Bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

M.Loan - H.Vũ 23/05/2016 23:52

Trưa 23/5, ngay sau hội đàm, Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đồng chủ trì họp báo quốc tế thông báo về kết quả hội đàm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama tại cuộc họp báo.

Tại họp báo, hai nhà lãnh đạo khẳng định những kết quả nổi bật trong cuộc hội đàm; trong đó có những thỏa thuận quan trọng về kinh tế, thương mại, y tế, nhân đạo, giáo dục đào tạo, thực thi pháp luật và tư pháp, giao lưu nhân dân. Hai bên nhất trí sẽ ưu tiên cao hơn việc thực hiện giải quyết hậu quả chiến tranh và cam kết tiếp tục thực hiện hợp tác tích cực trong vấn đề này. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam tẩy độc dioxin tại Biên Hòa sau khi hai nước kết thúc thành công tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng.

Hai bên khẳng định nỗ lực sớm thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP- Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết. Cũng về TPP, Tổng thống Obama chia sẻ, “cùng nhau chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa việc thực thi Hiệp định TPP”.

Khẳng định quan hệ giữa hai nước đang tiến triển tốt đẹp, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra những con số ấn tượng dẫn chứng về sự gia tăng kim thương mại hai chiều; việc gia tăng xuất khẩu từ Hoa Kỳ đến Việt Nam hay các dự án đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Phần mình,Tổng thống Obama bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong vấn đề khoa học công nghệ. Ví dụ sự có mặt của Intel, đầu tư của Intel sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự sáng tạo của sinh viên Việt Nam hay tạo công ăn việc làm, ngoài ra các tập đoàn lớn của GE (General Electric) cũng sẽ có quan hệ hợp tác với các trường đại học của Việt Nam.

Vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đã cấp phép hoạt động cho Trường Đại học Fulbright, ông Obama nhận định, trường sẽ phát triển đào tạo công nghệ cao và mở cửa cho các sinh viên Việt Nam.

Ông Obama đánh giá cao quyết định của Việt Nam trong cấp thị thực nhập cảnh 1 năm và nhiều lần cho công dân Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh…

Về các vấn đề khu vực và thế giới, cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp tại diễn đàn khu vực và quốc tế. Phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2017; tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; hai bên cũng đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến Biển Đông; khẳng định tiếp tục hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

“Chúng tôi tin tưởng rằng sự phát triển quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi nước mà còn góp phần tăng cường quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ đóng góp cho hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đánh giá về những bước tiến nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, về chính trị, ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến quan trọng từ cựu thù thành đối tác toàn diện, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có những chuyến thăm lẫn nhau, hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển trên cả bình diện song phương và đa phương.

“Những bước tiến triển nêu trên trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đạt được bắt nguồn từ thực tế hai bên ngày càng chia sẻ nhiều quan tâm, lợi ích chung và nghiêm túc thực hiện cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền, thể chế chính trị và lợi ích chính đáng của nhau. Chuyến thăm lần này của Tổng thống Obama sẽ tạo thêm động lực mới cho Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình ổn định hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”- Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Obama nhận định, trong thế kỷ vừa qua hai quốc gia đã đi từ không hợp tác, xung đột và trải qua quá trình hòa giải lâu dài. Giờ đây sau hơn 2 thập kỷ bình thường hóa quan hệ, hai nước đã đạt được mối quan hệ ở tầm cao mới. Hiện nay chúng ta đang thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn cũng như sâu sắc hơn.

Tổng thống Obama cũng gửi đi thông điệp: Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cũng như lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo hòa bình ổn định trong khu vực.

“Chúng tôi tin tưởng rằng người dân trong khu vực sẽ sống trong hòa bình, thịnh vượng, chính vì vậy mong muốn sẽ thúc đẩy mối quan hệ châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác với Việt Nam”- Tổng thống Obama nói.

“Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam cũng như các nước trên thế giới và ủng hộ hòa bình dựa trên luật lệ trong đó có Biển Đông, an ninh an toàn hàng hải, tự do đi lại và hàng không, hợp tác không bị cản trở. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử máy bay, tàu đến tất cả các khu vực được cho phép trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”- Tổng thống Obama khẳng định; đồng thời cho biết phía Mỹ cũng mong hợp tác với Việt Nam trong việc hỗ trợ cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Hoa Kỳ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong vấn đề hạt nhân dân sự.

Đã đến lúc không nên duy trì một lệnh cấm nào nữa

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương hoàn toàn với Việt Nam có phải xuất phát từ mong muốn của Việt Nam để tăng cường năng lực trước quốc gia khác hay không? Tổng thống Obama cho rằng: Quyết định đó không phụ thuộc vào yếu tố nước khác mà dựa trên tiến trình hợp tác lâu dài trong tiến trình bình thường hóa giữa hai nước trong thời gian dài. Tiến trình này được bắt đầu từ sự can đảm của cả hai bên. “Chúng tôi đã phải trải qua nhiều cuộc đối thoại khó khăn trong thập kỷ vừa qua đặc biệt chúng tôi đánh giá cao nhiều nghị sĩ như: John McCain, John Kerry đã can đảm nỗ lực thúc đẩy việc đối thoại với Chính phủ Việt Nam. Trong thời gian qua quan hệ giữa hai nước đã ngày càng sâu sắc hơn. Điều cá nhân tôi và các thành viên trong đoàn cảm thấy ấn tượng là tất cả các công việc chúng ta đã làm với nhau trong nhiều lĩnh vực thì rõ ràng đã đến lúc chúng ta không nên duy trì một lệnh cấm nào nữa”- ông Obama nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình thường hóa hoàn toàn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO