Bình dị bóng tre

KHÁNH THẢO 29/08/2022 15:16

Thật bất ngờ vì ở thời này chúng ta vẫn thấy ở đâu đó, dưới bóng khóm tre vẫn còn những người mẹ mắc võng, ngồi ru con trong niềm hân hoan vui sướng. Càng bất ngờ hơn, khi từ thân tre bình dị đó, một người yêu quê đã sáng tạo ra nhiều công trình kiến trúc, chinh phục biết bao tâm hồn và “được lộc” từ sự sáng tạo của mình. Sâu xa hơn, hình ảnh cây tre là biểu trưng văn hóa, thậm chí giúp cân bằng cuộc sống khi con người đang “say sưa” với các tiện nghi hiện đại, sống xa thiên nhiên.

Tre xanh - vẻ đẹp làng quê. Ảnh: Đức Quang.

Linh hồn làng quê

Nhiều khi chán cảnh xô bồ tôi “trốn phố” về quê, ở đó có bóng tre hiền lành bao năm vẫn tỏa bóng mát rượi cho biết bao thế hệ người dân. Tại nơi vô cùng bình yên, mộc mạc đó tôi đã tìm thấy bản thân mình. Tôi cũng gặp lại hình ảnh cha mẹ mình bao năm cần mẫn, chuốt từng sợi nan để đan cái rổ, cái rá mang ra chợ bán. Lúc ấy, mùi vị quê hương ào vào tâm hồn, bao bọc lấy tôi bằng sự bình yên mà chẳng nơi nào có được.

Thật lạ, cha tôi học không nhiều và cả đời chẳng ra khỏi lũy tre làng, nhưng cảm nghĩ về tre của ông thật sâu sắc. Cũng bởi cha từng sống với hình ảnh cây tre trong những câu chuyện cổ tích và những lời ru ầu ơ êm dịu, bay lả bay la theo cánh cò. Khi trưởng thành cha hiểu tre tạo nên cả thành lũy “giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh giữ đồng lúa chín”.

Cha cũng hiểu cây tre là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, tượng trưng cho khí phách kiên cường, tinh thần đoàn kết, được ví như con người luôn anh dũng, đồng lòng đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Cha rất tâm đắc với câu thơ “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm; hay: “Rễ sinh không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù…/ Thương nhau tre chẳng ở riêng/ Lũy thành từ đó mà nên hỡi người/ Chẳng may thân gãy cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng” của nhà thơ Nguyễn Duy.

Dường như cha tìm thấy điều gì đó thật thiêng liêng trong những câu thơ nói về tre và người hiểu rằng, tre sẽ mãi mãi sống cùng với hơi thở của người dân, là linh hồn của người dân ta qua mọi thời.

Chẳng cần điều gì cao siêu, cha cứ lấy những bài thơ mà anh em chúng tôi học ngày bé làm bài học răn dạy các con sống tốt, hiên ngang, ngay thẳng.

Cũng từ dưới cây tre khóm trúc, với những trận đòn roi, tôi khắc cốt ghi tâm lấy làm bài học cho hành trang vào đời. Cha còn dạy chúng tôi biết quý sức lao động, yêu quê, những con người bình dị và đừng bao giờ đánh mất gốc gác bản thân. Sau này khi tôi đã ra phố học, mẹ và nhiều người mẹ ở miền quê nghèo lại tất tưởi theo con ra phố mưu sinh. Chiếc đòn gánh bằng tre thật dẻo dai, lại cùng mẹ trải qua qua bao nỗi nhọc nhằn. Khi mẹ tôi không thể gánh gồng cũng là lúc tôi qua đại học, có thể đỡ đần, mẹ lại về quê, sống với quê, với xóm nghèo, những bờ tre và trở lại là một “con cò” nơi đồng ruộng.

Tre với con người như là tri kỷ, thật buồn là làng tôi không còn nhiều tre như xưa, vì thế những con ngõ với bờ rào tre, những khóm tre xanh bây giờ là đặc sản. Làng quê mà mất bóng tre thì vơi đi nhiều phần vẻ đẹp. Làng quê còn nhiều bóng tre thì mát mẻ, êm đềm, lãng mạn và linh hồn của làng quê ấy vẫn còn vẹn nguyên. Đi đến bất cứ nơi đâu những khóm, lũy tre cũng trở thành sinh thể thiêng liêng luôn nhắc tôi nhớ về quê hương và sức mạnh, tinh thần đoàn kết mà ông cha mình dựa vào tre mà có được.

Hưởng lộc từ tre

Sinh ra ở miền Trung thiếu nước và gió mát, với tình yêu quê tha thiết, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để học hỏi, tìm tòi và sáng tạo ra những công trình kiến trúc độc đáo từ tre. Nổi tiếng nhất và giúp anh có giải thưởng là quán cà phê Gió và Nước ở thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Đây là địa chỉ mà người dân ở Thủ Dầu Một và nhiều du khách đến Bình Dương đều muốn đến. Vật liệu chủ yếu của cả khu rộng hơn một héc-ta chủ yếu bằng tre gồm: công trình quầy bar, bàn, ghế ngồi, nhiều vật dụng khác. Ngay cả sân vườn cũng được trồng những khóm tre nhỏ đang một màu xanh mướt. Vào không gian này, khách được lạc vào một chốn bình yên, gần gũi với thiên nhiên, mát mẻ mà không có một cột bê tông nào. Ý tưởng đặc biệt nhất của công trình là ứng dụng nguyên tắc khí động học.

