Tại buổi tọa đàm “Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9 liên quan đến việc mổ xẻ đề án biểu giá điện mới do EVN vừa “trình làng”, hầu hết các chuyên gia đều có chung quan điểm: Biểu giá điện mới cần phải hướng đến số đông người sử dụng điện hiện nay là người thu nhập thấp.
* EVN khẳng định: Biểu giá mới không làm tăng giá điện
Biểu giá điện mới phải được cải tiến để phù hợp với số đông người sử dụng. Ảnh: Hoàng Long.
“Nâng lên đặt xuống” 3 phương án
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố dự thảo Đề án “Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”, trong đó đưa ra 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2016-2017: phương án 1, giữ nguyên 6 bậc như hiện hành; phương án 2, quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá); phương án 3, rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc hoặc 4 bậc.
Tại cuộc tọa đàm “Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9, đánh giá về dự thảo đề án cơ cấu biểu giá điện bán lẻ vừa được EVN đưa ra, GS.TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng, Dự thảo đề án này đã đáp ứng được các quy định của Luật Điện lực, tuân thủ các quy trình thay đổi biểu giá điện. Tuy nhiên, đi vào chi tiết từng phương án thì cần phải xem xét lại, vì các phương án nêu ra còn bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý.
Trong 3 phương án mà ngành điện đưa ra, GS.Viện sĩ Trần Đình Long vẫn thể hiện sự đồng thuận với phương án 3. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan điểm, các khoảng cách được EVN chia ra như trong đề án chưa hợp lý. “Khoảng cách giữa các bậc thang và mức giá được xây dựng trong biểu giá điện mới đang bộc lộ những điểm bất cập.
Ông Long cho rằng, theo quy luật của nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng sử dụng càng nhiều thì phải càng được trả giá thấp. Song riêng đối với lĩnh vực điện lại hoàn toàn khác. Điện năng là một loại hàng hóa đặc thù, kinh doanh điện năng là kinh doanh có điều kiện. “Ở các mặt hàng khác, người ta hô hào dùng càng nhiều “sale” càng mạnh, giá càng rẻ.
Nhưng với sản phẩm điện lại liên quan đến hai nguyên tắc: Đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên và không gây tác động đến môi trường. Do đó, nếu người càng dùng nhiều điện mà lại được trả tiền thấp đi là khuyến khích việc sử dụng nhiều điện, như vậy là đi ngược lại với xu hướng chung, vì sử dụng càng nhiều điện thì nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu càng lớn.
Không gây đội giá bán lẻ
Đối với đề án cải tiến giá bán lẻ điện mới của EVN, một trong những vấn đề dư luận quan tâm hiện nay là: Liệu EVN xây dựng đề án này có nhằm mục đích đẩy giá điện lên và tăng doanh thu của ngành điện hay không?
Trả lời băn khoăn này của dư luận, ông Hoàng Văn Tùy, Phó ban Tài chính EVN cho rằng, theo yêu cầu của Bộ Công thương, EVN phải xây dưng đề án biểu giá điện mới dựa trên sự rà soát lại những điểm bất hợp lý của biểu giá điện cũ, trong đó tập trung vào cải tiến biểu giá điện sinh hoạt phù hợp với phần đông người sử dụng điện hiện nay của Việt Nam - là những người thu nhập thấp.
Do đó, với cả 3 phương án mà EVN xây dựng, cho dù là phương án bậc thang lũy tiến hay đồng giá, thì vẫn duy trì một nguyên tắc: Đó là giá điện không được tính vượt quá 1.747 đồng/kWh.
“Mỗi kịch bản mà EVN đưa ra, đều đánh giá những tác động đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các đối tượng khách hàng. Song đều đảm bảo chung một nguyên tắc: Không làm tăng giá điện. Bởi vậy, trong dư luận có ý kiến rằng, EVN xây dựng các phương án giá bán lẻ điện nhằm tăng doanh thu cho ngành điện là hoàn toàn không đúng” – ông Thùy nhận định.
Đánh giá về những vấn đề xoay quanh đề án biểu giá điện mới của EVN, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho rằng: Giá điện có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân. Bởi vậy, việc lấy ý kiến xây dựng biểu giá điện mới nhằm đánh giá lại những mặt ưu và nhược điểm của cách tính giá điện hiện nay là rất cần thiết.
Theo ông Tuấn, phương án mới một mặt sẽ bảo đảm giá bán điện cho từng bậc cao hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện, mặt khác khuyến khích người dân, DN sử dụng điện tiết kiệm, đồng thời cũng không tác động nhiều đến người nghèo, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội…
“Trên cơ sở ý kiến góp ý tại hội thảo của các bộ, ngành, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu kinh tế, EVN sẽ hoàn thiện đề án, gửi Cục Điều tiết Điện lực để trình Bộ Công thương thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – ông Tuấn cho biết.
Theo ông Đặng Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam, trong số 21 triệu hộ sử dụng điện hiện nay ở Việt Nam, có tới trên 46% hộ thuộc diện thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Bởi vậy, việc chia giá bán lẻ điện theo bậc thang cần phải tính đến các số đối tượng sử dụng chính này, có như vậy mới không ảnh hưởng đến mức sống, thu nhập của phần lớn các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay.