Ở làng Đa Chất (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lâu nay vẫn có một ngôn ngữ cổ kỳ lạ với tên “Tõi Xưỡn”, người trong làng bao đời nay sử dụng nó như một “biệt ngữ”. Một số nhà ngôn ngữ học đánh giá, đây là sự sáng tạo độc đáo và có giá trị trong kho tàng tiếng Việt. Tuy nhiên “biệt ngữ” làng Đa Chất lại đang đứng trước nguy cơ mai một mà chưa có phương thức để gìn giữ…
“Thít mận” - đưa chén trà mời khách, ông Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng thôn làng Đa Chất (Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội) giải nghĩa cho tôi rằng, đó là câu mời khách uống trà. Và đó cũng chính là ngôn ngữ đặc biệt ngoài tiếng phổ thông của người làng Đa Chất. Mới nghe cách phát âm thì tưởng giống tiếng Việt, nhưng lại không phải tiếng Việt…
Bắt đầu từ nghề đóng cối
Làng Đa Chất nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Tây Nam, thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Hôm chúng tôi về, các cụ cao niên đang dọn dẹp cảnh quan xung quanh Đình làng. Biết phóng viên muốn tìm hiểu về “biệt ngữ”, các cụ hồ hởi lắm.
Làng Đa Chất xưa nay có nghề đóng cối xay thóc truyền thống. Trước đây, khi chưa có máy móc, người nông dân phải dùng cối xay bóc tách vỏ lúa để làm ra gạo, nên chiếc cối xay lúa bằng tre là đồ dùng không thể thiếu.
Thời điểm đó, người thợ đóng cối xay ở làng Đa Chất đi khắp nơi, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc để làm nghề. Mỗi cánh thợ cối của làng Đa Chất khi đi làm thường có 2 người, họ rong ruổi ở các làng quê phía Bắc nhiều tháng trời. Những biệt ngữ này đã được truyền miệng lại từ này sang đời khác lâu dần thành quen.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng thôn Đa Chất nhớ lại, Đa Chất xưa vốn thuộc vùng chiêm trũng, các cụ trong làng có nghề làm thợ đóng cối xay. Thứ ngôn ngữ đặc biệt đó bắt đầu xuất hiện và gắn liền với quá trình đi làm nghề đóng cối của các cụ. Tiếng lóng được người làng sử dụng khi ra ngoài làm ăn để có cách ứng xử tế nhị, có văn hóa, nhắc nhở nhau trong cách sinh hoạt, ăn mặc hay trong công việc hay nhắc nhau làm việc để tránh chủ nhà la mắng.
“Khi đi làm tại các địa phương khác mà có sự xuất hiện của người lạ thì chúng tôi có những câu từ riêng nói với nhau, tế nhị để người thứ ba không biết. Bên cạnh đó, nó cũng giúp bảo đảm an toàn cho mọi người. Chẳng hạn mỗi lần ngồi ô tô khách chen chúc nhau, để không bị kẻ gian móc túi mọi người dùng biệt ngữ riêng, như câu: “Ngáo bái có xảo bờm”, khi đó người còn lại sẽ biết được là phải để ý túi đồ tránh bị ăn trộm” - ông Tuyên cho biết.
Là người đã từng đi nhiều nơi để làm nghề đóng cối, ông Nguyễn Văn Nghinh (67 tuổi) chia sẻ, chỉ có những người làm nghề đóng cối trong làng mới có thể nghe và nói thông thạo với nhau bằng tiếng nói này thông qua phương pháp truyền khẩu và áp dụng vào những tình huống cụ thể.
