Là hình thức vận tải để đưa đón hành khách từ các địa điểm khác nhau tới khu vực công cộng như bến xe, nhà ga, sân bay… nhưng dịch vụ xe trung chuyển ở TP HCM hiện hoạt động khá lộn xộn.
Ảnh minh họa.
Thậm chí, nhiều nơi nhiều các bến bãi xe trung chuyển còn bị biến tướng thành “xe dù bến cóc” ở nhiều tuyến đường khiến cho tình hình giao thông tại những khu vực này diễn ra hết sức phức tạp.
Theo một doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến TP HCM-An Giang, nhu cầu di chuyển vào trung tâm thành phố của người dân ngoại tỉnh rất nhiều. Đặc biệt là tới các địa điểm chữa bệnh (bệnh viện) hay sân bay.
Thế nhưng các tuyến xe chạy từ dưới miền Tây lên lại chỉ được dừng ở bến xe miền Tây (quận Bình Tân). Vì thế, để phục vụ nhu cầu của hành khách đi về các quận huyện khác, các nhà xe này buộc phải sử dụng xe trung chuyển trong những khung giờ cao điểm.
Nếu xe chở khách chừng 50 chỗ thì nhà xe phải sử dụng thêm 5-6 xe trung chuyển dưới 9 chỗ để đưa hành khách đến tận nơi họ muốn tới. Đây cũng là lý do khiến các nhà xe đều có thêm xe trung chuyển và nó khiến cho loại hình xe này xuất hiện tràn lan thời gian gần đây.
Ở chiều ngược lại, nếu có hành khách đặt xe đi từ thành phố về các tỉnh khác, các xe trung chuyển cũng có nhiệm vụ đi “gom” khách ở các nơi về một địa điểm cố định (là bến xe) trước khi khởi hành.
Chính vì nhu cầu quá lớn, nên các xe trung chuyển này hoạt động suốt ngày, chạy khắp các tuyến đường thành phố giờ cao điểm nhưng lại không bị kiểm soát. Ngoài ra, trong thời gian tìm hiểu về hoạt động của các xe trung chuyển, chúng tôi còn ghi nhận được việc nhiều doanh nghiệp vận tải “lách luật” bằng cách cho xe trung chuyển chạy thẳng tới địa điểm cần đến.
Nghĩa là thay vì đưa hành khách tới một bến xe để các xe chạy tuyến cố định vận chuyển thì xe trung chuyển chạy thẳng luôn. Đó là các xe trung chuyển của những hãng xe có quãng đường vận chuyển gần như TP HCM đi Vũng Tàu, đi Tiền Giang, Cần Thơ…
Với việc cho xe trung chuyển thay thế xe chở khách, các hãng xe sẽ không phải kê khai giá vé, không mất tiền đóng thuế cũng như có thể cho xe chạy lòng vòng trong khu vực nội thành đón khách mà không bị xử phạt.
Theo một chuyên gia giao thông, thời gian tới, khi các bến xe miền Đông và miền Tây mới ở thành phố được hoàn thành, di chuyển ra khu vực ngoại ô hoạt động thì tình trạng xe trung chuyển hoạt động chắc chắn sẽ ra tăng hơn nữa.
Khi đó nhu cầu di chuyển tiếp tục từ các địa điểm khác tới bến xe (và ngược lại) sẽ tăng lên, kéo theo hàng trăm xe trung chuyển hoạt động vào các khung giờ cao điểm.
Thế nên, ngay từ bây giờ nếu không có chế tài quản lý số lượng, hành trình để các xe trung chuyển hoạt động khá tự phát như vậy sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường, làm rối loạn giao thông ở khu vực nội thành.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường- Phó Ban chuyên trách An toàn giao thông TP HCM, do có nhiều doanh nghiệp vận tải đưa vào hoạt động loại xe này nên thời gian qua đã xảy ra một số bất cập. Sắp tới Ban An toàn giao thông sẽ phối hợp với Thanh tra, cảnh sát giao thông để kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động của loại hình xe trung chuyển cho đúng với quy định.