Đủ hay Thừa, Thiếu về Danh và Lợi là cảm giác được định vị bởi mỗi cá nhân, chứ không phải định nghĩa của công chúng, truyền thông hay các nhà toán học và khoa học.
Tôi có cô bạn thân, thi thoảng cổ rất hay nhắc lại lời khuyên chí lý của cổ rằng “Đấy, ngày xưa cậu nghe lời tôi, chuyển vào Sài Gòn mà làm việc, thì có phải kiếm tốt rồi không.” Tôi bảo ở Hà Nội tôi cũng vẫn sống đủ, chứ có nên nông nỗi… “khố rách áo ôm” đâu. Cổ bảo không, kiếm như thế chưa ăn thua gì, vì nghề truyền thông chỉ vô trong đó mới phát. Cổ bảo mấy người bạn của cổ chuyên môn cũng không phải quá cao siêu mà kiếm tới cả tỷ mỗi tháng. Thôi thì khoan không tranh luận là nếu tôi nghe theo lời khuyên của cổ thì liệu có phải mỗi năm sẽ lời 12 tỷ, để 10 năm được 120 tỷ hay không, nhưng cứ cho là giả thuyết ấy đúng (cho nó oai) thì “Để kiếm được một khoản tiền lớn mỗi năm, tôi sẽ phải đánh đổi bằng thời gian, công sức tương đương, tôi không còn lúc nào để viết nữa. Mà với tôi, sáng tạo mới là công việc quan trọng nhất, mang lại niềm vui lớn nhất, không tiền bạc nào đánh đổi được. Thêm nữa, tôi cũng chẳng cần tới 10 tỷ một năm làm gì. 100 tỷ càng không, vì tôi không biết làm gì với nó cả, ngoài đi làm từ thiện.”
Bạn tôi kinh ngạc và bất mãn: “Có nhiều tiền thì vẫn hơn chứ, chả lẽ có tiền lại không tốt à. Cậu sẽ làm được rất nhiều thứ mà cậu muốn.” Tôi cắt ngang: “Tiền bạc rất cần thiết. Tiền bạc là phương tiện của cuộc sống. Không có tiền có lẽ không làm được gì cả, mọi ước mơ sẽ bị hạn chế, thậm chí có muốn trở thành người hào hiệp cũng không thể, nhưng với tôi, tiền bạc ở mức này là đủ rồi. Tôi không cần thêm nữa.”
Tôi còn nhớ trong một chuyến đi bão táp ngang qua biên giới Kyirong, lúc chiếc xe Jeep bắt đầu rời cửa khẩu Tây Tạng để tiến sâu vào lãnh thổ Nepal trên con đường luôn chênh vênh trên miệng vực, tôi tình cờ nhắc đến câu chuyện “Biết đủ.” Một người bạn ngồi trên xe thốt lên:
- Ở đời biết thế nào là đủ.
- Đủ nghĩa là không thiếu.
- Biết thế nào là thiếu.
- Ơ, bản thân cảm thấy không thiếu thì là không thiếu.
Đúng thế, trong quãng thời gian còn trẻ, tôi luôn cảm thấy thiếu nhiều thứ, và tôi làm việc cật lực để kiếm cho ra thứ phương tiện thực hiện một vài ước mơ, cho đến một ngày, tôi cảm thấy thế là đủ, tôi đã có những gì tôi muốn. Tôi đã mua những loại bảo hiểm y tế đủ để phòng thân và có khoản dự trữ cho ngân sách giáo dục của con cái đến hết đại học. Và nếu tôi sở hữu một gia sản nhiều gấp trăm lần số tài khoản hiện có, thì tôi cũng vẫn sống như vậy, không thay đổi gì. Tôi không có nhu cầu sắm du thuyền, phi cơ riêng, siêu xe hay một bộ sưu tập kim cương. Thậm chí tôi chưa bao giờ ưa thích những căn villa khổng lồ vì sự trống trải của chúng. Tôi yêu căn hộ 70 m2 mà tôi đang ở, thậm chí nếu có chuyển nhà thêm vài lần nữa thì tôi vẫn cứ chọn những không gian xinh xắn như thế. Tôi cũng chẳng hứng thú với món Pizza Royal rắc vàng 24 carat, Sushi trứng cá ngọc trai hay những chai rượu vang được đấu giá vài trăm ngàn đô la. Có nhẽ là may quá vì tôi không có sở thích xa xỉ nào, trong khi cô bạn đang khuyên tôi đây luôn mơ ước được sở hữu một biệt thự cả ngàn mét vuông ven biển và gia nhập tầng lớp thượng lưu.
- Có nhiều tiền thì cậu sẽ để lại cho con gái cậu chứ, dù cậu không cần tiêu gì.