“Người Đa Chất chúng tôi nói “bệt” nghĩa là nhà, “thít” là ăn uống, “dùm” là tiền, “mận” là nước, “choáng” là đẹp, “êm” là ngon, “thuôn” là tốt, “sởn” là đi, “sưỡn” là máy móc… Chẳng hạn, nhà chủ đãi họ bữa ăn ngon, người thợ cối sẽ nói với nhau là “Cái bệt này cốn lắm, cho thít êm quá” (cái nhà này giàu lắm, họ cho ăn ngon quá). Hay như khi có khách đến nhà chơi, để làm cơm mời khách, chủ nhà sẽ dùng biệt ngữ: “Xảo sởn chác cho xì nhất đạng” (con đi mua cho bố một con gà, về thịt). Khi đó, khách sẽ không biết người nhà nói gì với nhau mà chỉ biết lúc sau mâm cơm đầy đủ mời khách dùng bữa. Đó cũng là một cách mời ý nhị, tinh tế” - ông Nghinh kể.
Chỉ có người trung tuổi nói được “biệt ngữ”
Cũng bởi gắn liền với nghề đóng cối xay truyền thống, nên từ khi máy móc công nghiệp xuất hiện, thay thế những chiếc cối xay tre thì người thợ cối cũng thưa dần và không còn đi các địa phương khác để làm nghề như xưa. Từ đó biệt ngữ của phường cối cũng ít được sử dụng. Giờ trong làng chỉ có những người trung tuổi mới có thể sử dụng loại biệt ngữ này, và họ cũng chỉ nói vào mỗi dịp đặc biệt. Còn lớp trẻ trong làng rất ít tìm hiểu và sử dụng.
Ông Tuyên cho biết, ngày xưa, ông đưa cháu, bố đưa con đi làm, họ ở bên nhau nhiều tháng trời nên ngày nào mọi người cũng sử dụng biệt ngữ, còn khi ở nhà thì không mấy ai sử dụng. Nhiều cụ cao niên trong làng đến nay cũng không còn được minh mẫn nên cũng không sử dụng nhiều ngôn ngữ này.
Ông Nguyễn Văn Thưng, năm nay ngoài 70 tuổi, lớn lên đi bộ đội, sau khi xuất ngũ ông chuyển về làm công nhân, không làm nghề đóng cối nên thời gian đầu ngồi nghe mọi người trong làng nói chuyện bằng biệt ngữ, ông Thưng cũng không hiểu gì.
“Sau này theo thời gian, biệt ngữ ấy mới ngấm dần và tôi hiểu được phần nào nội dung câu chuyện mà mọi người nói với nhau nên cũng tham gia được ít nhiều. Hiểu được mỗi câu từ mới thấy đây là nét văn hóa đặc sắc của làng, nếu gìn giữ được sẽ là điều rất quý. Bởi không đơn thuần chỉ là cách nói chuyện mà đó còn là văn hóa ứng xử tế nhị. Tiếng lóng cũng là để mọi người gắn kết, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn” - ông Thưng chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Đại Xuyên, trước đây đã có nhiều đoàn chuyên gia về làng Đa Chất để tìm hiểu, nghiên cứu về biệt ngữ đặc biệt này. Phía chính quyền địa phương cũng làm hồ sơ để ngữ văn truyền khẩu “tiếng lóng” của làng Đa Chất được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, từ đó có phương hướng để bảo tồn. Nhưng cho đến nay vẫn chưa được công nhận nên chưa có sự hỗ trợ nào để bảo tồn và phát triển.
“Chúng tôi đã đề nghị để ngôn ngữ truyền khẩu của làng Đa Chất được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhưng vẫn chưa được công nhận. Nếu được công nhận thì sẽ có phương hướng bảo tồn và phát triển thành làng du lịch như một số làng truyền thống khác” - ông Dương Ngọc Hổ - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cho biết.
“Biệt ngữ” của làng Đa Chất không có bảng chữ cái và cũng không có quy ước trong việc phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Thống kê bước đầu trong vốn từ cơ bản của “tiếng lóng” Đa Chất có trên 300 từ và cụm từ. Được biết, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam đã xây dựng một bộ phim cộng đồng về di sản tiếng lóng dài 20 phút, xây dựng 5 chuyên đề nghiên cứu, biên soạn một cuốn sách về di sản tiếng lóng dày hơn 70 trang.
(còn nữa)