Trên 30% công trình nhà cổ được xác định là di sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng đã bị tháo dỡ, trong khi 30 -40% biệt thự cổ còn lại thì hiện nay chỉ còn là cái xác nhà. Đó là số liệu do Kiến trúc sư Phạm Trần Hải - Phòng Nghiên cứu quản lí đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM) đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Di sản văn hóa trong tiến trình phát triển đô thị bền vững của TP Hồ Chí Minh”.
Một biệt thự cổ nằm trong khu tứ giác đắc địa Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm -
Calmette và Nguyễn Thái Bình tại Q.1, TP HCM.
Chủ biệt thự không muốn thành di sản
Theo KTS Hải, hiện nay câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa tại TP Hồ Chí Minh được xoáy vào khoảng gần 3.000 biệt thự cổ có giá trị di sản trên địa bàn. Tuy nhiên ngay cả công việc này cũng đang gặp muôn vàn khó khăn.
“Đó là nhiều chủ biệt thự không mặn mà với những cán bộ làm công tác bảo tồn và quản lý đô thị. Có nơi, chúng tôi vừa đến cổng thì chủ biệt thự yêu cầu bảo vệ mời chúng tôi về. Sau đó, chúng tôi buộc phải nhờ đến chính quyền phường đến hỗ trợ thì chủ biệt thự mới chịu hợp tác”.
Cán bộ đến từ Phòng Nghiên cứu quản lí đô thị thuộc Viện nghiên cứu phát triển TP HCM thừa nhận, công tác bảo tồn di sản biệt thự cổ tại TP Hồ Chí Minh hiện nay gặp vô vàn khó khăn. Sở dĩ chủ các biệt thự không chịu đồng ý hợp tác với cán bộ bảo tồn di sản và quản lý đô thị là họ sợ các cán bộ này đến quay phim chụp hình và sau đó biệt thự của họ được “đưa vào danh sách di sản biệt thự cần bảo tồn” thì rất rắc rối.
Bởi khi đưa vào danh sách này thì họ muốn tự ý sửa sang lại biệt thự cũng khó, muốn sang nhượng, cho thuê hay bán biệt thự thì lại càng rắm rối hơn và chắc chắn phải có đơn từ xin phép cơ quan có thẩm quyền.
“Một biệt thự cổ nếu được trao đổi, mua bán bình thường trên thị trường thì có giá giao dịch lên đến hàng triệu USD nhưng cũng là biệt thự ấy nhưng lọt vào “danh sách di sản biệt thự cần bảo tồn” rồi thì rất ít người dám mua. Vì nếu mua thì phải sửa sang lại hoặc cải tạo để kinh doanh mà với biệt thự được thành phố bảo tồn thì việc này rất khó khăn”, KTS Phạm Trần Hải nêu thực tế.
Từ những tồn tại trên, KTS Phạm Trần Hải cho rằng, trong công tác bảo tồn di sản biệt thự cổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay cần được mềm dẻo và linh hoạt hơn. Nghĩa là cần phải nhìn nhận thức tế là nhiều biệt thự cổ cho đến nay đã xuống cấp và nhu cầu sửa chữa, chỉnh trang lại của người dân, các chủ biệt thự là hoàn toàn khách quan.
Qua quá trình thực địa, KTS Hải cho biết, hiện có trên 30% công trình nhà cổ được xác định là di sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhưng đã bị tháo dỡ, trong khi 30 – 40% biệt thự cổ còn lại thì hiện nay chỉ còn là cái xác nhà mà thôi. Các biệt thự cổ thì đang bị “chia 5 xẻ 7”, còn các chủ biệt thự vì không tự sửa chữa được cũng lén lút cải tạo lại từ bên trong.
Theo KTS Phạm Trần Hải, trong số khoảng 3000 biệt thự có giá trị di sản ở TP Hồ Chí Minh hiện nay thì hầu hết các công trình này đều là các chứng nhân lịch sử phát triển thành phố qua các thời kỳ. Điều này thể hiện ở các phong cách kiến trúc khác nhau, như thuộc địa, tân cổ điển, Đông Dương, art deco, hiện đại, hiện đại nhiệt đới,… Tất cả đều thể hiện đặc điểm kiến trúc của từng phong cách được xác định cho mỗi thời kỳ.
Chính vì vậy, hiện nay chính quyền thành phố quyết tâm thực hiện chính sách bảo tồn biệt thự có giá trị di sản nhưng cũng đang phải đối mặt với mâu thuẫn bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Đứng trước thực trạng này thì từ năm 2010, chính quyền thành phố đã cho thành lập Ban chỉ đạo đảm trách thực hiện chương trình bảo tồn di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan trên địa bàn thành phố, đặc biệt chú trọng đến khu vực quận 1, 3, 5, 10 và Phú Nhuận.
Cho đến nay, việc xem xét để chọn ra những biệt thự nào cần được bảo tồn trong tổng số khoảng 3000 biệt thự nêu trên vẫn đang được thực hiện gấp rút, trong đó có đến hơn 30% công trình biệt thự có giá trị di sản được xây dựng từ trước năm 1975.
Đừng theo “vết thành đổ”
Lấy dẫn chứng về Thành Quy và Thành Phụng, là những di sản văn hóa vô cùng giá trị của Sài Gòn - Gia Định nhưng nay chỉ còn để lại dấu tích qua các nghiên cứu, TS.KTS Ngô Minh Hùng, công tác tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa của thành phố nếu không có tính toán hợp lý, khoa học, phù hợp cho một tiến trình dài hơi thì chắc chắn nhiều di sản văn hóa sẽ mai một, thậm chí biến mất trong tương lai gần.
Theo chuyên gia này, câu chuyện bảo tồn di sản hiện nay ở các nước, như Singapore hay một số nước Đông Nam Á khác đã thay đổi nhận thức rằng đó không chỉ còn là việc bảo vệ, bảo tồn mà xa hơn là các nước này quan tâm đến việc đưa di sản của họ lên bản đồ thế giới. Nghĩa là, các tiêu chí về bảo tồn của họ đã tiệm cận với các tiêu chuẩn được UNESCO công nhận.
TS.KTS Ngô Minh Hùng lấy dẫn chứng một báo cáo cho thấy, TP Hồ Chí Minh đã liên tục tụt hạng trên bảng danh sách bảo tồn di sản (2010 – 2012: hạng 61; 2014: hạng 70) và tính trong vòng 10 năm qua đã tụt đến 15 bậc về bảo tồn di sản.
“Vừa rồi chúng tôi cũng tiếp cận được quy hoạch tổng thể TP Hồ Chí Minh, nhưng rõ ràng quy hoạch này chỉ nghiêng về phát triền kinh tế, còn yếu tố di sản chưa được nhấn mạnh. Điều này là rất nguy hiểm, bởi không chỉ các quốc gia đang phát triển mà nhiều quốc phát triển cũng đang rất nghiêm túc đối với các công cụ và chính sách về bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là cảnh quan kiến trúc đô thị”, TS. KTS Ngô Minh Hùng nhấn mạnh.