Ông Võ Văn Thưởng đề nghị tỉnh Bình Dương không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...
Ngày 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức được khai mạc.
Tham dự Đại hội có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và các địa phương. Đại hội cũng có sự tham gia của 349 đại biểu, đại diện cho trên 48.500 đảng viên trên toàn tỉnh Bình Dương.
Báo cáo về kết quả và thành tựu của tỉnh Bình Dương trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương đã tập trung thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội. Từ đó, tạo nền tảng, động lực thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu phát triển của cả nhiệm kỳ. Bình Dương luôn chú trọng vào phát triển công nghiệp nên đã không ngừng hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng kết nối và gắn liền với bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 13.000 ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 800 ha. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tăng bình quân hàng năm đạt 11,2%. Dự kiến năm 2020 tổng thu là hơn 62.000 tỉ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với tổng thu năm 2015.
Ngoài ra, Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thu hút được 252,96 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh đã có 45.493 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 394,5 nghìn tỷ đồng…
Phát biểu tại Đại hội, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao những thành tựu của Bình Dương đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời, ông cũng đề nghị, thời gian tới, Bình Dương cần trung các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, kiên quyết từ chối những dự án có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường...
Tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị; tập trung xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Huy động các nguồn lực để phối hợp hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đồng bộ kết nối với TP HCM và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đặc biệt không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, người khó khăn, yếu thế trong xã hội. Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều.