Ái Phương không biết người đàn ông điện thoại cho mình hôm ấy bao nhiêu tuổi. Nhưng chắc chắn đó là một… cụ, lứa tuổi “xưa nay hiếm”.
Tuy còn khỏe mạnh, minh mẫn nhưng với bản tính mạch lạc của một doanh nhân thành đạt, ông đã nghĩ đến chuyện viết di chúc. Mọi chuyện còn đang trong quá trình tham khảo luật sư thì tình cờ ông buộc phải biết một sự thật đau điếng: Thằng con giai út không phải là cốt nhục của ông mà là giọt máu rơi của người bạn “con chấy cắn đôi” thưở nào. Ông bạn đó trước khi mất đã khẩn thiết gặp ông, cầu xin ông tha thứ cho hành động tội lỗi đã đè nặng lên trái tim ông ta trong hàng chục năm.
Hung tin đó không khác gì “sao quả tạ” đột ngột giáng xuống cuộc sống tưởng như từ giờ chỉ còn êm đềm của doanh nhân già. Bà vợ cũng đã mất từ lâu. Ông không còn ai để… trút hận, ngoài cậu con giai-hờ mà bấy lâu ông yêu quý vô cùng. Cậu chàng cho đến lúc đó cũng chưa biết gì về thân phận của mình, đơn giản bởi cậu đang chu du tận bên Mỹ để du học. Là đứa con học hành tấn tới nhất trong 3 anh em, cậu đã tự kiếm học bổng du học bằng khả năng của mình, bố chỉ trợ giúp phần không đáng kể.
Doanh nhân già nói với Ái Phương đó là đứa con mà ông kỳ vọng nhất bởi nhìn thấy ở cậu tư chất có thể kế nghiệp mình. Đó cũng là một đứa con “không làm phiền”, kể từ lúc bé. Khi vợ ông sinh ra nó thì cả vợ chồng đều đã luống tuổi. Thằng bé được sinh ra hơi còi nhưng lạ thay nó rất ít ốm, khi đi học thì rất tự giác, học xuất sắc và luôn luẩn quẩn chăm sóc bố mẹ từ những việc nhỏ nhất. Ông bà không có con gái nên nhiều lúc ông đã nghĩ thằng bé này chăm chút bố mẹ chả khác gì một “cái hĩm”, đó là hồng phúc Giời ban cho gia đình ông. Ai ngờ đó lại là một trái đắng mà cuối đời ông mới tỏ tường.
Sự thật kinh hoàng khiến doanh nhân già vô cùng bối rối bởi nó làm tan tành những dự định mà ông nghiền ngẫm bấy lâu. Ông đã tính đợi con trai út đi học về, sẽ đưa vào một vị trí quan trọng trong công ty của gia đình, kèm cặp. Trong khối tài sản to lớn của mình, dĩ nhiên ông sẽ phân chia công bằng nhưng tài sản vô hình là trí tuệ và kinh nghiệm cả đời kinh doanh ông dự định sẽ dồn vào cho cậu út là chính. Lúc này Ái Phương mới biết một trong hai người con đầu của ông đã từng dính vào nghiện hút.
Ông đã rất vất vả mới lôi được cậu ta trở về cuộc sống bình thường. Người con còn lại tuy không khiến ông khốn đốn như vậy nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức một anh chàng làng nhàng về sự nghiệp.
Ái Phương cảm nhận rất rõ sự dùng dằng trong tư tưởng của doanh nhân già. Trong ông đang diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa tình yêu thương và lòng thù hận. Nếu lòng thù hận thắng, hẳn là ông sẽ truất quyền thừa kế của cậu út. Nhưng chắc chắn đó là điều ông không muốn, nếu không ông đã chẳng gọi cho Ái Phương.
Ái Phương nhẹ nhàng chia sẻ với ông về nỗi buồn rất lớn này. Nhưng đồng thời, Ái Phương muốn ông nhìn vấn đề với tấm lòng bao dung của một người cha cũng như sự khôn ngoan của một nhà kinh doanh. Bao nhiêu năm nay, ông đã được hưởng sự thơm thảo của “cậu bé từ trên trời rơi xuống”. Cậu ấy - như những gì ông kể - chắc chắn sẽ tiếp tục là nguồn an ủi lớn nhất cho tuổi già của ông. Bản thân cậu ấy không có lỗi trong việc mình đã được sinh ra như thế nào. Trong khi cậu ấy còn chưa rõ về thân phận của mình, Ái Phương muốn ông cân nhắc xem có nên trút gánh nặng của sự thật lên vai một thanh niên đáng quý như vậy không. Vả lại vợ ông cũng đã mất, Ái Phương mong ông khép lại quá khứ đau thương để hướng về tương lai.
Điều quan trọng hơn, cơ đồ mà ông gây dựng cả đời cần có một người đủ sức để phát triển nó, nếu như ông đã ngầm chọn cậu út thì Ái Phương tin đó là dự định sáng suốt, tuyệt nhiên không nên để đám mây đen của lòng thù hận che lấp mất. Ái Phương khẳng định với doanh nhân già rằng ông sẽ thấy thanh thản hơn nếu như biết quên đi chuyện buồn này và tiếp tục hành động như thể chưa từng nghe thấy những lời trối trăng nặng trịch kia.