu người, 246.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Tình hình trên tại Ấn Độ cũng đang khiến nhiều nước châu Phi hết sức lo lắng bởi Ấn Độ được mệnh danh là “hiệu thuốc của thế giới”, đồng thời là nguồn cung vaccine AstraZeneca lớn nhất cho chương trình COVAX - một sáng kiến do WHO khởi xướng nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Trong khi đó, châu Phi là khu vực đang phụ thuộc phần lớn nguồn vaccine ngừa Covid-19 từ cơ chế này.
Với tình hình này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, chuyên gia nghiên cứu về virus người Cameroon, ông John Nkengasong bày tỏ lo ngại: “Chúng tôi đang hy vọng rằng sẽ nhận được nguồn cung vaccine liên tục từ Ấn Độ thông qua cơ chế COVAX, nhưng trước tình hình nghiêm trọng tại Ấn Độ, chúng tôi không kỳ vọng sẽ sớm nhận được nguồn vaccine tại quốc gia này”.
Đặc biệt, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày 10/5, WHO đã phân loại biến thể SARS-CoV-2 mang ký hiệu B.1.617 vốn xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ từ cuối năm 2020 vào danh mục “biến thể đáng lo ngại ở mức độ toàn cầu”. Việc B.1.617 có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn buộc WHO phải nâng cao mức độ cảnh báo.
“Đã có một số thông tin cho thấy khả năng lây truyền cao hơn... đồng thời khả năng virus này kháng lại vaccine cũng gia tăng. Do đó, chúng tôi đang phân loại đây là một biến thể đáng lo ngại ở cấp độ toàn cầu”, bà Maria Van Kerkove, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho biết.
Sự gia tăng đột biến số ca Covid-19 hiện tại ở Ấn Độ được cho là có liên quan tới sự xuất hiện của biến thể B.1.617. Đây là nguyên nhân gây lo ngại không chỉ cho Ấn Độ mà còn với cộng đồng thế giới. Một số nước đã cấm nhập cảnh với người đến và đi từ Ấn Độ để ngăn chặn sự lây lan của loại biến thể của virus chết người này.
Theo WHO, dòng biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định tại Ấn Độ tháng 12 năm ngoái, dù phiên bản sớm của biến thể này đã được tìm thấy từ tháng 10. Hiện biến thể này đã lây lan ra nhiều quốc gia khác trên thế giới. WHO cho biết, các thông tin mới vể biến thể này cùng 3 biến chủng phụ của nó sẽ được công bố trong ngày 11/5.