Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tiếp tục những nỗ lực “phá băng” mối quan hệ với Cuba sau hơn nửa thế kỷ qua bằng một chuyến công du chính thức đến quốc đảo xinh đẹp này. Đánh giá về tiến trình bình thường hóa quan hệ, PGS. TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho rằng cả Mỹ và Cuba sẽ đều có lợi ích nếu tạo lập được mối quan hệ gần gũi, bình đẳng hơn.
PGS. TS Cù Chí Lợi.
PV: Theo ông, thông điệp của Obama trong chuyến thăm tới Cuba lần này có gì đáng chú ý?
PGS. TS. Cù Chí Lợi: Sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, Tổng thống Obama đã tuyên bố “lệnh cấm vận giữa hai nước sẽ được gỡ bỏ”, dù ông không thể ấn định thời điểm chính xác là khi nào. Điều đó có thể hiểu là ông Obama đang nỗ lực hướng hai nước tới một mối quan hệ tốt đẹp, mở ra một kỷ nguyên mới, cùng tồn tại hòa bình, hợp tác và phát triển. Vấn đề cấm vận hay dỡ bỏ cấm vận còn có vai trò của Quốc hội Mỹ. Hiện Quốc hội Mỹ rất khó có sự ủng hộ đối với ông Obama. Tuy nhiên ông Obama cũng đã thể hiện rõ sự quyết tâm của mình bằng việc sử dụng quyền hành pháp để nới các hạn chế về thương mại và du lịch đối với Cuba.
Mỹ và Cuba đều đạt được lợi ích trong tiến trình bình thường hóa quan hệ chứ không chỉ riêng gì Cuba như nhiều người lầm tưởng?
- Việc duy trì mối quan hệ thù địch của Mỹ đối với Cuba thì thiệt hại không chỉ riêng Cuba mà Mỹ cũng chịu ảnh hưởng nhiều. Trước hết là uy tín của Mỹ trên trường quốc tế giảm sút. Bản thân Washington cũng nhận không ít chỉ trích từ cộng đồng thế giới trong vấn đề này. Họ giữ tư duy thù địch quá lâu với một quốc gia mà không phải là mối đe dọa Mỹ như Cuba, trong khi thế giới đang hướng đến sự hợp tác phát triển toàn diện.
Vì vậy, theo tôi việc bình thường hoá quan hệ trước hết không những khôi phục mà còn làm tăng uy tín của Mỹ đối với quốc tế. Thứ hai là chuyến thăm của ông Obama có thể là bước khởi đầu cho những quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính... và nhiều lĩnh vực khác, mang lại nhiều nguồn lợi cho Washington. Chính bản thân Tổng thống Obama trước đó cũng thừa nhận cuộc bao vây cấm vận áp đặt với Cuba trong hơn 50 năm qua không mang lại lợi ích cho hai nước.
Còn đối với Cuba, lợi ích hay không còn phụ thuộc vào Mỹ có dỡ bỏ cấm vận hay không? Song như đã nói ở trên, trong thẩm quyền của ông Obama, ông cũng đã có những quyết định nới lỏng những hạn chế đi lại tới Cuba, hai bên đã khôi phục dịch vụ điện thoại-bưu chính, chuyển tiền, cũng như mở các chuyến bay trực tiếp... Nhờ đó, không ít người dân Cuba có thể về nước thăm người thân hay ngược lại đi du lịch, đầu tư làm ăn ở Mỹ bất cứ khi nào họ muốn.
Chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama có diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nào không? Hay chỉ là theo các kế hoạch đã định trước trong chính sách hàn gắn mối quan hệ với Havana?
- Tổng thống Obama trước đây đã hứa có chuyến thăm Cuba. Vì vậy, đây cũng có thể hiểu là chuyến thăm theo kế hoạch đã định trước. Tuy nhiên, cần phải chú ý thời điểm này là giai đoạn cuối trong nhiệm kỳ của ông Obama và dĩ nhiên ông Obama cũng muốn thực hiện một hoạt động ngoại giao nào đó tạo dấu ấn trước khi rời nhiệm sở.
So với thời điểm tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Cuba hồi năm ngoái, chuyến thăm của ông Obama lần này là khá sớm so với dự đoán của các nhà phân tích. Việc bình thường hoá quan hệ là vấn đề hệ trọng. Thông thường ở các nước, tính từ thời điểm tuyên bố hàn gắn mối quan hệ tới thời điểm các nguyên thủ quốc gia thực hiện các chuyến thăm thì phải trải qua một quá trình lâu dài để hai bên có thời gian lên kế hoạch chuẩn bị.
Chuyến thăm lịch sử lần này liệu có mang lại cam kết mới nào giữa hai nước không?
- Cam kết mới hiện tại thì chưa thể có. Hai bên vẫn đang trong quá trình giải quyết những khác biệt, bất đồng để đi đến việc dỡ bỏ cấm vận. Mối quan hệ giữa hai nước chắc chắn còn nhiều khác biệt và không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”. Cần phải có thời gian thảo luận.
Cuối năm nay Mỹ dự kiến mở lại tuyến bay thương mại như một kết quả của chính sách bình thường hóa quan hệ. Liệu tiến trình này có thể tiếp tục thực hiện trong các đời Tổng thống tiếp theo hay không?
- Nhìn vào xu hướng thì việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba, Mỹ chắc chắn phải thực hiện “không sớm thì muộn”. Tổng thống Obama là “người đặt nền móng” cho tiến trình này và có thể không hoàn thành trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, một khi ông Obama đã khởi động tiến trình này thì đó là uy tín của nước Mỹ, là tiếng nói của nước Mỹ và là bộ mặt của nước Mỹ. Vì vậy, những người kế nhiệm đương nhiên cũng đối mặt với áp lực này. Đây cũng là cơ sở mà theo tôi họ vẫn sẽ tiếp tục chính sách của ông Obama dù chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn.