Bình Thuận: Tạo công ăn việc làm cho người dân từ rừng

Nguyễn Thanh 21/12/2017 10:45

Qua 10 năm (2006 - 2016) thực hiện chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Bình Thuận: Tạo công ăn việc làm cho người dân từ rừng

Trồng rừng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: TL.

Tính đến năm 2016, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 351.467 ha, chiếm 44,98 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh; trong đó, rừng tự nhiên là 256.359 ha, rừng trồng là 38.098 ha và đất chưa có rừng là 57.010 ha.

Nhận thức tầm quan trọng của tài nguyên rừng và quỹ đất lâm nghiệp đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, dân sinh của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Đảng bộ, chính quyền của tỉnh luôn cụ thể hóa, vận dụng vào thực tiễn quản lý rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh; sắp xếp hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý rừng.

Bên cạnh đó, huy động các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, dân nghèo tại chỗ.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, qua 10 năm triển khai, công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì với diện tích 86.391 ha rừng cho 2.377 hộ, bình quân 36 ha rừng/hộ. Hiện nay, mức kinh phí giao khoán được điều chỉnh tăng từ 100.000 đồng/ha/năm lên 200.000 đồng/ha/năm, bình quân mỗi hộ có thêm thu nhập hơn 7 triệu đồng/năm ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức của đồng bào về công tác quản lý bảo vệ rừng.

Tổng kinh phí thực hiện chi trả tiền công quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2006 đến năm 2016 là hơn 140 tỷ đồng. Từ những kết quả này góp phần giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, số hộ nghèo đến đầu năm 2017 còn 1.900 hộ, chiếm 9%; hộ cận nghèo còn 1.700 hộ, chiếm 8,44%.

Các đơn vị chủ rừng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức quán triệt đến các hộ nhận giao khoán về trách nhiệm, quyền lợi trong quản lý bảo vệ rừng và hướng dẫn đồng bào thành lập tổ, đội quản lý cũng như phân công lịch tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng được giao tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế nạn phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép.

Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2011, số vụ lấn chiếm, phá rừng được phát hiện, lập hồ sơ xử lý 710 vụ/385 ha. Từ năm 2011 - 2016 không có phá mới diện tích rừng, chủ yếu là tái lấn chiếm trên diện tích bị phá, lấn, chiếm, sử dụng trái phép trước năm 2005. Trong giai đoạn này, đã tiếp tục phát hiện xử lý 84 vụ/18 ha; diện tích này, chủ yếu là tái lấn chiếm trên những diện tích phá rừng của năm 2009, 2010 nhưng thời điểm đó không phát hiện đối tượng để xử lý.

Ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc triển khai chủ trương, chính sách phát triển rừng theo hướng xã hội hóa, huy động đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sản xuất nông lâm kết hợp thông qua các hình thức giao, cho thuê, khoán đất lâm nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là hỗ trợ về đất đai.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, thoát khỏi nghèo khó vươn lên làm giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Thuận: Tạo công ăn việc làm cho người dân từ rừng