Công trình sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo thành máy điều hòa tự nhiên, tiết kiệm được chi phí mua và vận hành máy điều hòa và nhiều chi phí khác. Chính công trình này đã giúp Nghĩa đoạt Giải kiến trúc quốc tế Mỹ. Nhưng chàng triến trúc sư trẻ này đâu chỉ có vậy. Anh còn nhiều công trình khác như Gió và Nước tại TP Hồ Chí Minh, Công trình Bamboo Wing tại khu vực hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), được bảo tàng Chicago Athenaeum (Mỹ), trao giải thưởng International; Công trình Trung tâm văn hóa cà phê Trung Nguyên tại khu vực Hồ Tây (Hà Nội) và nhiều công trình ở nước ngoài.

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa từng nói: “Kiến trúc xanh là kiến trúc thân thiện với môi trường, và đâu chỉ đơn thuần là có nhiều cây xanh. Cần phải có đầy đủ các tiêu chuẩn về để đánh giá. Tiêu chuẩn đó trước hết là phải có năng lượng: năng lượng để tạo ra công trình, năng lượng vận hành công trình…”

Ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế có một người được mệnh là “đệ nhất lồng chim xứ Huế”, đó là nghệ nhân Đoàn Minh Căn. Với đôi bàn tay khéo léo, lòng say nghề và hơn hết là sự nhạy bén trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương để làm nên những chiếc lồng chim tinh xảo. Không chỉ truyền nghề cho nhiều người, ông Căn còn có thể làm theo những đơn đặt hàng của người nước ngoài, kiếm tiền trang trải cuộc sống, và một điều tuyệt vời khác là ông đã “rinh” về nhiều giải thưởng, làm rạng danh dòng họ, quê hương.

Người dân làng Canh Hoạch (Thanh Oai, Hà Nội) cũng được hưởng lộc từ tre, từ nhiều đời qua họ đã biết tận dụng loại vật liệu sẵn có, giá rẻ để chế tạo thành những chiếc lồng chim vô cùng tinh xảo. Nhiều “đại gia” về đặt hàng, những chiếc lồng trung bình cũng có giá khoảng 40 triệu đồng. Có trực tiếp xem và tìm hiểu các công đoạn chế tác, từ việc chọn tre, ngâm tre đến chẻ nan, chạm trổ và hoàn thành chiếc lồng.

Để làm được điều đó, người nghệ nhân phải hiểu được “đặc tính” của từng khúc tre và khúc tre đó sẽ được dùng để làm bộ phận nào, chi tiết nào trên chiếc lồng. Khó nhất là chạm, trổ các hình long, ly, quy, phượng, cỏ cây, hoa lá hay chi tiết bài thơ chữ Hán. Tất cả đều cần được chạm tỉ mỉ, chính xác đến từng chi tiết. Nhưng như thế vẫn chưa đủ để làm hài lòng các “đại gia” và người dân Canh Hoạch vẫn chưa thể kiếm được bộn tiền. Họ còn phải có kiến thức và hiểu được sinh hoạt cũng như tập tính của từng loại chim để tạo ra những chiếc lồng phù hợp.

Không ít làng nghề đã và được làm ra những sản phẩm dùng trong sinh hoạt đời thường, không ít nghệ nhân vẫn chế tạo ra nhạc cụ từ tre và vô số người dân đang cần cù tìm những gốc tre có hình thù kỳ lạ để tạo thành các sản phẩm thẩm mỹ để gìn giữ và thưởng thức.

Ở đâu đó, nơi những thành phố lớn người ta đã và đang tìm cách tạo ra những không gian sinh động, hài hòa, gần gũi với thiên nhiên, đó là cách để thu hút những vị khách muốn tìm cho mình cảm giác bình yên, thư thái. Cũng lại có những ông chủ chịu chơi, chán cảnh nhà cao tầng, gò bó và nóng bức liền đi dựng nhà tranh, nguyên liệu chủ yếu bằng tre nứa để được trở về một thời xưa cũ.

Như ở Hoa Lư, Ninh Bình có ông Nguyễn Minh Thoa, một người bao năm vất vả vì sự hoài cổ của mình. Ông đã bỏ cả núi tiền để dựng nên Cố Viên Lầu với những nếp nhà tranh giản dị với một ước vọng là gìn giữ những giá trị cổ xưa. Đó là sự dấn thân, hy sinh, là một cứu cánh khi tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt đang “khai tử” biết bao vẻ đẹp làng quê.

Và như thế cây tre Việt Nam có giá trị văn hóa, lịch sử nghìn đời đồng thời còn chứa đựng có giá trị kinh tế, thẩm mỹ. Người Việt Nam vẫn trân trọng, tìm tòi để mỗi ngày phát huy giá trị ấy, biến thành thương hiệu trên khắp năm châu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình dị bóng tre