- Không, nếu có nhiều tiền tôi cũng sẽ không di chúc lại cho con. Tôi vào đời bằng đôi bàn tay trắng và đã một mình gây dựng sự nghiệp. Con gái tôi chỉ số IQ cao hơn mẹ, được đầu tư về giáo dục và kỹ năng nhiều hơn mẹ, thì thậm chí còn có thể làm được nhiều hơn thế, sao phải cần của nả di chúc để làm gì. Ở Mỹ và châu Âu, trẻ con đều phải sống tự lập từ năm 18 tuổi mà có ai bị vô gia cư đâu. Bởi người ta hiểu “Cho người ăn cá không bằng dạy người cách câu cá.” Còn chờ đến lúc được hưởng thừa kế thì lũ trẻ ấy thất thập cổ lai hy cả rồi vì tuổi thọ của Tây giờ cao lắm, tới gần trăm tuổi lận.
Con gái tôi có nhẽ là đứa trẻ duy nhất ở trường không được phát tiền tiêu vặt, khiến tất cả bạn bè đều ngạc nhiên khi thấy cô bạn của mình hè nào cũng đi du lịch hoặc trại hè ở nước ngoài và luôn được phép tự quyết định lựa chọn bất kỳ trường tư thục nào nhưng lại không xu dính túi, lúc nào cũng đau đầu nghĩ cách kiếm tiền. Kết quả là ở tuổi 14, cô nàng đã làm thêm để kiếm tiền trang trải cho chi phí tiêu vặt bằng đủ thứ nghề, từ sản xuất slime*, bán hàng online, trang điểm thuê, viết bài PR cho đến xem bói Tarot, môi giới trên mạng. Mãi đến năm 18 tuổi tôi mới kiếm được những đồng thu nhập đầu tiên, nhưng 14 tuổi con gái tôi đã có thể làm được điều đó. Tuy nhiên một ngày nọ, trong lúc việc “buôn bán” đang phát đạt, có thể kiếm đến hàng triệu mỗi tuần nhờ vào kinh doanh slime thì cô nàng dừng lại. Hỏi tại sao, cô gái nhỏ đáp “Vì con đã kiếm đủ số tiền con cần. Thời gian này con lại sắp phải thi học kỳ nên thôi làm vậy là đủ rồi, để tập trung cho việc học.” Có nhẽ đấy cũng là “biết đủ” vậy.
Đủ hay Thừa, Thiếu về Danh và Lợi là cảm giác được định vị bởi mỗi cá nhân, chứ không phải định nghĩa của công chúng, truyền thông hay các nhà toán học và khoa học. Tôi còn nhớ cách đây hơn 20 năm, có một bài báo viết về một tiến sĩ tài năng. Một bữa nọ, tiến sĩ ấy từ bỏ công việc có thu nhập cao, rời ngôi nhà khang trang mặt phố và… đi lên núi, tìm một hang đá để cư ngụ, mà tương truyền là hang đá ấy của đôi rắn thần, đến người làng cũng không dám bén mảng. Trong hang, tiến sĩ chỉ có một manh chiếu, một tấm chăn chiên, một cái mùng, hai bộ quần áo và dăm lon gạo. Nhà báo phỏng vấn thì tiến sĩ bảo thế là sống đủ rồi. Đọc bài báo tôi sốc nặng, nghĩ tiến sĩ thật dị nhân. Sống như thế mà bảo là đủ. Tiến sĩ mà biết người ngoài bình luận thế sẽ bảo người ngoài vô duyên, đủ hay không thì chỉ tiến sĩ biết chứ người ngoài có sống thay cho tiến sĩ đâu mà biết được.
Lại nhắc đến chuyện gạo thì trong đại dịch Covid-19, nhiều điểm phát gạo, mì miễn phí cho người nghèo. Trong những chiếc túi tùng tiệm mà chứa chan tình thương ấy có thêm dăm gói lạc, ít bột gia vị và củ khoai sống. Nhưng rồi báo chí đưa tin có nhiều kẻ đi xe tay ga đắt tiền, cổ đeo trang sức cũng đến xin khoai xin gạo, thậm chí người ta còn quay được cả clip chủ nhân ô tô con đã đỗ xe đằng xa rồi len lén đi giày cao gót đến bàn từ thiện mà nhận túi nilon gạo mì. Công chúng lắc đầu khó hiểu, phẫn nộ rủa xả rằng thì là mặt dày, đứt dây thần kinh xấu hổ, ăn hớt cơm chim…, rồi bêu hết cả lên mạng cho kẻ đi xe sang kia đọc được mà biết nhục. Nhưng những kẻ ăn chặn người nghèo ấy cũng chả mấy khi đọc, có đọc cũng chả ngượng, thậm chí còn bảo người ngoài vô duyên, tại sao lại nghĩ tôi đi xe ô tô thì không thiếu gạo, bản thân tôi là vẫn cứ cảm thấy… thiếu, tôi có một kho gạo đầy vẫn cứ thấy thiếu. Không thiếu thì tôi lấy làm gì.
