Trong khi nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ, tình hình dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, thì ở châu Á dịch bệnh tiếp tục bùng phát.
Đáng lo ngại là tại châu lục này đã xuất hiện các biến thể virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Ấn Độ, Nigeria và Brazil với mức độ lây lan nhanh hơn chủng cũ rất nhiều. Trong lúc dịch bệnh vẫn tiếp tục tàn phá Ấn Độ thì Malaysia lại phải đối mặt với nỗi lo mới: Nhiều người trẻ tuổi nước này nhiễm các biến thể mới của SARS-CoV-2.
1. Ngày 9/5, Tổng Giám đốc Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah đã cảnh báo ngày càng nhiều người trẻ tuổi tại nước này mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí phải điều trị tích cực (ICU), đặc biệt là xuất hiện nhiều ca bệnh do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.
Vẫn theo người đứng đầu ngành Y tế Malaysia, từ đầu năm 2021 cho đến hết ngày 7/5, nước này đã ghi nhận 1.531 trường hợp mắc Covid-19 trong độ tuổi từ 20 đến 29 và 1.452 bệnh nhân từ 30-39 tuổi.
Tiến sĩ Noor Hisham cho biết, lãnh đạo Bệnh viện Sungai Buloh đã xác nhận những người trẻ tuổi hơn đang bị mắc bệnh do các biến thể mới và có nhiều trường hợp không có tiến triển sau quá trình điều trị.
TS Hisham cũng xác nhận Malaysia đã phát hiện 56 trường hợp nhiễm biến thể đáng lo ngại (VOC) và 3 trường hợp biến thể đáng lưu tâm (VOI), trong đó có 48 trường hợp nhiễm biến thể xuất phát từ Nam Phi (B.1.351), 8 trường hợp liên quan đến biến thể được phát hiện tại Anh (B.117), 2 trường hợp thuộc biến thể bắt nguồn từ Nigeria (B.1.525) và một trường hợp là biến thể được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ (B.1.617.1).
“Các biến thể này đã có trong cộng đồng nhưng cơ quan chức năng chưa thể truy vết nguồn gốc”- TS Hisham cho biết đồng thời nói rằng Bộ Y tế Malaysia đang tiến hành giải mã bộ gene và giám sát chặt chẽ để xác định các biến thể khi có sự lây nhiễm trong cộng đồng. Ông kêu gọi người dân duy trì cảnh giác và tuân thủ lệnh cấm đi lại giữa các bang, các quận để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.
Hiện, Malaysia đã có hơn 440.000 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có hơn 1.600 người tử vong. Ngày 9/5, Malaysia ghi nhận 26 ca tử vong do Covid-19, đây là ngày có số bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này hồi năm ngoái.
Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, Chính phủ Malaysia đã tái áp dụng Lệnh kiểm soát đi lại tại nhiều khu vực từ ngày 6/5; cấm đi lại xuyên quận trên phạm vi toàn quốc từ ngày 10/5 đến ngày 6/6, cấm tổ chức các sự kiện, hoạt động xã hội, giáo dục, kinh tế có thể dẫn tới tụ tập đông người và các hoạt động chính thức và xã giao trực tiếp của chính quyền cũng như khối tư nhân.
Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nêu rõ, kể từ ngày 10/5 đến ngày 6/6, sẽ cấm đi lại giữa các quận nếu không có giấy phép của cảnh sát. Như vậy, ngoài việc duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, việc cấm đi lại giữa các quận trong nội đô được thực thi trên phạm vi toàn quốc ở Malaysia.
2. Hiện thế giới đã có hơn 3,3 triệu người tử vong do Covid-19. Riêng tại Ấn Độ, dự báo của giới chuyên gia y tế nước này cho rằng tới tháng 8 năm nay, rất có thể sẽ có 1 triệu người chết vì Covid-19. Con số của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đến nay có tổng cộng 22.296.414 ca nhiễm và 242.362 ca tử vong do Covid-19 (tính đến ngày 9/5).
Liên quan đến biến thể của SARS-CoV-2 tại Ấn Độ, bà Soumya Swaminathan - nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng biến thể đột biến kép B.1.617 này dễ lây lan hơn và có khả năng biến thể này vượt qua “hàng phòng vệ” của vaccine ngừa Covid-19. Đó là một trong những nguyên nhân được cho là đã khiến dịch bệnh bùng phát mạnh tại Ấn Độ.
Bà Swaminathan tiếp tục cảnh báo về khả năng xuất hiện các biến thể mới và nguy hiểm hơn. Theo đó, virus càng sinh sôi và lây lan thì càng có nhiều khả năng đột biến sẽ phát triển và thích nghi. “Những biến thể tích tụ nhiều đột biến có thể sẽ kháng các loại vaccine mà chúng ta có hiện nay. Đây sẽ là một thách thức đối với cả thế giới”- bà Swaminathan nói.
Đối phó với tình hình nguy cấp đang diễn ra, Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc 2-deoxy-D-glucose (2-DG) để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo sẽ tuyển dụng lại khoảng 400 bác sĩ quân y đã nghỉ hưu để tăng cường lực lượng nhân viên y tế hiện nay tại các bệnh viện vốn đã quá tải. Theo kế hoạch, lượng bác sĩ này sẽ được ký hợp đồng làm việc với thời gian tối đa là 11 tháng.
Hiệp hội Y tế Ấn Độ (IMA) cũng đã kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi ban bố một lệnh phong tỏa “hoàn toàn, có chuẩn bị tốt và được thông báo trước” trên cả nước, thay cho các lệnh giới nghiêm ban đêm và một số biện pháp hạn chế mà các địa phương đang triển khai thực hiện cho đến thời điểm hiện tại. Trong ngày 10/5, chính quyền thủ đô New Delhi và bang Uttar Pradesh đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa và lệnh giới nghiêm cho đến ngày 17/5.
Thông tin từ Bộ Y tế Nhật Bản hôm 10/5: Tính đến hết ngày 9/5, nước này đã có 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 trên 6.000 ca/ngày, trong đó số bệnh nhân trở nặng đã tăng lên 1.144 ca - mức cao chưa từng có. Các báo cáo công bố cũng cho rằng các biến thể của SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trong bối cảnh Nhật Bản đang ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 4. Hiện thủ đô Tokyo là địa phương ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 22/1 - thời điểm Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai. Ngoài Tokyo, “điểm nóng” của dịch Covid-19 còn có Fukuoka, Hokkaido. Cả hai địa phương này trong ngày 9/5 đều ghi nhận số ca nhiễm mới trên 500 ca.