Ấy là người đi lấy gạo mới chỉ sở hữu cái xe con con, chớ nhiều người gia sản đủ mua hàng trăm chiếc xe bốn bánh như thế vẫn cứ ăn chặn quỹ người nghèo như thường, có mì ăn mì, có gạo ăn gạo, thậm chí quỹ ủng hộ để xây toilet cho trường tiểu học nghèo vùng cao thì ăn luôn cả toilet. Khổ quá, nếu thấy đủ thì đã không “ăn”, là trong lòng người ta còn cảm thấy thiếu, cũng như tiến sĩ hang rắn nọ thấy mấy lon gạo cũng đã là thừa, không cần tích thêm, hết lại xuống chợ mua.
Nước Nhật nổi tiếng với những cụ già sống lâu, chỉ số trường thọ cao nhất thế giới, sau này vì thế giới dò hỏi bí quyết nhiều quá mà người Nhật đúc kết ra được một vài công thức để chia sẻ, trong đó có cách ăn: Lời khuyên quan trọng nhất là chỉ nên ăn no khoảng 70-80% nhu cầu của mình trong từng bữa ăn. Đó là cách kéo dài tuổi thọ cho lục phủ ngũ tạng để không sinh tật bệnh. Những người béo phì là do năng lượng đầu vào thường vượt quá calo của đầu ra. Nên ăn vừa đủ là nguồn gốc của sức khỏe. Và ở khái niệm này, ăn non non đi tí, ăn hơi thiêu thiếu tí, thì đã được gọi là vừa đủ. Nhà văn Nguyễn Việt Hà có lần phàn nàn “Cái từ ăn đủ đang là từ tốt bỗng dưng bị dân gian biến thành từ xấu. Người ta bình luận “Thằng cha ấy ăn đủ rồi” là nói sai, đúng ra phải bảo “Thằng cha ấy ăn dày, ăn cả bít tất, ăn cả đất xung quanh” chớ. Cuối cùng ăn đủ lại thành ra nghĩa ăn dày, ăn bẩn là sao.” Ấy là vì trong cái việc “ăn”, người ta chỉ biết đến khái niệm thiếu, nhiều nhất là đủ, chứ không có chuyện thừa. Nên cuối cùng thừa sẽ hóa thành đủ. Cứ thử xem, bạn mà bảo “Tôi đủ tiền rồi. Kiếm vậy là đủ”, là thiên hạ sẽ hiểu thành “Tôi thừa tiền rồi.” Và trong bụng người ta sẽ đầy ấm ách, khó chịu, sẽ ngầm rủa “Loại thừa tiền ngông nghênh, đáng ghét. Sao không san bớt cho thiên hạ đi. Thừa thì đưa đây một ít.” Bởi quả trong nhân gian, cũng hiếm khi nào ta nghe thấy có người nói “Đủ”.
Cố hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, một trong bốn bậc cao tăng có tầm ảnh hưởng lớn nhất Đài Loan đã định nghĩa “Có được những thứ cần dùng không phải là tham, không cần mà vẫn muốn có thêm, ước muốn vượt quá nhu cầu là tham. Nếu cuộc sống biết đủ, tâm không chạy theo vật dụng thì sẽ được an lạc”. Còn Lão Tử, một triết học gia thời Chiến Quốc có một câu nói nổi tiếng rằng “Họa mạc đại vu bất tri túc, cữu mạc đại vu dục đắc. Cố tri túc chi túc, thường túc hĩ”, nghĩa là không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được, cho nên biết rằng mình đang có đủ thì sẽ luôn luôn đủ. Ừ, nhưng nếu đó chỉ là cảm giác không định lượng thì biết đến khi nào trong lòng mới cảm thấy đủ. Lão Tử vốn cũng chỉ lý thuyết thôi. Người thực hành vĩ đại nhất trong lịch sử là Đức Phật, mới đầu trải qua cuộc sống sung sướng thừa mứa trong cung điện, khi vẫn còn là thái tử của vương tộc Shakya, rồi tiếp đến tự đưa mình vào nghịch cảnh tứ cố vô thân, kiêng khem đói khổ đến mức chỉ còn da bọc xương thì mới tấn tới giác ngộ dưới gốc cây bồ đề. Khi ngài giác ngộ thì cũng là lúc ngài biết thế nào là Đủ, sau cả quá trình Thừa, Thiếu triền miên.
Di Li